Gắn kết gia đình
Từ bao đời nay, gia đình truyền thống Việt Nam kết tinh nhiều tinh hoa văn hóa đậm bản sắc dân tộc như con cháu có hiếu với ông bà, cha mẹ, anh chị em hòa thuận thương yêu, vợ chồng thủy chung tình nghĩa... Những truyền thống văn hóa đó đã trở thành nền nếp gia phong, cố kết chặt chẽ để nuôi dưỡng, hoàn thiện nhân cách cho mỗi thành viên gia đình. Nhiều năm nay, gia đình chị Phan Thị Thủy Cúc, thôn 9, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) luôn được thôn, xã đánh giá, công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu. Mặc dù làm việc nhà nhưng chị Cúc luôn được chồng động viên tham gia công tác xã hội. Chồng chị là cán bộ nhưng mỗi khi rảnh hoặc hết giờ làm việc ở cơ quan là anh chị lại cùng nhau làm việc nhà, phát triển kinh tế gia đình. Chị Cúc luôn là người động viên, sát cánh bên chồng để anh yên tâm công tác. Chị Cúc chia sẻ: “Dù xã hội có hiện đại như thế nào thì mình vẫn luôn cho rằng, người phụ nữ có thiên chức làm vợ, làm mẹ thì phải là chỗ dựa về tinh thần vững chắc cho chồng, con, là người vun vén hạnh phúc gia đình”. Chị Cúc vừa mở cửa hàng dịch vụ photocopy ở nhà vừa cáng đáng công việc nội trợ nhưng chị chưa bao giờ thấy vất vả. Đối với chị được chăm sóc chồng, con mỗi ngày là một niềm vui. Còn chồng chị, tuy làm cán bộ Nhà nước nhưng khi về nhà cũng không nề hà giúp vợ việc gia đình.
Gia đình chị Chẩu Thị Gấm, tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) luôn quan tâm, chia sẻ với nhau, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Mỗi dân tộc khác nhau đều có những phong tục đẹp để xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong gia đình người Tày hiện nay, nhiều nơi còn giữ gìn được nền nếp gia phong, kính trên nhường dưới trong gia đình. Khi ăn cơm, con cái không được ngồi phía bên trên ông bà, cha mẹ. Khi ngồi sưởi bên bếp lửa, con cháu phải nhường chỗ sưởi ấm thuận tiện nhất cho người già trong gia đình. Hàng năm, vào dịp Tết mùng 3-3, con cháu thường làm những loại bánh ngon nhất để dâng lên tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ tỏ lòng thành kính, tri ân công lao sinh thành, nuôi dưỡng. Con cháu người Tày không bao giờ để bố mẹ già yếu ở một mình. Trong đời sống vợ chồng, người Tày đặc biệt coi trọng giữ gìn sự thủy chung một vợ một chồng. Hầu hết trong gia đình người Tày, con dâu đều trồng giàn trầu để phục vụ mẹ chồng ăn trầu.
Trong gia đình người Mông, người Cao Lan, người đàn ông thường chọn việc nặng nhọc thay cho phụ nữ và người cao tuổi như làm nhà, cày bừa… Phụ nữ thường làm việc nhẹ nhàng hơn. Người đàn ông Mông cũng kiêng kỵ việc nói nặng lời với người phụ nữ trong gia đình. Họ thường đặt hai chữ “Nhường nhịn” lên đầu khi có bất đồng trong gia đình. Bởi người đàn ông Mông quan niệm, lấy vợ về là để yêu thương và chăm sóc.
Vợ chồng chị Hoàng Thị Yến, thôn Yên Thái, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cùng giúp nhau chăm sóc chè.
Người Dao thường coi trọng sự đoàn kết, thống nhất trong gia đình. Khi cần quyết định việc gì hệ trọng, vợ chồng người Dao bàn bạc, thống nhất, nếu đồng thuận thì mới triển khai công việc. Con dâu coi việc chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ của mình.
Người Cao Lan cũng có phong tục đẹp trong gia đình là vào những ngày lễ, Tết, con cháu thường làm nhiều loại bánh, xôi cơm đen để biếu ông bà, cha mẹ và họ hàng hai bên nội ngoại, tỏ lòng hiếu kính. Trong gia đình, nếu có mâu thuẫn, vợ chồng người Dao sẽ đi tìm ông bố mối tức là “ông tháu” để nhờ sự hòa giải, tránh để hai bên gia đình nội, ngoại biết. Chị Hoàng Thị Yến, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Yên Thái, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết, dù cuộc sống hiện đại nhưng nhiều gia đình người Cao Lan trong thôn vẫn giữ được những phong tục đẹp, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ nhau.
Tiếp thu giá trị tốt đẹp của hiện đại
Bên cạnh việc giữ gìn những phong tục truyền thống tốt đẹp của gia đình xưa kia, nhiều gia đình đã tiếp thu những giá trị tiến bộ của cuộc sống hiện đại để cải tiến, xây dựng những nét văn hóa đẹp trong gia đình như xây dựng sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong gia đình. Đồng chí Ma Thị Hậu, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình An (Lâm Bình) cho biết, trước đây, trong gia đình người Tày, con dâu thường không được ngồi ăn cơm cùng mâm với bố mẹ chồng. Nhưng bây giờ, tập tục này đã được loại bỏ. Trong mâm cơm, con dâu ngồi ăn cơm với bố mẹ chồng nói chuyện vui vẻ để tạo sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, trước đây, người đàn ông Tày thường cho rằng, công việc nội trợ, bếp núc là của phụ nữ nhưng ngày nay, người đàn ông Tày cũng sẵn sàng lo liệu bếp núc khi vợ bận bịu hoặc sức khỏe yếu.
Vợ chồng anh Lò Xuân Bình, người Mông, thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) dạy con học vẽ trong dịp hè.
Trong đời sống gia đình của đồng bào Mông, nhiều tập tục cũng được xóa bỏ để cùng nhau xây dựng bình đẳng, tiến bộ. Ông Lò Xuân Thắng, Trưởng thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết, người đàn ông Mông trước kia thích uống rượu đến say mèm. Nhưng nay, trong nhiều gia đình người Mông ở Lũng Giềng, người đàn ông Mông uống rượu rất chừng mực để về đến nhà còn phụ giúp việc nhà cho vợ, con. Hoặc nếu như trước kia, mọi việc trong gia đình đều do một mình người đàn ông Mông quyết định thì nay đều có sự bàn bạc, thống nhất của cả hai vợ chồng, chẳng hạn như việc dựng vợ gả chồng cho con, việc làm nhà…
Hoặc như trong gia đình người Dao, Cao Lan, nếu như trước kia, “tay hòm chìa khóa” là của người chồng thì nay cả hai vợ chồng đều chung một mối để lo liệu cho gia đình. Ai cần chi tiêu vào việc gì, vợ, chồng đều biết và thỏa thuận với nhau.
Chính những sự cải tiến này đã và đang góp phần bồi đắp nên những giá trị truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình. Việc gìn giữ những phong tục đẹp trong gia đình của mỗi dân tộc trong cuộc sống hiện đại rất cần thiết, góp phần đẩy lùi sự xâm nhập của lối sống, cách sống trái với các giá trị chuẩn mực của gia đình Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết