An tâm dưỡng lão
Ấy là tâm sự của cụ Lý Ngọc Duyên, một già làng nổi tiếng khắp nẻo ATK Yên Sơn và Sơn Dương. “Rựa, dao cụ Lý Duyên” ở thôn Làng Nhà, xã Kim Quan (Yên Sơn) thực sự là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng. Nhiều người nể phục, bởi năm nay đã U80 rồi nhưng cụ Duyên vẫn miệt mài cặm cụi với cái nghề “nung, đập” tưởng như chỉ dành cho sức trẻ.
Cụ Duyên kể, gia đình có 3 đời làm nghề rèn, khi cụ chưa biết viết con chữ đã biết cầm búa quai sắt rồi, đến nay cũng ngót 70 năm với bao thăng trầm, gian khó. Nghề rèn đã có một thời hưng thịnh, nhưng cùng với thời gian nó đã dần mai một, lụi tàn. Nhiều thợ trong khu vực đã bỏ nghề để tìm công việc khác, nhưng cụ Duyên vẫn cần mẫn bám nghề truyền thống, bởi với cụ đó còn là nét tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Cụ Lý Ngọc Duyên, thôn Làng Nhà, xã Kim Quan ( Yên Sơn) vẫn làm việc hăng say ở độ tuổi gần 80.
Hơn 2 tiếng đồng hồ xem cụ Duyên rèn, giũa nông cụ, chúng tôi thầm cảm phục tinh thần hăng say lao động và sức khỏe dẻo dai ở ông lão 80 này. Đôi tay cụ Duyên thuần thục máy cắt, máy tiện, máy mài một cách điệu nghệ, rồi vung tay búa làm cho những thanh sắt thô ráp trở nên có sức hút lạ kỳ. Cụ Duyên bảo, mươi năm về trước, cụ Duyên rèn 7-8 sản phẩm/ngày, giờ thì chỉ rèn 2-3 sản phẩm, ngoài ra cụ nhận đặt hàng theo yêu cầu của khách. Rèn giũa dao, rựa xong là cụ Duyên mang đến khắp các chợ phiên từ Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh (Yên Sơn) rồi sang đến Trung Yên, Tân Trào (Sơn Dương). Lời lãi không nhiều nhưng vui, tuần nào cũng rong ruổi khắp các chợ phiên được giao lưu, phục vụ bà con. Thấy cụ vất vả, con, cháu muốn cụ nghỉ ngơi, nhưng cả đời sống với nghề, giờ không làm, tay chân thừa thãi lắm! Vả lại, làm việc có ích cho xã hội, rèn luyện được sức khỏe, hơn nữa là mang lại thu nhập cho mình hạnh phúc quá chứ!
Theo cụ Duyên, trừ chi phí nguyên vật liệu nghề rèn mang lại cho cụ 2-3 triệu đồng/tháng đủ tiền đồng quà tấm bánh, chi tiêu vặt mà không phải phiền lụy đến con cái, an tâm mà dưỡng lão. Trời còn cho sức thì ta còn rèn - Cụ Duyên cười mãn nguyện. Anh Lý Văn Thìn, con trai cụ Lý Ngọc Duyên thật lòng kể, mặc dù sống chung nhưng con cháu không phải lo lắng bởi 2 cụ cũng có vốn dắt lưng, đôi khi các cụ còn “giấu” gửi thêm cho cháu nội là 2 con anh đang học Đại học Dược và Học viện Tài chính ở Hà Nội.
Ở tuổi 77 song 2 vợ chồng ông bà Vũ Đình Lưu, Nguyễn Thị Sơn, tổ 17, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) vẫn luôn là tấm gương sáng về phong cách sống giản dị, khoa học và tính độc lập tự chủ để con, cháu học tập và noi theo. Ông bà Lưu Sơn có 4 người con, các anh, chị đều có gia đình, công tác ngoài xã hội. Tôn trọng cuộc sống riêng tư của các con nên ông bà không ở cùng. Ông Lưu chia sẻ, mỗi thế hệ có những quan điểm sống khác nhau, người già lại “khó tính” nên độc lập tự chủ là hạnh phúc nhất. Chủ động về không gian sống, vợ chồng ông bà Lưu - Sơn tự chủ cả về tài chính.
Theo ông Lưu, cả ông, bà có chế độ lương hưu, ngoài ra còn nuôi gà, trồng rau thêm thắt vào bữa ăn. Tiền lương, ông bà có kế hoạch cụ thể, khoa học, phần lo cho cuộc sống của bản thân, phần “bỏ ống” tiết kiệm. Ông Lưu chia sẻ, mỗi tháng vợ chồng ông gửi góp vào ngân hàng 1-2 triệu đồng, tích lũy dần, góp gió rồi cũng thành bão. Lối sống khoa học, độc lập, tự chủ về tài chính nên các con cháu của ông bà dù không ở cùng song rất yên tâm. Ông Lưu nhớ lại, vài năm trước có lần ông bà có việc đột xuất, may có quỹ tích lũy nên giải quyết được ngay mà không phải “cậy” đến con cái.
Không riêng cụ Duyên, vợ chồng ông bà Lưu - Sơn, đại đa số người cao tuổi hiện dần chủ động hơn với cuộc sống của chính mình, đặc biệt là vấn đề tài chính. Theo Ngân hàng Liên Việt Chi nhánh Tuyên Quang, số lượng người trên độ tuổi lao động tham gia các dịch vụ tích lũy tài chính qua kênh tại bưu cục, bưu điện văn hóa xã đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Mỗi tháng một vài triệu, thậm chí nhiều cụ chọn hình thức gửi góp ở mức từ 500 - 700 nghìn đồng để an tâm dưỡng lão.
Vợ chồng ông Vũ Đình Lưu, bà Nguyễn Thị Sơn, tổ 17, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) hạnh phúc cùng cháu nội, ngoại.
Những nốt trầm
Thế nhưng không phải người già nào cũng có được cuộc sống như vậy, vẫn còn không ít người già cô đơn, vất vả, túng bấn tới tận lúc sắp lìa đời. Thậm chí có nhiều người già còn rơi vào tình cảnh đau đớn, buồn tủi đến cùng cực khi con cháu bạc đãi khiến họ phải tha hương, cầu thực, vắt cạn kiệt chút sức lực còn lại để mưu sinh.
Bà N.T.T, xã An Khang (TP Tuyên Quang) đã phải 2 lần bán nhà, chuyển nhà vì cậu con trai út. Con trai bà T. vướng phải bài bạc, nhiều lần hứa hẹn sẽ bỏ, sẽ tập trung làm việc để giúp mẹ trả nợ, nhưng số nợ năm trước lại nhiều hơn năm sau. Ngôi nhà cấp bốn bà vừa xây chưa được 3 năm, vừa rồi “chủ nợ” ráo riết quá, bà phải bán vội để gánh nợ giúp con. Giờ, mẹ con bà cháu phải thuê nhà ở. Bà T. chia sẻ, giá như bà quyết liệt từ đầu, thì đã không phải lần hồi bán đi ngôi nhà thờ tự của gia đình, rồi lại phải bán đi ngôi nhà thứ hai...
Cũng như bà T. , bà V.T.B ở Tứ Quận (Yên Sơn) ở tuổi ngoài 70 vẫn phải nhận trông trẻ, trông người ốm đau để mưu sinh. Bà B. có 3 cậu con trai, nhưng các con đều không có việc làm ổn định. Bà đã từng tính sẽ chỉ trông trẻ đến khoảng 65 tuổi là sẽ nghỉ việc, về quê nuôi tằm để đỡ vất vả, nhưng vì người con trai cả ở với bà, nhưng không “thật tính”, tối ngày rượu chè. Nhiều lúc rượu say, không làm chủ được bản thân, anh gây sự với cả mẹ mình, nên giờ này, ngoài 70 tuổi, bà vẫn phải di chuyển từ nhà người lạ này sang nhà người lạ khác.
Những nốt trầm buồn như câu chuyện của bà T., bà B. không phải là ít. Có câu: tài sản lớn nhất của cha mẹ chính là những người con. Hy vọng, mỗi “của để dành” hãy để tâm, yêu thương cha mẹ mình, để những người già thực sự được hưởng cuộc sống thoải mái, vui vầy bên con cháu theo đúng nghĩa nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết