Để nghị quyết vào cuộc sống

- Tự soi, tự sửa, khắc phục những yếu kém đang được cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên lãnh đạo quản lý nghiêm túc thực hiện. Từ chính những thiếu sót được chỉ ra trong quá trình kiểm điểm nghiêm túc, các ngành, địa phương đã chủ động đề ra những giải pháp khắc phục, từng bước đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

So với những đơn vị khác, “3 cùng” của ngành Tài nguyên và Môi trường có phần đặc thù hơn. Không chỉ đến cơ sở hỗ trợ người dân xây dựng nông thôn mới, những ngày “cùng kê khai, cùng thẩm định, cùng kiểm tra kết quả với người dân” được cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện trong năm 2021 được người dân đánh giá rất cao.  

Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tài nguyên đất đai là nguồn lực rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Qua nhiều lần kiểm điểm, ngành Tài nguyên và Môi trường đều nhận thấy, công tác quản lý đất đai chưa được quan tâm tương xứng với giá trị mà nó mang lại. Chính vì vậy, trước mắt đơn vị tham gia “3 cùng” vào công tác chỉnh lý biến động thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân, doanh nghiệp để thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản đất đai.

Sở đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai mở các đợt hỗ trợ miễn phí, mục tiêu đặt ra là phục vụ, đem đến sự hài lòng nhất cho người dân khi thực hiện các thủ tục. Để đảm bảo chính xác, được việc cho cả đôi bên, Sở yêu cầu cán bộ, nhân viên Văn phòng thực hiện theo phương châm “3 cùng”, tránh trường hợp kê khai rồi vẫn bị sai. Chỉnh lý chính xác thông tin đất đai người dân sẽ thuận lợi rất nhiều khi thực hiện các thủ tục liên quan đến tài sản đất đai như: thế chấp vay vốn, thừa kế, chuyển nhượng và cũng tạo sự thống nhất trong giấy tờ tùy thân và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, loại bỏ những thủ tục “con” trong thủ tục hành chính.

“Cùng kê khai, cùng thẩm định, cùng kiểm tra kết quả với người dân”, chị Vi Kim Cúc, nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường ngoài hướng dẫn kê khai, còn cùng người dân rà soát lại thông tin cho chắc chắn trước khi nộp vào bộ phận thẩm định để nhập vào máy chỉnh sửa. Cũng như chị Cúc, anh Ngô Xuân Hoàn, nhân viên Văn phòng cũng từ tốn, cẩn trọng “3 cùng” trong suốt quá trình thực hiện thủ tục chỉnh lý biến động thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Anh Hoàn bảo, phần lớn người đến đều lớn tuổi nên anh càng phải có trách nhiệm hướng dẫn cặn kẽ hơn.

Ông Nguyễn Đình Khanh, tổ 16, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) phấn khởi cho biết, không chỉ được tiếp đón thân tình, còn được cán bộ hướng dẫn tỷ mỉ nên chỉ 10 phút ông đã điền được đầy đủ các thông tin biến động trên giấy tờ đất như: địa chỉ thường trú, thay đổi số chứng minh thư sang căn cước công dân... theo đúng yêu cầu kê khai mà không sai sót hay nhầm lẫn. Kê khai xong thông tin, ông Khanh nộp cho bộ phận thẩm định. Chưa đầy 30 phút sau khi nộp đơn đề nghị, ông đã nhận được kết quả đúng như mong đợi. Thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đã được điều chỉnh khớp với hồ sơ, giấy tờ liên quan.

Năm 2021, ngành Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 2 đợt thực hiện điều chỉnh thông tin biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho  600 hộ gia đình, cá nhân tại 2 địa điểm là xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) và 2 tổ 16, 17 phường Tân Hà (TP Tuyên Quang). Kết quả này sẽ là động lực để ngành tiếp tục “3 cùng” điều chỉnh biến động thông tin trên giấy tờ đất, đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý dữ liệu về đất đai và đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Một trong những hạn chế được chỉ ra trong nhiều năm của hoạt động khuyến nông là thiếu các mô hình liên kết, dẫn đến tình trạng thiếu tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Nghiêm túc kiểm điểm, nhìn nhận và khắc phục nội dung này, năm 2021 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, ngoài việc xây dựng, trình diễn các mô hình mới, hình thành nên những chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Đồng chí Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, mục tiêu của ngành trong năm 2021 là thực hiện được ít nhất một mô hình liên kết. Kết quả, trong năm đơn vị đã xây dựng được 2 mô hình liên kết sản xuất gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm, đạt 200% kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột của Hợp tác xã Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương) được thực hiện từ năm 2019 và duy trì ổn định đến thời điểm này. Từ 3ha đầu tiên tại xã Vĩnh Lợi, đến hết năm 2021 đã mở rộng ra 19 xã trên địa bàn các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang với diện tích 170ha/1.235 hộ, thu mua được 8.647,4 tấn, với giá thu mua dưa chuột bình quân từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Diện tích dưa chuột được trồng tập trung nhiều nhất tại huyện Sơn Dương 69ha, tổng sản lượng 8 tháng đầu năm đạt hơn 2.800 tấn; huyện Yên Sơn 15ha, sản lượng đạt gần 500 tấn; huyện Chiêm Hóa hơn 10ha tổng sản lượng 330 tấn...

Ông Tuấn cho biết, để mô hình triển khai hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với hợp tác xã Minh Tâm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, UBND các xã trồng dưa chuột tổ chức kiểm tra đồng ruộng và hướng dẫn các hộ làm đất, bón phân, trồng dưa, cắm dèo, thu hoạch theo đúng quy trình kỹ thuật. Tham gia mô hình, bà con nông dân phải đảm bảo quy trình chăm sóc nông nghiệp an toàn.

Mô hình liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc đã thu hút 3 doanh nghiệp, hợp tác xã gồm Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang thực hiện tại các xã Tràng Đà, Nông Tiến, Hưng Thành thành phố Tuyên Quang, quy mô 60 ha; Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Hoàng, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa), Công ty cổ phần Tập Đoàn giống cây trồng Việt Nam thực hiện tại một số xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa quy mô 45 ha; Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hương Hà (TP Tuyên Quang) thực hiện tại xã Tân Tiến (Yên Sơn), quy mô 5ha.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng tinh thần “tự soi, tự sửa” đã đạt được hiệu quả “kép”: Vừa giúp đảng viên thấy được hạn chế của bản thân, vừa nâng cao hiệu quả công việc. Tinh thần này đang tiếp tục được các ngành, địa phương triển khai trong năm tới, như một cách để không chỉ mỗi cán bộ, đảng viên mà ở mỗi cơ quan, đơn vị tự nhìn nhận lại chức trách, nhiệm vụ của mình, tạo chuyển biến mới trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ghi chép: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục