Làng tỷ phú

- Nằm gần như cuối xã, nhưng Đồng Dầy không có cái vẻ u buồn và vắng lặng. Cả ngôi làng toát lên vẻ no đủ, sung túc nhờ con đường làng được bê tông khang trang và những ngôi nhà vườn nguy nga, rộng rãi. Phó Chủ tịch UBND xã Chiêu Yên Lê Văn Hiến giới thiệu đây là làng ngoại tệ, khi có đến nửa số hộ trong thôn có người thân đi xuất khẩu lao động. Nguồn tiền từ xuất khẩu lao động gửi về, đã định danh Đồng Dầy là ngôi làng tỷ phú của đất Chiêu Yên (Yên Sơn).

Đổi đời

Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng, vợ chồng bà Đinh Thị Thơm vẫn không tin những ngày xế chiều, cuộc sống của cả nhà lại thay đổi như thế.

Ngôi nhà của ông Trần Đại Nghĩa được xây dựng khang trang.

Con trai ông bà là Nguyễn Anh Dũng là người đầu tiên của không chỉ Đồng Dầy, mà của cả xã Chiêu Yên đi làm việc tại Đài Loan từ những năm 2011. 10 năm bôn ba nơi xứ người, Dũng gắn bó với công việc giặt là, mức lương cũng tăng đều đặn từ hơn 15 triệu đồng lên 30 triệu đồng một tháng. Số tiền gửi về cho bố mẹ năm đầu tiên đã đủ để trang trải hết số nợ mà khi ra đi, nhà anh phải vay mượn ngân hàng và anh em người thân. Năm sau, rồi năm sau nữa, tiền tích cóp gửi về ngày một tăng.

Mỗi năm, Dũng lại rủ thêm vài người bạn cùng làng đi làm với mình. 1 người, 2 người, rồi đến cả chục người, cả anh em, cả bạn bè.
Năm 2021, Dũng về nước cưới người vợ cùng làng, rồi 2 vợ chồng lại lên đường sang Nhật Bản làm việc. Nhắc đến con, người mẹ ấy rơm rớm nước mắt, nhưng bà bảo, nếu gắn bó với nông nghiệp, thì cũng chỉ đủ ăn thôi, vợ chồng muốn còn trẻ, còn sức, đi làm tích cóp lấy một khoản, rồi sau này về quê, có vốn mà làm ăn.

Bí thư chi bộ Đồng Dầy Trần Thành Đô không đếm được, ở thôn mình có bao nhiêu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ông bảo, cả làng 52 hộ gia đình, thì có hơn 30 hộ có người thân đi xuất khẩu lao động, chủ yếu ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Có những nhà chỉ một người đi. Nhưng cũng có những nhà 2-3 người cùng đi. Như nhà ông Trần Văn Nhượng, 2 người con là Trần Văn Chuẩn, Trần Văn Trường đều đi làm việc ở Đài Loan. Nhà ông Trần Minh Phi, 2 vợ chồng con trai đi làm việc tại Nhật Bản. Ngay như nhà ông Đô, cậu con trai Trần Văn Hoàn cũng đã sang Đài Loan làm việc được 6 năm.

Mỗi tháng, đã có cả tỷ đồng tiền của con em đi xuất khẩu lao động gửi về quê cho người thân. Ông Đô cười, nhờ nguồn tiền này mà cả chục năm nay, Đồng Dầy là thôn duy nhất của xã Chiêu Yên không có dư nợ ở ngân hàng, mà ngược lại còn là “chủ nợ” của ngân hàng đấy.

Góp sức xây dựng nông thôn mới

Đồng Dầy vừa được xã Chiêu Yên lựa chọn xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Cả thôn, giờ chẳng còn tuyến đường nào không được bê tông khang trang, sạch đẹp. Hơn 4.000 mét đường bê tông uốn lượn quanh làng, vệ sinh môi trường cũng được bà con ý thức mà dọn dẹp “sạch đường, đẹp ngõ”. 19/19 tiêu chí nông thôn mới, đến thời điểm này đã được thôn cơ bản hoàn thành.

Nhà văn hóa Đồng Dầy được xây dựng một phần từ nguồn tiền đóng góp của người dân.

Bí thư chi bộ Trần Thành Đô bảo, kết quả này một phần lớn nhờ nguồn kiều hối từ nước ngoài gửi về. Nhà có người đi xuất khẩu lao động khá giả, việc đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn cũng thuận lợi, dễ dàng hơn.

Như ngôi nhà văn hóa thôn trị giá hơn 600 triệu đồng vừa hoàn thành, có đến một nửa là từ tiền đóng góp của nhân dân, vừa để mua đất, vừa để xây dựng sân thể thao và khuôn viên. Cái hay của người Đồng Dầy là không ai muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, tiền người thân gửi về từ nước ngoài, một phần bà con gửi tiết kiệm, một phần bà con tái đầu tư vào sản xuất nông nghiệp - khi đây vẫn là thôn thuần nông của xã.

Bà Đinh Thị Thơm khoe, ngôi nhà này vừa xây trước khi Dũng về nước cưới vợ. “Nhà của em nó, cái ao kia mình cũng vừa xây đắp lại, của em nó. Mình chỉ giữ tiền cho con thôi!”.  Trong khi chồng bà, ông Trần Minh Phi, chỉ vừa kịp quệt tay vào bộ quần áo lao động nhuộm mồ hôi bắt tay khách, rồi lại tất bật với việc chăm chút cho vườn thanh long và 2 ha keo. “Miệng ăn núi lở mà” - ông Phi giải thích vội thế!

Thôn Đồng Dầy hôm nay.

Không chỉ xuất khẩu lao động, mà ở Đồng Dầy, người đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong nước cũng đạt “kỷ lục” của xã. Câu chuyện 3 anh em là Trần Văn Khởi, Trần Thị Tuyến, Trần Thị Huyền đi làm việc tại Bắc Ninh mỗi mùa xuân về đều trích một số tiền không nhỏ để động viên, khen thưởng những đứa trẻ học giỏi của thôn là câu chuyện vẫn được người dân ở Đồng Dầy truyền miệng.

Ông Trần Đại Nghĩa cười ngượng nghịu khi khách hỏi về các con mình. Ông bảo, mình vẫn luôn dạy các con, dẫu đi đâu, như nào, thì các con vẫn là người của làng. Bởi nguồn cội, là thứ không dễ gì thay đổi được!

Phó Chủ tịch UBND xã Chiêu Yên Lê Văn Hiến cho biết, từ hiệu quả của Đồng Dầy, hiện phong trào xuất khẩu lao động tại Chiêu Yên đang được chính quyền xã phối hợp với nhiều kênh để kết nối, đưa người đi lao động. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp việc giảm nghèo tại địa phương thực hiện hiệu quả trong những năm gần đây!

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục