Đường thêu Bản Lục

- Nói đến Na Hang là nói đến miền đất của vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Dưới những tán rừng nguyên sinh, ẩn chứa nhiều thắng cảnh làm say đắm lòng người. Mỗi dịp đến Na Hang, dẫu là du khách hay lữ khách, ai cũng sững sờ về cỏ cây, con người và trời đất nơi đây. Và đặc biệt hơn nữa, miền đất này còn ẩn giữ những mạch nguồn văn hóa với chiều sâu nhân sinh và bề dày lịch sử qua nhiều thế hệ. Mỗi sự phát lộ của những mạch nguồn ấy, đều là những điểm nhấn lung linh, góp phần đem lại sự đa dạng đặc sắc trong đời sống văn hóa của cả một vùng quê huyền thoại.

Một ngày nắng vàng rực rỡ, từ thị trấn Na Hang chúng tôi theo đường Quốc lộ 279 về thăm Đà Vị. Con đường uốn lượn ngoằn ngoèo bên bờ sông Năng với những khúc cua và dốc đèo liên tiếp. Mầu xanh thẫm của đại ngàn cuốn theo từng vòng bánh xe lăn. Tiếng gió rừng, tiếng nước suối đổ ầm ào, như mời gọi, dẫn dụ bước chân lữ khách.

Thảng hoặc, ta có thể bắt gặp một xóm nhỏ, vài mươi nóc nhà sàn thấp thoáng cạnh bìa rừng. Bên bờ suối, những vạt lúa chín vàng rực lên trong nắng sớm. Miền quê sơn cước hiện lên trước mắt như một bức tranh roi rói, khơi gợi nên thật nhiều xúc cảm. Mấy nghệ sỹ nhiếp ảnh bị hút hồn, đề nghị dừng xe để sáng tác. Nhưng xe chúng tôi vẫn phải đi, bởi cuộc hẹn còn đang ở phía trước.

Nét duyên trong trang phục truyền thống của người Dao Đỏ. Ảnh: Tôn Bảo

Chúng tôi dừng chân và rẽ vào Bản Lục, một đơn vị hành chính thuộc xã Đà Vị. Người dân Bản Lục đón chúng tôi trong ngôi nhà cộng đồng do chính bàn tay bà con xây dựng. Cột bằng gỗ rừng, vách thưng bằng ván, cũng gỗ rừng. Nhà cộng đồng của bản được đặt ngay bên bờ một con suối nhỏ, chìm trong bóng lá của đám cây rừng xanh mướt. Những cái bắt tay chân tình, những lời chào mộc mạc ríu rít, khiến chúng tôi ngỡ như đang gặp lại những người thân cũ. Anh trưởng thôn khoát tay như thanh minh về cái vẻ tuềnh toàng của ngôi nhà:

- Thôn mới tái lập, chưa làm được nhà văn hóa mới. Đây là nhà văn hóa cũ thôi nhé.

Cộng đồng dân cư ở bản bao gồm hai dân tộc chung sống, trong đó trên hai phần ba là người Dao Đỏ. Cuộc sống giờ đã có nhiều đổi thay, nhưng mỗi người dân ở đây đều luôn tự hào và giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.

Chúng ta thường nhận diện dân tộc Dao Đỏ qua bộ trang phục lễ hội rực rỡ của các bà, các mẹ, các chị em gái. Không chỉ đơn thuần là nghệ thuật trang trí, thêu thùa, mỗi bộ lễ phục của bà con còn ẩn chứa góc nhìn về thế giới, quan niệm sống và cả tín ngưỡng tâm linh trong đó. Việc chế tác, phục dựng những bộ lễ phục truyền thống, trên thực tế là gìn giữ cả một nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.

Bộ áo váy nhiều mầu rực rỡ luôn là niềm tự hào của mỗi người phụ nữ. Sức sống con gái như bừng lên, vẻ đẹp phụ nữ như bừng lên, lấp lánh, tươi khỏe qua mỗi đường thêu, mỗi chi tiết trang trí. Khoác bộ trang phục truyền thống lên mình, họ tự tin tổ tiên và thần linh luôn gần gũi để phù hộ cho họ cùng dân làng gặp nhiều may mắn, có sức khỏe, có của cải và cuộc sống hạnh phúc.

Người phụ nữ tên Nghính dừng tay thêu trên tấm vải đen, giải thích về bộ trang phục chị đang mặc:

- Phụ nữ người Dao Đỏ ai cũng phải có ít nhất một bộ thế này. Gia đình có điều kiện thì làm cho con gái mặc từ khi còn bé. Khi đi lấy chồng thì nhà chồng phải làm tặng cho một bộ. Là phụ nữ dân tộc Dao Đỏ thì ai cũng phải học khâu, học thêu, học làm áo cho mình, cho cả chồng con nữa...

Phụ nữ thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) thêu trang phục truyền thống. Ảnh: Cảnh Trực

Với điều kiện như ngày nay, không phải tự dệt vải để khâu áo, cùng sự trợ giúp của máy may, mỗi bộ trang phục cũng chiếm trọn thời gian nửa năm trời của các bà, các chị. Thêu hoa văn và phối mầu là công việc chiếm nhiều công sức nhất. Bên dưới những gù bông tròn đỏ rực rỡ, những nét thêu li ti được tạo ra bởi sự cần mẫn tháng ngày của người phụ nữ. Mỗi đường hoa văn nhỏ như hoa cỏ, rất dung dị, nhưng ẩn chứa những khát khao, những hy vọng về một cuộc sống yên bình, sung túc. Ở đó, mẹ thiên nhiên cùng với con người chan hòa trong tình yêu bất tận.

Không thể thiếu trong mỗi bộ trang phục của phụ nữ Dao Đỏ là các chi tiết trang trí bằng bạc. Phần trang trí này được trình bày phía trước ngực, vừa tạo nét đẹp khỏe khoắn cho người phụ nữ, vừa biểu trưng cho tiềm lực vật chất của chủ nhân. Ngoài ra, những miếng bạc tròn còn được đính trên vai áo, cổ áo... Sự chuyển động cùng ánh lấp lánh của những chi tiết bằng bạc, đã tôn thêm sự uyển chuyển, mềm mại trong từng hoạt động của các chị em.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục người Dao Đỏ đã khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ trong việc tạo dựng cuộc sống vật chất và tinh thần. Những bàn tay sần sạn gieo  hái mùa màng, cũng chính là những đôi tay miệt mài giữ lửa cho tình yêu hạnh phúc trong mỗi mái nhà, và cũng chính họ là những người đã góp phần quyết định việc gìn giữ nguồn mạch và phát triển bản sắc văn hóa cho dân tộc mình.

Vào mỗi dịp lễ hội cộng đồng, lễ hội dòng tộc hay việc vui của mỗi gia đình, bản làng người Dao Đỏ giữa thẳm xanh sơn cước lại bừng lên sắc mầu của niềm vui và hy vọng. Bất kể là tiết mùa nào, những bộ trang phục lễ hội của phụ nữ Dao Đỏ luôn mang đến sự rạng rỡ, tươi mát mà không chói chang. Phô diễn những những tiềm lực vật chất mà vẫn truyền tải những ý niệm tâm linh sâu kín.

Ngay cả khi mãn tận cuộc đời, người Dao Đỏ cũng luôn được về với tổ tiên cùng bộ trang phục của riêng mình. Họ tin rằng bộ trang phục ấy sẽ chứng minh với thần linh và tổ tiên về nguồn gốc của họ, để linh hồn của người chết được đón nhận về cùng cõi với tổ tiên, không phải lạnh lẽo bơ vơ, phiêu vong ở chốn vĩnh hằng.

Đến nay, cộng đồng người Dao Đỏ ở bản Lục vẫn cố gắng truyền lại kỹ thuật và tinh thần của bộ trang phục dân tộc. Có cả một nhóm phụ nữ sinh hoạt theo hình thức câu lạc bộ, vừa trao đổi, vừa học hỏi lẫn nhau về ý nghĩa và kỹ thuật thực hiện từng hoa văn, từng chi tiết trên bộ váy áo lễ hội. Tuy không phải là tất cả, nhưng những hoạt động cụ thể trên từng đường kim mũi chỉ như thế, đã góp sức to lớn trong việc truyền lại mạch nguồn văn hóa cho những thế hệ tiếp sau.

Bút ký của Quang Khánh

Tin cùng chuyên mục