Đừng để “tiền mất tật mang”

- Nuôi ước mơ làm giàu nhưng lại nhẹ dạ cả tin cùng với thiếu hiểu biết về xuất khẩu lao động đã khiến không ít người bất chấp cả sự nguy hiểm đến tính mạng, rủi ro ở phía trước để xuất khẩu lao động “chui”. Hậu quả của xuất khẩu lao động theo kiểu này đã khiến không ít người rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, nợ nần, thậm chí tay trắng khi trở về quê hương.

Sự tiếc nuối muộn màng

Dù thời gian đã thấm thoắt trôi đi nhưng giờ đây khi nhắc lại, chị V.T.H, thôn 2 Tân Biên, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) vẫn rơm rớm nước mắt, vừa tiếc nuối số tiền đã mất vừa xót xa cho cảnh nợ nần chồng chất của chính mình đang phải gánh chịu. Chị H. kể, khi con gái chị học xong THPT, chị quyết định cho con đi lao động ở nước ngoài thông qua con đường du học để mong con gái sẽ mang số tiền lớn về cho gia đình thoát khỏi cơ cực. Nghe một người quen giới thiệu, chị H. tự tìm đến một chi nhánh công ty tư vấn, giới thiệu xuất khẩu lao động để liên hệ và làm các thủ tục cho con đi học tiếng Nhật, mặc cho con gái chị khuyên ngăn đơn vị này đã bị tạm đình chỉ hoạt động từ 6 tháng trước. Bỏ qua lời khuyên can ấy, chị H. vẫn quyết định dồn tiền hơn 4 trăm triệu đồng theo yêu cầu của đơn vị này để cho con đi sang Nhật. Sau một năm đóng tiền và chờ đợi, chị H. nhận được thông báo, con chị không đủ điều kiện để đi xuất khẩu lao động của đơn vị này trả lời. Một thời gian sau, theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình chị H. mới biết, chủ của đơn vị này đã bị khởi tố và bắt giam. Số tiền lớn không lấy lại được mà con gái chị cũng không thể đi xuất khẩu. Giờ đây chị H. phải gánh trên vai khoản nợ lớn, chưa biết bao giờ mới trả hết. Chị H. cho biết, trường hợp của chị cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người nghe bạn bè, người quen rủ rê, lôi kéo, thiếu kiến thức về xuất khẩu lao động, tự tìm con đường xuất khẩu, không qua sự tư vấn, định hướng, giới thiệu của cơ quan chức năng và quản lý Nhà nước.

Cán bộ xã Tân Thành (Hàm Yên) nắm bắt tình hình xuất khẩu lao động trong nhân dân.

Chúng tôi gặp chị P.T.M, thôn 2 Tân Yên, xã Tân Thành (Hàm Yên) khi chị vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại quãng thời gian cố gắng tìm đường từ Trung Quốc trở về nước. Nghe một người quen rủ rê, chị M. cùng con gái vượt biên từ Móng Cái (Quảng Ninh) sang Trung Quốc để làm ăn những mong đổi đời. Sống bên xứ người được vài năm, cuộc sống lao động khổ cực không như mong muốn, chị M. cùng con gái tìm đường về nước. Trang bị đồ ăn thức uống, băng rừng, vượt suối trong 4 ngày, 4 đêm chui lủi, đến khi cạn kiệt đồ ăn, thức uống, chị M. cùng nhóm người Việt Nam đành phải tìm đến trụ sở của lực lượng chức năng Trung Quốc để đầu thú, cốt để mong khỏi chết đói, chết khát. Sau 2 tháng bị bắt giam, chị M. cùng con gái cũng được thả về nước. Số tiền tích cóp được cũng hết sạch vì bị phạt và trả chi phí cho những ngày bị giam giữ. Chị M. cho biết: “Về được nhà, giữ được mạng đã là may mắn lắm rồi, giờ con cháu đi xuất khẩu lao động cũng phải chọn đúng đơn vị xuất khẩu lao động được Nhà nước cấp phép”.

Trường hợp của chị T.T.M. cũng ở thôn 2 Tân Yên, xã Tân Thành (Hàm Yên) cũng bi đát chẳng kém. Qua tiktok, chị M. làm quen với một người môi giới xuất khẩu lao động bên Trung Quốc với lời rủ rê vô cùng hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao”, chị M. liền vay mượn gần 20 triệu đồng để vượt biên sang Trung Quốc làm ăn. Sau hơn 1 năm, nhận thấy công việc vất vả, khổ cực cùng với đồng lương không cao như mộng tưởng, chị M. tìm cách về nước, nhưng khi gần đến biên giới Việt - Trung thì chị bị lực lượng chức năng của Trung Quốc bắt giữ. Bị tạm giam trong phòng một mình  đến 4 tháng trời, chị M. như bị trầm cảm. Sau khi được trả về nước, chị M. cũng chẳng còn đồng tiền nào mang về nhà, chị đành liên lạc với người thân lên đón chị tại Cao Bằng. Trở về quê hương, chị M. tay trắng lại còn nợ nần. Chị M. cay đắng cho biết: “Giá như mình không đi xuất khẩu lao động kiểu như vậy...”.

Câu chuyện buồn của những nhân vật chúng tôi gặp vẫn còn đầy nuối tiếc vì quãng thời gian, tiền bạc bên xứ người đã đánh mất. Đây thực sự là bài học đắt giá cho những ai nuôi giấc mộng đổi đời nhưng lại nhẹ dạ cả tin và thiếu kiến thức về xuất khẩu lao động.

Cần siết chặt công tác quản lý

Theo đồng chí Đoàn Cải Lương, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Hàm Yên, nguyên nhân chính dẫn đến việc vẫn còn không ít người thông qua anh em, bạn bè, người quen giới thiệu rồi tự tìm đến các đơn vị tư vấn, giới thiệu xuất khẩu lao động mà không nắm rõ thông tin về đơn vị này để xuất khẩu lao động, hoặc đi lao động “chui” ở bên nước ngoài đó là để giảm được một số chi phí, giảm thời gian học tiếng nước ngoài. Thực trạng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân, đó là dễ bị lừa đảo, sau khi sang nước ngoài, công việc và thu nhập không được như hứa hẹn, bị bắt vì không có giấy tờ nhập cảnh theo quy định... Để quản lý những đối tượng đi xuất khẩu lao động không theo con đường chính ngạch hiện nay là bài toán khó. Theo ông Lương, hàng năm, huyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, giới thiệu các đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động có uy tín, được cấp phép hoạt động, tuyển dụng, đào tạo lao động đi xuất khẩu. Tuy nhiên, không ít người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động lại thông qua bạn bè, người thân và tự tìm đơn vị tuyển dụng nên rất khó khăn trong công tác nắm bắt và quản lý.

Công an tỉnh tuyên truyền đến người dân xã Minh Hương (Hàm Yên) các quy định về xuất khẩu lao động. Ảnh: Lý Thịnh

Theo đồng chí Đỗ Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Hàm Yên), do những khó khăn trong công tác quản lý nên UBND xã đã tăng cường nắm bắt tình hình trong nhân dân, nhu cầu đi xuất khẩu lao động để định hướng, tư vấn. Nhờ vậy, những năm gần đây, tình trạng xuất khẩu lao động “chui” đã giảm đáng kể. UBND xã đã chỉ đạo các trưởng thôn, công an viên bám sát nhân dân để kịp thời định hướng trong công tác xuất khẩu lao động, ngăn chặn các trường hợp có ý định đi nước ngoài lao động không đúng quy định.

Trên địa bàn huyện Yên Sơn, thời gian qua đã có nhiều trường hợp tự tìm cách đi xuất khẩu lao động nhưng không mang lại kết quả tích cực, thậm chí còn để lại hậu quả và rủi ro. Do đó, hàng tháng, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về tình hình xuất khẩu lao động theo quy định. Đồng thời ban hành các văn bản yêu cầu chính quyền địa phương siết chặt hơn nữa công tác quản lý xuất khẩu lao động, nắm bắt kịp thời các trường hợp có nhu cầu đi xuất khẩu lao động để kịp thời định hướng, tư vấn, giới thiệu các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này.

Từ thực trạng và khó khăn trong quản lý xuất khẩu lao động, các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đi xuất khẩu lao động trong nhân dân, đồng thời siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng tư vấn, định hướng xuất khẩu lao động.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục