Điều kỳ diệu từ sách

- Có một nhà triết gia đã nói: “Tất cả những gì con người làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, văn hóa nghe nhìn “lên ngôi” thế nhưng ở bất cứ thời đại nào sách truyền thống vẫn giữ được vị thế và tầm quan trọng.

“Sách mở ra những chân trời mới”

Có thể thấy những người thành công luôn xem đọc sách là hành trang cuộc sống của họ bất kể lứa tuổi nào đi chăng nữa. Theo số liệu thống kê của một nhà xuất bản, các CEO trên thế giới, trung bình một người đọc một cuốn sách mỗi tuần, tổng cộng một năm họ sẽ đọc hơn 50 cuốn sách. Nhiều người biết đến nhà đầu tư đại tài Warren Buffett (nước Mỹ) đã đọc 600 - 1.000 trang sách mỗi ngày khi mới lập nghiệp. Cho đến hiện tại, ông vẫn giữ thói quen dành hơn 80% thời gian bên cạnh những quyển sách.

Đồng chí Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian trưng bày sách tại Vincom Plaza trong khuôn khổ Lễ khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2022.

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ, sách thật sự là những cuốn cẩm nang khởi đầu cho mọi sự thành công. Không phải ngẫu nhiên mà ta khẳng định “nhiều người thành công nhờ đọc sách” mà tất cả xuất phát từ dẫn chứng cụ thể về tấm gương xuyên suốt thời đại.

Tại Thư viện tỉnh có nhiều cuốn sách nói về các vĩ nhân, người nổi tiếng thành đạt nhờ quá trình tự học, tự đọc. Nhà văn Phù Ninh chia sẻ, từ xa xưa việc “đọc sách thánh hiền” đã trở nên quen thuộc với các bậc quân vương, sĩ phu nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem sách báo như người bạn đường tri kỷ. Ngoài ra chúng ta còn có nhiều nhân vật tiêu biểu, thành công từ việc đọc sách. Điển hình như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Đào Duy Anh, Giáo sư - Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Nhà toán học Hoàng Tụy…

Ngày nay những tấm gương như thần đồng Đỗ Nhật Nam (Hà Nội), Lê Anh Đức “Thần đồng ngôn ngữ” (Vĩnh Phúc), thần đồng ngoại ngữ Đoàn Ngọc Minh Anh (Hà Nội)… đều có niềm đam mê cuồng nhiệt với việc đọc sách. Tại Tuyên Quang nhiều bạn học sinh là tấm gương sáng về việc đam mê tự học, tự đọc. Cô học trò Nguyễn Diệu Anh, lớp 9B, Trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) 3 năm liên tục đoạt giải Nhất Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc của tỉnh.

Trong bài viết ở cuộc thi năm 2021 có câu hỏi: “Nếu được chọn là Đại sứ Văn hóa đọc em có kế hoạch và biện pháp gì khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn?”. Diệu Anh đã đưa ra những ý tưởng khá thú vị, để có được thói quen đọc sách, các bạn và mọi người hãy sắp xếp truyện, sách khắp trong ngôi nhà của mình, tại những nơi gần tầm tay, dễ lấy để đọc. Cùng với đó là nhiều hình ảnh minh họa, cách trình bày bài thi rất xuất sắc thuyết phục hoàn toàn Ban Giám khảo.

Thư viện xanh Trường Tiểu học An Tường (TP Tuyên Quang).

Gần đây thành tích của em Hà Kiên Trung, dân tộc Tày, nhà ở tổ dân phố Cơ Quan, thị trấn Sơn Dương, hiện đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm nức lòng người dân xứ Tuyên. Trung vừa xuất sắc giành được học bổng của 10 trường đại học tại Mỹ với tổng giá trị học bổng gần 30 tỷ đồng. Chia sẻ về hành trình đến với “thành quả” đáng mơ ước, Trung nói, đó là một quá trình nỗ lực để học tập và rèn luyện các kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm. Đặc biệt Trung cũng là một trong những “mọt sách” với thời lượng mỗi ngày hàng giờ nghiền ngẫm những cuốn sách ở thư viện, hiệu sách ở Hà Nội.

Đọc sách chưa chắc đã thành công nhưng những người thành công nhờ đọc sách là có thật. Mỗi trang sách là một bài học quý giá mang đến cho mỗi người kiến thức và từng bước thẩm thấu vào tâm hồn, trí óc để làm nên sự thành công trên đường đời. Đó chính là điều kỳ diệu trên những trang sách.

Truyền cảm hứng…

Với sự phát triển của công nghệ, bên cạnh những người yêu thích đọc, nghiền ngẫm kiến thức trên từng trang giấy thì người đọc đã có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở không chỉ ở thư viện mà còn từ nhiều nguồn trên Internet. Đó là trang web, mạng xã hội, sách điện tử…

Tuy nhiên ở bất cứ thời đại nào sách truyền thống vẫn giữ được vị thế và tầm quan trọng. Nhiều năm nay, để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa trong cộng đồng các đơn vị, địa phương đã có nhiều cách làm để truyền cảm hứng tình yêu sách.

Học sinh Trường Tiểu học Đăng Châu (Sơn Dương) với Ngày hội đọc sách.

Đối với nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, hình ảnh ô tô lưu động “Ánh sáng tri thức” đưa sách về các vùng nông thôn đã trở nên quen thuộc. Đi đến đâu, xe đọc sách lưu động của Thư viện tỉnh cũng nhận được sự chào đón nhiệt tình của các giáo viên, học sinh các trường học. Em Nguyễn Tâm Đan, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Nhữ Hán (Yên Sơn) chia sẻ, ở vùng nông thôn không đa dạng các đầu sách như ở thành thị, nhất là những sách mới xuất bản. Vì vậy, khi thư viện lưu động về tới trường học, em và nhiều bạn đều rất thích vì được đọc nhiều cuốn sách hay, học hỏi được thêm nhiều bài học cuộc sống ngoài sách giáo khoa.

So với mô hình thư viện truyền thống, điểm khác biệt của mô hình này là cách thức phục vụ linh hoạt, học sinh có thể đọc sách ngay tại trường trong một không gian mở cùng với các trò chơi, giúp các em phát triển sự sáng tạo và niềm yêu thích đọc sách.

Mô hình “Thư viện xanh” được các trường học duy trì nhiều năm nay. Không phải thư viện đơn điệu chỉ có giá sách và sách thì các thư viện thường được đặt dưới sân trường, với thiết kế là các giá sách mini có mái che, thường được đặt dưới tán cây hoặc bên cạnh bồn hoa. Một số trường học xây dựng các mô hình “thư viện xanh” như Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Na Hang (Na Hang), Trường Tiểu học Thái Bình (Yên Sơn), “Thư viện thân thiện” tại Trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang), Trường Tiểu học Vĩnh Lợi (Sơn Dương)…

Cô giáo Võ Thị Tuyết Sơn, giáo viên quản lý thư viện Trường Tiểu học Thái Bình (Yên Sơn) cho biết, tận dụng hơn 4.000 đầu sách được nhận hỗ trợ, nhà trường đã xây dựng “Thư viện xanh”. Mô hình nhằm giúp các em được đọc sách mọi lúc, mọi nơi, tạo nguồn cảm hứng để các em học tập và trao đổi nhiều hơn với bạn bè và thầy cô.

Liên tục nhiều năm liền, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” được tổ chức toàn quốc. Thông qua cuộc thi đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng bằng những câu chuyện, sáng kiến thiết thực. Tại Tuyên Quang, mỗi năm có từ 8.000 đến 9.000 bài tham gia dự thi của các học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn toàn tỉnh.

Em Bùi Nguyễn Tiến Thành, học sinh lớp 9A, Trường THCS Thái Hòa (Hàm Yên) chia sẻ: “Em từng là người tự ti, nhiều khi cảm thấy cuộc sống có phần tẻ nhạt. Nhưng tất cả đã thay đổi từ khi em được mẹ tặng cuốn sách “Đánh thức con người phi thường trong bạn” của tác giả Anthony Robbins. Thế là chẳng hiểu sao mọi suy nghĩ trong em dần thay đổi. Cuốn sách khơi dậy trong em những suy nghĩ sâu sắc về giá trị cuộc sống. Đây cũng là cuốn sách em lựa chọn để viết cảm nhận khi tham gia cuộc thi này và em đã giành được giải Ba vào năm 2020. Em sẽ tiếp tục lan tỏa tình yêu sách đến bạn bè của mình”.

Bên cạnh tuyên truyền về sách bằng cách tổ chức các hội sách và các cuộc thi thì Internet cũng là công cụ hữu ích để khuyến khích việc đọc sách. Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Truyền thông và Thể thao huyện Chiêm Hóa… thường xuyên có những video clip, bài viết giới thiệu những cuốn sách hay. Chị Ngô Thùy Dung, công tác tại Sở Giao Thông - Vận tải tỉnh chia sẻ, chị thường xuyên xem các video Sách hay của Báo Tuyên Quang. Đây là một kênh để mình lựa chọn mua sách cho gia đình.

Học sinh Trường THPT Chiêm Hóa đọc sách tại thư viện nhà trường. 

Tuy nhiên một điều chúng ta thừa nhận rằng tình yêu sách không chỉ được lan tỏa ngoài cộng đồng mà trước tiên mỗi chúng ta cần “thắp lửa” ngay từ trong gia đình mình. Từ xa xưa, ông cha ta đã rất đề cao tầm quan trọng của sách, coi sách như gia tài đáng giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu: “Để vàng để bạc chẳng bằng để sách cho con” (Ngạn ngữ Việt Nam). Ở nhiều gia đình ông bà, bố mẹ luôn có ý thức tạo thói quen đọc sách và tình yêu sách cho con cháu ngay từ khi còn bé. 

Gia đình bà Trương Ngọc Dung, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) luôn quan niệm sách là vật báu quý giá. Nên vào các dịp sinh nhật, lễ  Tết các thành viên thường tặng sách cho nhau. Gia đình bà có 3 tủ sách, mỗi tủ có hàng trăm cuốn sách, đó là “thế giới riêng” mà mọi người đều trân trọng, dành thời gian trải nghiệm. Bà Dung chia sẻ, ngay từ khi các con còn bé, bà thường đọc thơ, truyện rồi dần dà truyền tình yêu sách cho các con. Hiện nay hai cô con gái đều trưởng thành, công tác tại các trường học ở Hà Nội. 

Từ 15 năm nay, gia đình ông Ma Phúc Tiến, tổ Vĩnh Bảo, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) xây dựng tủ sách gia đình. Ông chia sẻ, ông có thói quen sưu tầm sách từ khi còn trẻ nên hiện nay tủ sách của ông có khoảng gần 400 cuốn sách, các thể loại như văn hóa, cẩm nang sống, nông nghiệp… Các con cháu ông đều yêu thích tủ sách của gia đình, coi đó như là gia tài để nâng niu trân trọng.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”.  Dù xã hội có phát triển thế nào thế nhưng giá trị của sách và văn hóa đọc luôn có tầm quan trọng, mang đến nguồn tri thức cho nhân loại. Do đó việc lan tỏa tình yêu sách là “sứ mệnh” của tất cả mỗi người và bắt đầu ngay từ hôm nay.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục