Nhiều đứa nhỏ chưa có áo, giày mới mà cha mẹ chúng vẫn đang nổi trôi trên quốc lộ. Và, như giọt nước tràn ly, đến khó thể chịu đựng nổi, là nắm hương cắm trên hoang tàn, nơi bản làng đã từng rộn rã, bàn tay khô của ông già lau khung ảnh thằng con yểu mệnh của mình, trên bàn thờ tang còn mới.
Nó bỏ trốn. Cái ngày Ba Mươi tháng Chạp ấy, trút bỏ cái bổn phận mà nó từng khắc ghi, cái gánh nặng chất chồng trên lưng, đi một nước.
Minh họa: Cảnh Trực
Không phải Ba Mươi chưa từng đi trốn, chuyện này thi thoảng vẫn xảy ra, thiên hạ cũng từng trải qua sự vắng mặt ấy, nhưng đi một mạch đến gần một thập kỷ là chuyện hiếm khi. Và không còn là tin đồn thổi, lúc cầm cuốn lịch mới, người ta cảm nhận rõ ràng cái khoảng trống nặng trịch mà nó để lại. Như thể có điền cả thế giới vào cũng không bù đắp nổi cho cái ngày cuối năm đã khuyết, thiếu này.
Người ta vẫn nói rằng thời gian là thứ vô tình, vô tri, chúng chỉ việc trôi đi. Nhưng nhìn ngày Hai Chín mà xem, cách nó oằn mình trước sức nặng đột ngột mà bạn bỏ lại, cách nó choáng váng khi biết mình giờ là mắt xích cuối cùng trong chuỗi vòng lặp thời gian. Những từ ngữ được quàng lên nó kiểu “thiêng liêng”, “đoàn viên” thì như chiếc áo quá cỡ và đêm của nó vẫn còn chưa chín tới, chưa sẵn sàng cho cuộc nở của pháo hoa.
Tảng đá Sisyphus, nó đã từng lăn lên núi, nhưng những lần ấy nó biết công việc nặng nhọc, khổ sai này chỉ là tạm bợ, rồi năm sau anh bạn nó sẽ lại ghé vai đỡ lại gánh nặng. Nhưng lần này, cuộc gồng gánh sẽ lặp đi lặp lại tận chín năm, thời gian đủ để nó còng xuống, oằn mình. Và dẫu Hai Chín đã chu toàn mọi sự, cái cuống năm rụng đúng giao thừa, dưới mỗi mái nhà linh hương nở đỏ, chợ hoa vãn mà không vạt nào bị bỏ rơi, người ta vẫn cảm giác có gì đó không trọn vẹn, vẫn có gì đó đi vắng, và họ vẫn hoài nhớ vô cùng cái ngày đã trốn tận trời nào.
Hay là, nhìn vào ngày thứ Hai, cái cách nó uể oải, mệt mỏi khi buộc mình dứt khỏi đôi ngày nghỉ ngắn ngủi. Lúc nhao ra đường, rìa của giấc chiêm bao bị chuông báo thức cắt đứt hãy còn vướng tơ, và chút ấm của gối chăn vẫn râm ran trên sườn, cổ. Thứ Tư thì bùi ngùi, cái bùi ngùi của mệt mỏi chưa qua nghỉ ngơi chưa đến, những đứa trẻ học nội trú ngồi làm bài tập nhưng trong lòng bắt đầu nhớ nhà, tỉ tê hình dung những ngày cuối tuần đoàn viên sắp tới, về giấc ngủ dài no mọng đến tận trưa, bữa ăn nóng hổi mẹ đã dọn sẵn, tấm võng mới giặt còn thơm mùi nắng. Bởi những mộng tưởng đó mà từ thứ Tư đến thứ Sáu rất dài, cả đêm lẫn ngày đều bị kéo dãn quá cỡ.
Hay như tháng Ba, nhàn nhã biết bao, như thể một con thuyền đã khởi hành được một lúc, bến cuối thì còn xa, bên dưới nó là những con sóng bình thản, bởi bao hối hả đều ở thì quá khứ và tương lai. Trong cái hiện tại này, lễ lạt, mùa màng, gió Nam, mưa măng, đều ở bên ngoài. Nhưng tháng Mười thì gấp gáp, hớt hãi kinh khủng, cảm giác không kịp nữa rồi, có gì đó đang đuổi tới, gáy mình sắp bị chộp lấy, cảm giác mình sắp mất đi thứ quý giá mà không cách nào tìm lại, trong những ngày ngắn không tưởng nổi, sáng ra mới hít thở thôi đã chớm chiều.
Chỉ vạn vật vô tình thì thời gian mới vô tình. Và không biết may hay rủi cho ngày Ba Mươi của Chạp, ngày duy nhất trong năm ấy người ta buông thả, để mặc mình sống thật với buồn vui, mừng tủi của chính mình. Họ không giấu ý nghĩ, tình cảm trong lòng nữa, phơi bày bằng hết. Cả những vật chất mà họ dành dụm chắt chiu được, những gì ngon nhất, đẹp nhất, tinh tươm nhất, đều bày ra khoe khoang với đất trời. Sự chín đã trĩu, nhựa đã khô, nhưng bầy tính từ vẫn tuôn mưa bất chấp. Người ta ước tính, tính từ của cả năm đều trút hết vào chỉ một ngày này. Nhưng chỉ cần bước qua giao thừa, người ta bắt đầu vòng lặp của thớ lợ, giả vờ.
Cứ tưởng chịu đựng thành quen, sau bao nhiêu năm tháng, ngày Ba Mươi của Chạp đã quen với sức nặng, đã đủ rộng để chứa chấp được hết thảy: những sản vật thừa mứa, ngập ngụa trong phiên chợ cuối năm, những nụ mai âm thầm trong bóng tối đang chờ chực nở, những mỹ từ, sáo ngữ lai láng trên chương trình truyền hình đặc biệt đón giao thừa, những mâm cơm cúng bày tràn cả mép bàn, những lủ khủ bánh mứt ấm rực trên giàn bếp, nhưng sau cuộc bỏ trốn mãi chín năm, bỗng nghĩ chắc nó phải thống khổ vô cùng.
Chất đầy lên bao nhiêu cũng xong, trù phú mấy cũng được, căng chật cũng không sao, những sức nặng đó có thể cân đong, nhưng làm sao nó chịu nổi trọng lượng của hết thảy những khoảng trống của những người không bao giờ về nữa, trong Lễ - Hội - Của - Vền
Gửi phản hồi
In bài viết