Người lao động, học sinh trên địa bàn tỉnh tìm kiếm cơ hội việc làm, học nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Không chờ đợi…
Dù còn khó khăn, thiếu thốn nhưng nhiều hộ nghèo, người nghèo luôn “cháy” lên khát vọng, tinh thần vươn lên. Trong thời gian qua, không ít hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn lựa chọn những hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình mà không chờ đợi, không ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước.
Gia đình ông Hoàng Văn Hữu, dân tộc Tày ở thôn 9, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) trước đây là hộ nghèo, nhất là thời gian đầu chuyển về nơi tái định cư mới. Gia đình ông vốn là hộ di dân tái định cư từ Na Hang chuyển về ở thành phố từ năm 2004. Môi trường mới đầy lạ lẫm, chưa biết làm nghề gì để nuôi sống gia đình song với bản tính cần cù, chịu khó, lam lũ đã quen, 2 vợ chồng ông mượn xe đạp của hàng xóm chở nhau đi tìm việc. Cuối cùng ông chọn đi làm phụ xây, vợ đăng ký đi làm công nhân may ở Khu công nghiệp Long Bình An. Nhờ đó 2 vợ chồng ông nuôi được các con ăn học đầy đủ và xây được nhà khang trang từ cách đây hơn 2 năm trước. Ông Hữu bảo: “Cái bụng mình đói thì cái tay, cái chân mình phải làm thôi, không trông chờ vào ai cả, phải nghĩ ra cách để làm. Mình là người dân tái định cư, khi chuyển về nơi ở mới dù đã được Nhà nước cấp đất, cấp ruộng nhưng đất thì hẹp ruộng thì khó. Do vậy mình không cố gắng tìm việc làm thêm để tăng thu nhập thì khó mà trụ được. Khó khăn nhất là giai đoạn ban đầu, nếu vượt qua được thì nơi ở mới cũng rất tốt, không thiếu việc để làm, thu nhập cũng cao hơn…”.
Anh Hoàng Văn Hiển tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo xã Bình An (Lâm Bình).
Đối với gia đình chị Đặng Thị Nhung ở thôn Bản Luông, xã Hồng Quang (Lâm Bình) chuyện thoát được nghèo được coi như là một kỳ tích. Trước đây gia đình chị loay hoay mãi cũng chẳng đủ ăn nhưng sau đó chị hiểu rằng muốn thoát được nghèo phải “tự lực tự cường”. Gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn phát triển mô hình trồng rừng và chăn nuôi trâu sinh sản, nuôi lợn... Để có kiến thức chị đăng ký các lớp tập huấn do xã và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức đồng thời lặn lội đi học hỏi từ những hộ khá đã thành công với mô hình này. Nhờ thay đổi “cách nghĩ, nếp làm”, đặc biệt là tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi đã giúp chị thành công. Năm 2021, gia đình chị xây được nhà, mua sắm nhiều tiện nghi nhờ tiền bán trâu, lợn và trồng rừng. Chị Nhung bảo, trước chị cứ loay hoay mãi, sau chị nhận ra là phải thật mạnh dạn, nếu không có sự đổi mới, bứt phá thí khó để thoát nghèo được...
Từ những câu chuyện trên cho thấy xuất phát điểm, hoàn cảnh không quan trọng nhưng tinh thần, ý chí nghị lực, tinh thần vượt khó vươn lên lúc nào cũng phải thường trực trong mỗi người. Bởi chỉ có “bàn tay ta sẽ làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Nghèo vật chất nhưng giàu ý chí
Đối với mỗi hộ nghèo, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí, nghị lực vươn lên “dám nghĩ, dám làm” thì việc thoát nghèo sẽ đến rất sớm. Như gia đình anh Nông Văn Tiến, dân tộc Dao ở thôn 700, xã Hùng Đức (Hàm Yên) chẳng hạn. Trước đây gia đình anh chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng trong khi đất vườn canh tác kém hiệu quả. Suy nghĩ bao đêm anh Tiến ngẫm ra rằng, nếu không phát triển thêm nghề khác thì sẽ đói dài. Được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, anh mượn thêm anh em bạn bè phát triển mô hình kinh tế tổng hợp như: Trồng rừng, nuôi bò và nuôi dê. Khi thấy mô hình bắt đầu đem lại thu nhập, anh làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Anh Tiến bảo, nếu không có sự nỗ lực của bản thân và gia đình thì việc thoát nghèo thực sự khó và không bền vững được. Chính vì vậy “mấu chốt” thoát nghèo vẫn là ý chí và quyết tâm của mỗi người. Nếu không quyết tâm vươn lên và vẫn còn giữ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước thì sẽ không bao giờ thoát nghèo được.
Nhờ phát triển nghề trồng chè, nhiều hộ dân thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Tiến trở thành địa chỉ học hỏi của nhiều bà con tại địa phương. Khi các hộ nghèo hay người dân trong thôn, xã đến, anh Tiến sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế để cùng vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Năm trước, gia đình anh Tiến là hộ thoát nghèo tiêu biểu của xã Hùng Đức được UBND huyện Hàm Yên tặng Giấy khen.
Có rất nhiều những tấm gương hộ nghèo, có hoàn cảnh éo le song vẫn một mực làm đơn xin tự nguyện thoát nghèo. Đó là trường hợp bà Phan Thị Trà, 85 tuổi ở xã Tứ Quận (Yên Sơn); bà Quyền Thị Dưỡng, 83 tuổi ở thị trấn Tân Yên (Hàm Yên); ông Hà Tinh Tú ở thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên); anh Hoàng Văn Hiển ở xã Bình An (Lâm Bình)…
Theo thống kê, trong giai đoạn vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm hộ tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Trong đó, có nhiều hộ sinh sống ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hộ nghèo đã từng bước được nâng lên. Việc thay đổi trong nhận thức cũng như triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với hộ nghèo, lấy người dân là trung tâm, làm chủ thể trong việc thoát nghèo bền vững đã giúp Tuyên Quang đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo.
Gửi phản hồi
In bài viết