Trong suốt hành trình cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi nhiều nước, làm rất nhiều nghề nhưng ở đâu, trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thiếu thốn đến đâu, Người cũng vừa làm vừa tự học. Tinh thần tự học của Người còn sống mãi để mỗi cán bộ, đảng viên nêu gương thực hành tự học.
Tinh thần tự học ở mỗi người đòi hỏi gắn liền với sự tự giác và quyết tâm cao. Do đó cần phải xây dựng kế hoạch học tập khoa học, bài bản, chi tiết, cụ thể và ra sức phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra. Tự học là phương pháp có thể linh hoạt sử dụng nhiều hình thức học tập khác nhau. Cán bộ, đảng viên dù ở lứa tuổi nào, vị trí công việc nào cũng có thể tự học. Học trong xã hội, nơi công tác, học từ thực tế, học từ Nhân dân, học lẫn nhau… Tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trang bị kỹ năng làm việc, tự học để nâng cao trình độ lý luận chính trị.
Muốn tự học tập hiệu quả, mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định phương pháp hợp lý, triệt để tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để tự học.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”. Như vậy, Đảng ta chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực, phương pháp tự học.
Trong bối cảnh ngày nay khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tự học có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với mỗi cán bộ, đảng viên, bởi đây là con đường ngắn nhất để lĩnh hội tri thức, trau dồi kỹ năng làm việc, gìn giữ và nâng cao phẩm chất đạo đức.
Quá trình nêu gương trong tự học của đội ngũ cán bộ, đảng viên góp phần quan trọng xây dựng một “xã hội học tập”, lan tỏa tinh thần tự học trong mỗi cơ quan, đơn vị và trong cộng đồng. Quá trình này cũng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải xem tự học là nhiệm vụ thường xuyên, có bản lĩnh, kiên trì, bền bỉ để từng bước làm chủ tri thức.
Gửi phản hồi
In bài viết