Hoàng Cúc - Người “đàn bà đẹp”

- Ở thập niên 90, NSND Hoàng Cúc là một trong những mỹ nhân của màn ảnh phía Bắc. Câu chuyện về bà là câu chuyện về nghị lực, bản lĩnh sống phi thường của một người đàn bà đẹp, yêu đời, yêu nghề, thiết tha vui sống.

Bình tĩnh trước mọi biến cố 

Sở hữu một đôi mắt biết nói và khả năng diễn xuất linh hoạt, có chiều sâu tâm lý, NSND Hoàng Cúc được xem là một trong những biểu tượng nhan sắc của dàn mỹ nhân thập niên 1980 phía Bắc. Tên tuổi của bà gắn liền với những vai diễn trong các vở kịch đặc biệt của thập niên 80 - 90 như: Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh, Tôi và chúng ta, Em đẹp dần lên trong mắt anh, Nghĩ về mình, Ăn mày dĩ vãng, Thầy khóa làng tôi…

NSND Hoàng Cúc.

NSND Hoàng Cúc sinh năm 1956 tại Hưng Yên, gần 40 năm làm nghệ thuật, bà từng ghi dấu ấn mạnh mẽ, là gương mặt quen thuộc của bao thế hệ khán giả truyền hình qua các bộ phim: Tướng về hưu, Bỉ vỏ, Sa bẫy, Hồi chuông màu da cam, Dòng sông khát vọng, Kiếp phù du... Một trong những vai diễn nổi bật nhất của NSND Hoàng Cúc là nhân vật Thủy trong phim “Tướng về hưu”. Với vai diễn này, bà đã giành giải diễn viên nữ xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam năm 1990.

Người đàn bà đẹp từng có 2 năm công tác tại Đoàn Ca Múa Nhạc Hà Tuyên, NSND Hoàng Cúc bảo: rất ngẫu nhiên thôi, năm 1976, mình ghé lên nhà chị gái ruột ở Tuyên Quang và đã tham gia biểu diễn trong một chương trình với tỉnh kết nghĩa, sau đó mình được vận động phục vụ biểu diễn tại Đoàn Ca Múa Nhạc Hà Tuyên trong khoảng thời gian 2 năm.

Bà bảo, ấn tượng nhất về Đoàn ngày ấy là có một đội ngũ những người làm nghệ thuật được đào tạo chính quy, bài bản của Trường Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Múa Việt Nam, trường Sân khấu Việt Nam. Những ngày công tác đầu tiên ấy, mình được làm việc trong một môi trường làm nghệ thuật rất chuyên nghiệp.

Tôi điện trò chuyện cùng bà khi nữ nghệ sĩ đang ở Nhật, chất giọng của bà đã yếu đi nhiều sau 14 năm kiên cường chống chọi với bệnh tật, nhưng giọng bà vẫn sáng lên khi kể về những ngày đi biểu diễn phục vụ bà con ở Xín Mần, Quản Bạ, Hoàng Su Phì. Bà vẫn hằng nhớ và mê những phiên chợ vùng cao, nơi những người đàn ông có thể hồn nhiên say mềm vắt vẻo trên lưng ngựa để vợ dắt về. Bà bảo người vùng cao họ có triết lý sống hay lắm, dẫu sống giữa điệp trùng đá núi, cuộc sống thường nhật là tra từng hạt ngô vào hốc đá, nhưng họ kiên cường, họ có lý lẽ riêng về niềm tin của họ.

Năm 1978, NSND Hoàng Cúc rời Đoàn Ca Múa Nhạc Hà Tuyên, theo học Kịch nói 4 năm tại Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên). Bà bảo học kịch nói, nhưng mình được đào tạo “đa-zi-năng” lắm, cái gì cũng biết, từ đạo diễn, biên kịch, tổ chức sân khấu đến diễn xuất, cái gì cũng được học.

Năm 1982, bà về “đầu quân” cho Đoàn Kịch Hà Nội, là nghệ sĩ tỏa sáng vào đúng những năm miền Bắc đang ở thời kỳ bao cấp, khó khăn vây bủa, một đêm diễn không đủ tiền ăn một bát phở nhưng với bà, chính tình cảm thương yêu, cổ vũ của khán giả luôn là nguồn động lực tinh thần lớn lao nhất, tiếp lửa cho bà, nâng bước bà trên con đường nghệ thuật đầy gian nan, thử thách.

Từ năm 2001 đến năm 2012, NSND Hoàng Cúc đảm nhận cương vị Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thì năm 2010, bà phát hiện mình bị ung thư vú, phải dành nhiều thời gian cho việc trị bệnh. Trong suốt hành trình 14 năm kiên cường sống chung với ung thư, phải đối diện với đủ mọi cung bậc cảm xúc, mọi biến cố của đời sống, bà vẫn luôn lạc quan tận hưởng cuộc sống thảnh thơi nhiều người mơ ước: bà đi tập Yoga, ngồi thiền, đi làm đẹp, đi du lịch và chữa bệnh ở nước ngoài.

NSND Hoàng Cúc trong bộ phim nổi tiếng “Tướng về hưu”.

Đêm nay sen vẫn gieo trồng

 Có câu nói “Dù ngày mai có là tận thế thì đêm nay sen vẫn gieo trồng”, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần một tâm thế sống vui vẻ, thoải mái. Vả lại, chặng đường phía trước còn bao việc mình thiết tha muốn làm, bao điều còn ấp ủ. Đến nay, như một phép màu của cuộc sống, điều kỳ diệu đã xảy đến với bà, sau 14 năm dốc lòng, dốc sức vì mình, sức khỏe của bà hiện đã hồi phục.

Nghệ sỹ tâm niệm: Sóng gió cuộc đời ai cũng có, quan trọng là hãy gắng sống bằng trái tim và sự tử tế. Nhìn lại chặng đường đầy gian nan, thử thách, mình thấy cơn bạo bệnh đã rèn cho mình một lối sống khác, rất khác. Nghệ sỹ thì thường hay thức khuya, thức đêm, giờ mình thức tỉnh, biết gìn giữ sức khỏe của mình hơn, biết nâng niu trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống thường nhật, biết sống có trách nhiệm hơn với bản thân.

Nhớ lại những thập niên 80 - 90, bà bảo mình thật may mắn khi chưa học xong đã được tham gia bộ phim nổi tiếng của Nga “Chuyện thường ngày ở huyện”, chưa vào Đoàn Kịch Hà Nội đã được đi làm phim “Hồi chuông màu da cam”. Ngày về Đoàn Kịch Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu thì luôn được đảm nhận vai chính, làm phim chất lượng với nhiều Huy chương vàng, giải A, giải nữ diễn viên xuất sắc tại các hội diễn sân khấu, liên hoan phim, liên hoan sân khấu kịch truyền hình toàn quốc.

Mới đây, NSND Hoàng Cúc vừa ra mắt trường ca mang tên “Cúc” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2024). Với nội lực xúc cảm mạnh mẽ, một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, lãng mạn, lắng sâu, bà đã trải lòng cùng độc giả bao suy tư, ký ức cuộc đời. Thời gian tới, ngoài việc tái bản tập trường ca này, nghệ sĩ cho biết mình sẽ tiếp tục xuất bản truyện ngắn và thơ. Sau hào quang sân khấu, điện ảnh với những vai diễn để đời, xuyên suốt những cung bậc cảm xúc của bà vẫn là sự vượt thoát khỏi mọi bể dâu sóng gió cuộc đời của một người đàn bà đẹp, để hướng đến sự an nhiên, tự tại, để được rong chơi giữa vô thường.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục