Là đơn vị có nhiều sản phẩm được thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, Trung tâm Thực nghiệm thực hành và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Tân Trào phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện các hợp đồng chuyển giao, tiếp nhận công nghệ. Đồng chí Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm cho biết, từ năm 2012 đến nay, trung tâm đã thực hiện và phối hợp thực hiện 7 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh, 40 đề tài cấp trường. Trong đó có nhiều đề tài đã thương mại hóa hiệu quả như: Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống mía tạo giống thuần chủng, sạch bệnh phục vụ cho vùng nguyên liệu mía, Trung tâm đã sản xuất 900.000 cây mía giống chất lượng cao cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương. Trung tâm đã sản xuất được 8 triệu cây keo bằng phương pháp nuôi cấy Mô - Hom cung cấp ra thị trường nhờ dự án ứng dụng kỹ thuật nhân giống keo lai bằng phương pháp Mô - Hom.
Cán bộ Trung tâm Thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ (Trường Đại học Tân Trào) làm chủ kỹ thuật nhân giống cây bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Đặc biệt, từ 2020 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp tiếp nhận và làm chủ thành công 3 quy trình kỹ thuật: Nhân giống, nuôi trồng và sơ chế nấm đông trùng hạ thảo. Qua đó, cho ra mắt các dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, khô, cốm và rượu ngâm. Giá dao động nấm đông trùng hạ thảo tươi là 120.000 đồng/bình. Hiện Trung tâm đã sản xuất 7 mẻ với 2.100 bình. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp, người dân có nhu cầu chuyển giao sản xuất, phát triển dược liệu quý này.
Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên đã triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu, chọn lọc một số giống cam mới thu hoạch rải vụ có năng suất và chất lượng cao. Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên cho biết, hiện nay, vùng cam của Hàm Yên có diện tích hơn 7.000 ha. Những năm qua, người trồng cam đối mặt với khó khăn trong tiêu thụ cam, nhất là sức ép tiêu thụ dồn dập vào trà chính vụ. Bởi vậy, việc nghiên cứu, đưa ra các giống cam rải vụ là giải pháp quan trọng giảm áp lực vào vụ thu hoạch rộ, nâng cao giá trị cho quả cam Hàm Yên. Trong đó, Trung tâm đã xây dựng mô hình trồng thâm canh 5 giống cam mới gồm BH, CS1, nhóm chín sớm; CT36, CT9, nhóm chín trung bình; V2, nhóm chín muộn... Đến nay, Trung tâm đã sản xuất cung ứng cho nhân dân được gần 200.000 cây cam giống các loại.
Ngoài ra, trong tỉnh đã có nhiều đề tài được thương mại hóa thành công như: đề tài nghiên cứu, sản xuất trà thảo dược từ cây Xạ đen được chuyển giao công nghệ sản xuất cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hương Trà, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Sau khi tiếp nhận công nghệ sản xuất, công ty đã tiến hành cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm và sản xuất được gần 9.000 hộp trà túi lọc cung cấp ra thị trường.
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hồng Phát (Chiêm Hóa) giới thiệu sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng cho người tiêu dùng.
Trên thực tế, mặc dù công tác ứng dụng và triển khai công nghệ đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện còn nhiều hạn chế so với nhu cầu. Sản phẩm được thương mại hóa chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số các đề tài nghiên cứu. Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện 191 đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trong đó, có 167 đề tài, dự án cấp tỉnh; 24 đề tài, dự án cấp quốc gia. Trong đó, có 60% là đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện các đề tài chủ yếu mới đang ở mức ứng dụng, nhân rộng vào thực tiễn, chỉ một số ít được các đơn vị, doanh nghiệp thương mại hóa như sản phẩm: Trà xạ đen túi lọc; cây giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh cam, chè, hoa lan, ba kích, mía, keo, bạch đàn; giống cá Chình hoa, Anh Vũ...
Nguyên nhân là do các nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu thương mại hóa; việc kết nối giữa doanh nghiệp, nhà khoa học còn nhiều hạn chế; doanh nghiệp thiếu thông tin và niềm tin về các nhà nghiên cứu và công nghệ địa phương. Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học chưa hoàn thiện, đòi hỏi một quá trình đầu tư lâu dài mới có thể ứng dụng, khai thác thương mại; đề tài chưa sát với nhu cầu của thực tế sản xuất, chưa tạo được lòng tin đối với các doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có rào cản về cơ chế tài chính; quyền Sở hữu trí tuệ; nhà khoa học phải “tự bơi” trong công cuộc tìm kiếm thị trường cho các sáng chế của mình...
Thời gian tới, để đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cần có chính sách cho phát triển sản phẩm, cấp cho nhà khoa học nguồn tài chính thiết thực để hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm (hiện các nhà khoa học được tài trợ nhiều cho nghiên cứu, phát triển công nghệ, nhưng chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu ứng dụng như khảo nghiệm, thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ... thì lại đang thiếu); tham mưu, sửa đổi Quyết định số 25 về lĩnh vực ưu tiên, khả năng nhân rộng, thương mại các đề tài nghiên cứu khoa học đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp; lựa chọn, tập trung phát triển công nghệ mới, ưu tiên các đề tài, dự án có khả năng ứng dụng, tạo giá trị gia tăng cao. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các kết quả nghiên cứu có hiệu quả để nhân rộng, từ đó, tạo niềm tin cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, thương mại hóa kết quả nghiên cứu...
Gửi phản hồi
In bài viết