Đã có sự chuyển dịch từ giải trí truyền thống sang các loại hình giải trí trực tuyến, kéo theo sự gia tăng của các dịch vụ xem phim trực tuyến trên các nền tảng số như: Netflix, Youtube, FPT Play, VTV Go, K-plus... Khán giả chỉ cần có điện thoại thông minh, máy tính bảng kết nối Internet tốc độ cao là có thể xem phim dù bất kỳ ở đâu, trong điều kiện nào.
Tuy nhiên, việc phát hành phim trên các nền tảng số cũng làm cho tình trạng xâm phạm bản quyền trở nên đáng báo động. Đã có những vụ vi phạm bản quyền nghiêm trọng, gây tổn thất lớn cho các nhà làm phim, làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh trong quá trình hội nhập của điện ảnh Việt Nam. Chẳng hạn như hành vi livestream, quay lén tràn lan để phát lên Tiktok, Facebook các bộ phim “Chị chị em em 2”, “Em và Trịnh”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Lật mặt”, “Gái già lắm chiêu V”, “Tấm Cám: chuyện chưa kể”… đã khiến nhà sản xuất của các bộ phim này đau đầu.
Đáng kể là tình trạng review phim rồi chia sẻ dưới dạng video ngắn trên Youtube hay Facebook watch, TikTok... nhằm mục đích kiếm tiền cũng là hành vi xâm phạm bản quyền đang diễn ra khá phổ biến mà chưa có biện pháp ngăn chặn. Thông qua review phim trên các nền tảng xã hội, người xem chỉ cần xem các clip ngắn này là nắm rõ nội dung chính của bộ phim, không còn hấp dẫn để người xem bỏ chi phí xem trọn vẹn bộ phim. Điều này gây tổn hại rất lớn đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim. Tôi đã từng chứng kiến một người bạn của mình khi được rủ đi xem phim chiếu rạp một bộ phim mới ra mắt nhưng cô kiên quyết từ chối với lý do đợi sau khi ra rạp xong có thể xem review, vừa đỡ mất một khoản chi phí lại tiết kiệm được thời gian không phải xem hết cả một bộ phim.
Tuy tình trạng xâm hại bản quyền vẫn diễn ra phổ biến nhưng việc xử lý hiện vẫn còn khá nan giải. Hầu hết các nhà sản xuất, nhà làm phim vẫn chủ yếu kêu gọi sự tôn trọng từ khán giả hoặc đưa lên báo chí, mạng xã hội. Trong khi việc sử dụng các công cụ pháp lý, xử lý chưa nhiều. Không ít khán giả vẫn vô tư xem phim ảnh như một thói quen “xem chùa”, vô tình tiếp tay cho nạn xâm phạm bản quyền.
Do đó, khi phát hành phim trên các nền tảng số hiện nay cùng với những mặt tối ưu mà nó mang lại cũng cần đi đôi với việc bảo vệ bản quyền phim ảnh. Mà chống xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh thì không chỉ kết hợp với việc giáo dục ý thức của cộng đồng về tôn trọng bản quyền, để khán giả chủ động bài trừ các trang webise lậu, vi phạm bản quyền mà còn phải dùng đến những công cụ pháp lý đủ mạnh như xử phạt hành chính, hình sự theo quy định của pháp luật, nhằm đủ sức răn đe hành vi này.
Gửi phản hồi
In bài viết