Mỗi miền quê một câu chuyện
Nhà báo lão thành Duy Hùng - người có “thâm niên” nhất Báo Tuyên Quang khi gắn bó với mảng nông nghiệp gần như suốt cuộc đời làm báo. Ông nhớ lại: Khi xã Tân Trào (Sơn Dương) được lựa chọn về đích nông thôn mới, làng quê vẫn nghèo lắm. Sau này được bảo trợ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành và sự chung tay của người dân, diện mạo vùng quê cách mạng này mới thực sự thay đổi.
Đáng nhớ nhất với nhà báo Duy Hùng là câu chuyện kết nối đưa nhà sàn cột bê tông về với thôn Tân Lập. Ông kể: Khi đến Chân Sơn (Yên Sơn), được biết có một tốp thợ làng chuyên xây dựng những ngôi nhà sàn “cải tiến”, không dùng cột gỗ mà thay thế bằng cột bê tông, trông rất đẹp mắt, vững chắc mà lại bảo vệ môi trường, ông viết một phóng sự - sau này được trao giải trong cuộc thi Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới. Khi đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sáng Vang thăm Tân Trào, băn khoăn về những nếp nhà sàn có phần lụp xụp ở Tân Lập, nhà báo Duy Hùng có kể chuyện và tháp tùng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy “mục sở thị” những ngôi nhà sàn cột bê tông ở Chân Sơn. Sau chuyến đi ấy, tốp thợ làng ở Chân Sơn được kết nối đến Tân Lập. Những nếp nhà sàn cũ kỹ ở Tân Lập được thay áo mới, và giờ, trở thành điểm nhấn trong việc bảo tồn, phát triển du lịch ở địa phương.
Phóng viên Báo Tuyên Quang trong một lần tác nghiệp tại xã Sinh Long (Na Hang).
Hay chuyện xây dựng nông thôn mới ở Mỹ Bằng (Yên Sơn), với nhà báo Duy Hùng, cũng là những câu chuyện không thể quên trong cuộc đời làm báo của ông. Cùng với Tân Trào, Mỹ Bằng là 2 xã đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới. Nếu ở Tân Trào là câu chuyện về sự đồng hành, hỗ trợ của cả nước, thì ở Mỹ Bằng là câu chuyện về tinh thần tự lực. Mỹ Bằng là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành 100 km đường bê tông nông thôn. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh mà phong trào hiến đất làm đường, vận động sự đóng góp của con em xa quê lan tỏa mạnh mẽ.
15 năm Tuyên Quang xây dựng nông thôn mới, là chừng ấy thời gian phóng viên Báo Tuyên Quang có mặt trên khắp các miền quê trong tỉnh để phản ánh, tuyên truyền về những mô hình tốt, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Đó là câu chuyện của những con đường bê tông leo núi, chuyện của những tỷ phú cam sành ở Hàm Yên, chuyện về những ngôi làng hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa…
Tuyên Quang giờ đã có 84 xã về đích nông thôn mới. Thông qua các tác phẩm báo chí được tuyên truyền đậm nét trên các chuyên trang Nông nghiệp, Nông thôn mới, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các địa phương nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới; phát huy được sức mạnh của toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận và đồng lòng cùng chung sức xây dựng nông thôn mới ở các địa phương... Người dân nhận ra vai trò, vị trí của họ, từ đó chủ động, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, cùng Đảng và địa phương “bắt tay” vào xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, hàng nghìn hộ gia đình hiến hàng nghìn mét vuông đất cho địa phương xây dựng các công trình hạ tầng; góp trăm nghìn ngày công cùng xây dựng nông thôn mới tại quê hương... Có thể thấy chính báo chí là cầu nối quan trọng, gắn kết “ý Đảng” với “lòng dân”, tạo ra sức mạnh lớn trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng xây nên những “miền quê đáng sống”
Đồng hành cùng quá trình xây dựng nông thôn mới là cuộc thi viết “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Đã bước sang năm thứ 14, cuộc thi như một sân chơi hiệu quả, cùng lan tỏa những mô hình tốt, cách làm hiệu quả trong huy động sức dân, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới và cùng đánh giá, nhìn lại những hạn chế. Chính báo chí đã chủ động, nhanh chóng phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của các cấp, các ngành và Nhân dân để thực hiện tốt nhất việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
14 năm đồng hành, năm nào Báo Tuyên Quang cũng đi đầu các cơ quan báo chí trong tỉnh về số lượng tác giả, tác phẩm đoạt giải.
Nhiều bài viết trên Báo đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân như: “Hành trình xuất khẩu nông sản của chàng trai Đèo Mon”, viết về hành trình liên kết nông dân để đưa nông sản đi xuất khẩu của chàng trai trẻ Phạm Văn Tuấn, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) của nhà báo Trịnh Thủy Châu giành giải A cuộc thi viết Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới lần thứ XII; “Dựng nghiệp bằng lối đi riêng” của nhà báo Hải Hương, viết về hành trình định hình sản phẩm OCOP của chị Phạm Thị Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Phát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa)… và hàng nghìn câu chuyện khởi nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP tại các địa phương.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Thành khẳng định: “Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang là một quá trình đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đồng hành trong công cuộc xây dựng nông thôn mới là những nhà báo tâm huyết với mảng đề tài nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Bằng các tác phẩm của mình, các nhà báo Báo Tuyên Quang đã góp thêm tiếng nói cổ vũ cho phong trào lớn của tỉnh, cũng như đưa ra các gợi mở nghiêm túc để những người thực hiện chính sách tìm được hướng đi đúng cho mình. Có thể nói, công tác tuyên truyền, phản ánh của báo chí đã tiếp thêm sức mạnh giúp các địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn”.
Gửi phản hồi
In bài viết