Thích ứng với già hóa dân số

- Già hóa dân số là vấn đề mang tính toàn cầu, đang trở thành bài toán khó, có tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Việt Nam nói chung và Tuyên Quang nói riêng cũng đang trong quá trình già hóa dân số, đòi hỏi có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thích ứng với vấn đề già hóa dân số hiện nay.

Tốc độ già hóa nhanh

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm. Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số khi tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm 9,9% tổng dân số, đến năm 2019 là 11%, dự báo năm 2029 là 17% và năm 2050 con số này sẽ tăng lên hơn 25%.

Tuyên Quang cũng đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số khi người cao tuổi (NCT) đang tăng nhanh về mặt số lượng từ năm 2018. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018 người cao tuổi từ 60 trở lên là hơn 74 nghìn người chiếm tỷ lệ 9,5% tổng dân số, đến năm 2023 tăng lên hơn 102.583 nghìn người, chiếm tỷ lệ hơn 12,2% tổng dân số.

Hội Người cao tuổi thành phố Tuyên Quang phối hợp Trạm Y tế thăm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn.

Nguyên nhân của già hóa dân số do tỷ suất sinh giảm mạnh. Một thời gian dài, chúng ta thực hiện mô hình kế hoạch hóa gia đình, mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1 đến 2 con nhưng chưa đưa ra được dự báo bất cập, giới hạn của nó, nhất là đảm bảo mức sinh thay thế do đó không điều chỉnh được kịp thời. Thêm vào đó, do mức sống ngày càng được nâng lên, NCT được chăm sóc tốt hơn nên tuổi thọ trung bình tăng lên. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2018 là 73,5 tuổi, năm 2022 là 73,6 tuổi. Trong đó, ở Tuyên Quang năm 2018 là 72,15 tuổi, năm 2022 là 72,18 tuổi.

Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Trước hết, dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội... trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác, dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, là nhóm rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế, xã hội.

Biến thách thức thành cơ hội

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu thích ứng với già hóa dân số. Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 một lần nữa tái khẳng định mục tiêu đó để góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Vấn đề thích ứng với già hóa và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi luôn được đặt ra bởi Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới...

CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Lãng Nhiêu, xã Phú Lương (Sơn Dương) giúp hội viên làm nhà, sửa nhà.

Ở Tuyên Quang, nhóm dân số già được nhìn nhận như các chủ thể đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, thay vì chỉ như là các đối tượng hưởng trợ cấp của xã hội. Vì vậy, tỉnh đã có những giải pháp cụ thể tận dụng cơ hội chuyển hóa thách thức từ già hóa dân số.

Theo Hội Người cao tuổi tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 102.583 người, hội viên NCT có 90.869 người, chiếm tỷ lệ trên 89% người cao tuổi. Tổ chức Hội hiện nay gồm Hội NCT tỉnh, 7 Hội Người cao tuổi huyện, thành phố, 138 Hội cơ sở, 1.737 chi hội, 572 tổ hội. Việc tổ chức hội phủ kín từ tỉnh tới cơ sở là điều kiện thuận lợi để tỉnh triển khai có hiệu quả các giải pháp chăm sóc, phát huy vai trò NCT.

Để phát huy vai trò của NCT, trước hết công tác chăm sóc sức khỏe được đặt lên hàng đầu. Theo Hội Người cao tuổi tỉnh, 100% NCT thuộc đối tượng được hưởng đầy đủ chế độ chính sách theo quy định, NCT nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; được khám chữa bệnh miễn phí. NCT từ 80 tuổi trở lên khi đến khám bệnh, chữa bệnh được ưu tiên. Trong 2 năm trở lại đây, Hội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động nguồn lực khám sàng lọc trên 200 NCT, mổ mắt thay thủy tinh thể miễn phí 68 NCT, với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Có 118/138 xã, phường, thị trấn thành lập và duy trì hoạt động quỹ chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi.

Sức khỏe không ngừng được nâng cao, NCT tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở (công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội từ xã, phường, thị trấn đến thôn bản, tổ dân phố). Hiện toàn tỉnh có trên 8.119 NCT tham gia công tác Đảng, chính quyền, các đoàn thể Nhân dân (làm bí thư chi bộ, phó bí thư, tổ trưởng, tổ phó, Trưởng thôn,…NCT luôn gương mẫu và tuyên truyền vận động con cháu, nhất là cán bộ, công chức viên chức ở khu dân cư chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước; phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Bù đắp thiếu hụt trong lực lượng lao động

Để thích ứng với dân số già hóa, người cao tuổi ngày càng được khuyến khích tiếp tục làm việc, giúp họ không bị phụ thuộc, tự nuôi sống bản thân, thậm chí đóng góp thêm cho xã hội và cho nền kinh tế. Theo Hội Người cao tuổi tỉnh, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có trên 50.000 NCT (khoảng 60%) trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… NCT làm chủ trang trại, gia trại, doanh nghiệp hợp tác xã, xưởng sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, doanh thu 5 năm trên 1.412 tỷ đồng, làm từ thiện nhân đạo ước tính trên 8,27 tỷ đồng. Giai đoạn 2018 - 2023 toàn tỉnh, bình quân hàng năm có 461 NCT được các cấp tổ chức hội công nhận là NCT làm kinh tế giỏi.

Bà Lý Thị Nhân, Phó Chủ tịch Hội NCT thành phố Tuyên Quang cho biết: thành phố có 6.530 người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, kinh doanh dịch vụ, chiếm 37%. Trong đó có 86 người cao tuổi doanh thu đạt từ 200 triệu đồng/năm trở lên; có 12 người cao tuổi có doanh thu đạt từ 1 tỷ đồng đến trên 10 tỷ đồng/năm.

Người cao tuổi hiện là lực lượng nòng cốt gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương.

Với tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, NCT còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đóng góp quan trọng trong xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ. Trong giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh đã thành lập mới trên 300 câu lạc bộ của NCT, đưa tổng số CLB của NCT đến nay là 734 CLB, thu hút trên 20.000 hội viên NCT tham gia hoạt động thường xuyên. 

Điểm sáng từ CLB liên thế hệ tự giúp nhau

Toàn tỉnh có 37 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (gọi tắt là CLB) với gần 2.000 thành viên. Trong đó, giúp nhau tăng thu nhập là một trong những hoạt động quan trọng của CLB, tạo cơ hội cho các thành viên là NCT cải thiện cuộc sống. Các câu lạc bộ đều có quỹ tăng thu nhập do câu lạc bộ tự quản lý và sở hữu quỹ. Hiện nay tổng số quỹ cho vay của CLB toàn tỉnh là 1.102.000.000 đồng; trong đó từ nguồn hỗ trợ của  UBND các huyện, thành phố 580 triệu đồng; 522 triệu từ nguồn ủng hộ của các đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, các công ty, các nhà hảo tâm và các thành viên trong câu lạc bộ; số thành viên đang được sử dụng nguồn vốn vay là 164 người. Số tiền vay được đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nông lâm nghiệp, dịch vụ… Câu lạc bộ có quỹ cao nhất là thôn Lãng Nhiêu, xã Phú Lương, huyện Sơn Dương 125 triệu đồng.

Mô hình nuôi ngan thương phẩm của gia đình ông Hầu Đình Tú, Chủ tịch Hội NCT xã Phú Lương, Sơn Dương. Ảnh: Lý Thu

Các câu lạc bộ còn giúp đỡ gia đình các thành viên tăng gia sản xuất, thu hoạch sản phẩm nông sản, hỗ trợ ngày công lúc gặp khó khăn, ốm đau dài ngày. Theo thống kê, toàn tỉnh số tiền giúp đỡ được 65,924 triệu đồng, 1.679 ngày công và nhiều hiện vật khác như: gạo, rau, củ… góp phần chia sẻ khó khăn cho NCT, tạo gắn kết cộng đồng.

Nâng cao khả năng tự chăm sóc

Trong nỗ lực lấp đầy khoảng trống trong hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, một giải pháp đang được các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thực hiện là thành lập các tổ tình nguyện viên. Mỗi CLB có từ 5-10 thành viên trong tổ tình nguyện với 195 tình nguyện viên có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Trong 3 năm qua các câu lạc bộ duy trì hoạt động chăm sóc tại nhà được gần 200 lượt. Một số câu lạc bộ thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe NCT như: CLB thôn Lãng Nhiêu, xã Phú Lương; CLB thôn Đông Ninh, xã Đông Thọ; thôn Thái Sơn Đông, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương; CLB tổ dân phố 7, thị trấn Na Hang; CLB thôn 2 Lang Quán, tổ 11, thị trấn Yên Sơn; thôn 4, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn...

Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, những tiến bộ về khoa học công nghệ cũng như dịch vụ chăm sóc tốt, NCT có điều kiện thuận lợi để sống vui, sống khỏe, sống có ích. Cũng vì thế, việc tận dụng những tiềm năng từ NCT sẽ là chìa khóa để thích ứng với xu hướng già hóa dân số, biến thách thức thành cơ hội.

Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục