Những người trẻ “lười đọc”
Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube... những kênh giải trí liên tục xuất hiện và được cập nhật liên tục, theo từng giây đã kéo đôi mắt của nhiều người, trong đó chủ yếu là những người trẻ vào màn hình những chiếc điện thoại thông minh. Khái niệm “sách gối đầu giường” trở nên xa lạ với nhiều người.
Bà Vũ Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Tân Trào chia sẻ, hiện nay, công nghệ thông tin quá phát triển làm cho một bộ phận không nhỏ sinh viên chịu ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội, các trò giải trí của Internet mà quên đi những lợi ích thiết thực của việc đọc sách đem lại. Thực trạng đọc sách của giới trẻ hiện nay đang rơi vào tình trạng đáng báo động.
Học sinh, sinh viên Trường Đại học Tân Trào đọc sách tại Trung tâm Thông tin - Thư viện nhà trường.
Theo bà Hương, mặc dù nhiều người hiểu được những lợi ích mà việc đọc sách đem lại nhưng vẫn bị cuốn theo các trò giải trí khác nên vẫn chưa thực hiện được việc đọc sách thường xuyên. Việc đọc không tập trung và bị xao nhãng, đọc không sâu vào từng vấn đề thì sẽ không đem lại hiệu quả cao trong việc đọc sách và dẫn đến tình trạng lười đọc sách. Nhiều bạn sinh viên đọc sách theo cách cứ lên mạng Internet là sẽ tìm thấy các thông tin nên ngày càng lười đọc sách hơn. Ngoài ra cuộc sống hiện đại cũng khiến giới trẻ bị cuốn vào vòng quay của cuộc sống nên cũng khá bận rộn. Việc sinh viên đọc sách và dành thời gian để đọc sách nhằm mục đích giải trí là điều khá khó khăn. Cầm một quyển sách để đọc sinh viên sẽ thấy tốn nhiều thời gian và sẵn sàng dành thời gian đó để làm các việc khác như đi làm thêm, giải trí… Chính vì vậy văn hóa sinh viên đọc sách ngày càng giảm sút trầm trọng và đáng báo động.
Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh làm việc ở đây đã gần hai mươi năm. Những năm mà ti vi, điện thoại thông minh chưa xuất hiện, số lượng người đọc đến với thư viện rất đông. Đặc biệt là cán bộ, viên chức nhà nước. Họ đến để tìm kiếm thông tin, sách vở, tài liệu... để phục vụ cho chính nhu cầu công việc hàng ngày của mình. Nhưng giờ, lượng bạn đọc thuộc đối tượng này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tình trạng lười đọc, không chỉ là không dành thời gian cho sách báo, mà còn là xu hướng người đọc thích đọc truyện tranh dễ hiểu hơn là những cuốn sách dày, mang tính lý luận là xu hướng phổ biến hiện nay. Nhà sách Vui Vẻ, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) mở cửa 3 năm nay, đã có một lượng khách hàng nhất định. Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang, cửa hàng trưởng, thì lượng khách hàng quen thuộc của nhà sách chủ yếu là học sinh THCS, THPT. Và đầu sách các bạn tìm kiếm cũng tập trung vào các loại truyện tranh. Một số ít tìm kiếm sách kỹ năng sống và sách tham khảo. Bà Trang cho biết, thời điểm mới mở, nhà sách đã dành một khu vực để làm phòng đọc sách nhưng ngay sau đó phải tạm dừng vì số lượng người có nhu cầu đọc sách tại cửa hàng rất ít mà chủ yếu là học sinh mua truyện tranh, sách ảnh mang về.
Kéo người đọc đến với sách
Tạo dựng không gian đọc, bổ sung thêm các đầu sách mới là cách mà nhiều nơi đang làm để thu hút, kéo người đọc đến với sách. Thư viện tỉnh là một ví dụ. Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Thư viện tỉnh đã bắt đầu hoạt động bình thường trở lại.
Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Phạm Thị Kim Thoa cho biết, với hơn 175 nghìn bản sách, việc thư viện vắng bóng bạn đọc sẽ là điều rất đáng tiếc. Chính vì vậy, Thư viện tỉnh liên tục bổ sung thêm đầu sách mới phù hợp xu thế và nhu cầu của người đọc, trong đó ưu tiên những bạn đọc trẻ tuổi. Không gian đọc sách cũng được bố trí thoáng đãng, yên tĩnh. Nhờ thế, hầu như năm nào, số lượng bạn đọc đến với thư viện cũng vượt kế hoạch mà đơn vị đăng ký từ đầu năm, đặc biệt là thời điểm hè. Trung bình, mỗi tháng hè lượt bạn đọc đến với Thư viện tỉnh đạt gần 16 nghìn, tăng gần 6 nghìn lượt so với những tháng còn lại trong năm.
Nhà sách Vui Vẻ tạo thêm không gian để bạn đọc trẻ tuổi sáng tạo khi đến với nhà sách.
Nhà sách Tân Việt tại Siêu thị Vincom được thiết kế hiện đại, với tổ hợp sách - văn phòng phẩm - khu vui chơi. Không gian đọc sách ở đây được đặt khá riêng biệt nhưng vẫn liên kết với khu vui chơi ngay sát cạnh để người đọc vừa có đủ yên tĩnh tiếp nhận tri thức, vừa có thể để mắt đến con em đang vui chơi bên cạnh. Điều hấp dẫn nhất ở không gian sách “ngang tầm nhân loại” Tân Việt Bookstore này chính là cả hệ thống các loại dịch vụ đáp ứng nhu cầu về một địa điểm thư giãn, đọc sách, sinh hoạt văn hóa, gắn kết gia đình, tôn vinh các hình thức giáo dục con em tiên tiến.
Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Tân Trào cũng đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút học sinh sinh viên đến với thư viện. Ngoài việc bố trí không gian đọc rộng rãi, thoáng mát, sắp xếp phòng máy cho học sinh sinh viên truy cập dữ liệu một cách tốt nhất, hàng năm lập kế hoạch mua bổ sung giáo trình, tài liệu, sách, truyện mới. Ngoài ra, Trung tâm tập trung vào một số giải pháp tham khảo nhu cầu bạn đọc để xây dựng được vốn tài liệu và tổ chức phục vụ học sinh sinh viên trong nhà trường; xây dựng kế hoạch đọc sách cho học sinh, sinh viên trên cơ sở nghiên cứu chương trình của từng cấp học, từng chương trình đào tạo; đổi mới và mở rộng các hình thức phục vụ bạn đọc; sáng tạo nhiều hình thức trong công tác tuyên truyền giới thiệu sách báo tài liệu; phục vụ bằng hình thức tự chọn...
“Không có sách thì không có tri thức”. Để nguồn tri thức ấy “thấm” vào chúng ta mỗi ngày, thì việc thay đổi thói quen, tập cúi đầu trước mỗi trang sách để thấy được niềm vui từ việc đọc sách để có thể đi đến đỉnh cao của tri thức... phải được bắt đầu ngay từ hôm nay.
Gửi phản hồi
In bài viết