Sôi động các trò chơi tại hội Lồng tông
Lễ hội Lồng tông là lễ hội lớn nhất của dân tộc Tày được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền và những ngày đầu xuân mới tại hầu khắp các huyện trong tỉnh. Về dự hội, du khách ngoài được nghe hát Then, đàn Tính và tham gia các trò chơi dân gian như tung còn, đánh đu, đánh yến, đánh pam, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, bịt mắt bắt dê. Những trò chơi này đều rất vui nhộn, mang tính cộng đồng cao, vậy nên, sau khi chơi hội xuân về, không ít nam thanh, nữ tú nên duyên vợ chồng, bản này gắn bó với bản kia hơn.
Theo quan niệm của người Tày, càng nhiều người chơi trò chơi dân gian thì tình làng nghĩa xóm càng bền chặt, thể hiện sự hiếu khách, cởi mở của người dân với khách phương xa. Do đó, Lễ hội Lồng tông đã được nhiều địa phương như Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình phát triển thành sản phẩm du lịch xuân thu hút đông đảo du khách gần xa. Xuân đến, du khách đi thăm thú miền rẻo cao ngắm hoa lê, hoa mận, hoa đào và trải nghiệm các trò chơi dân gian tại Lễ hội Lồng tông thì vui hết thảy.
Trò chơi du xuân tại Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa. Ảnh: Quang Hòa
Chọi gà
Chọi gà là thú chơi thể hiện tinh thần thượng võ của người Việt, hiện nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn duy trì như Trường Sinh (Sơn Dương) và một số phường, xã của thành phố Tuyên Quang... Chọi gà được người dân tổ chức vào những ngày Tết hoặc trong những ngày hội làng đầu xuân mới. Người làng làm một sới nhỏ, những người yêu thích thú chơi này đã chăm bẵm, luyện các miếng đánh cho “võ sỹ” gà từ cả năm trước đó. Gà đi thi đấu là gà chọi, được chủ vặt lông cổ, lông đùi, ức, da gà càng đỏ thì chứng tỏ có sức mạnh vượt trội.
Thú chơi chọi gà còn là sự tôn vinh nghề chăn nuôi, tôn vinh những chủ nhân chăn nuôi giỏi. Người có gà thắng cuộc rất phấn khởi, được người làng ca tụng. Sức cuốn hút của chọi gà là ở chỗ những “võ sỹ” gà thi đấu rất lỳ lợm, không bỏ cuộc, sáng tạo ra những miếng đánh khiến người xem bất ngờ.
Dịp Tết người dân trên địa bàn tỉnh tổ chức chọi gà.
Đấu vật
Đấu vật được nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức vào ngày hội xuân, hội làng trong những ngày lễ, Tết. Điển hình tại Lễ hội đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc (Sơn Dương), Lễ hội đình Làng Giếng Tanh, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), Lễ hội cầu mùa xã Tân Trào (Sơn Dương)... Đây là môn thể thao có từ nghìn đời nay thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc ta. Ở các hội làng, ban tổ chức thường phân ra các hạng cân thi đấu, nhưng cũng có những hội thi đấu vật không cần như vậy, ai có sức mạnh, kỹ thuật đều có thể thi đấu. Chưa hẳn người to, cơ bắp cuồn cuộn đã thắng người nhỏ thó nhưng rắn chắc. Đấu vật tạo hấp dẫn cho người xem ở chỗ đó. Thông thường, người làng không cần tập luyện nhiều như những vận động viên chuyên nghiệp, bởi theo họ, công việc đồng ruộng thường ngày đã tạo cho họ sức khoẻ dẻo dai, chỉ cần rèn thêm vài miếng đánh là có thể tham gia một cuộc đấu vật.
Đua thuyền
Vào những ngày đầu xuân, người dân thành phố và du khách lại đổ về hai bờ sông Lô xem hội đua thuyền. Mỗi chiếc thuyền được trang trí màu sắc rực rỡ và treo cờ. Các địa phương chọn ra những thanh niên khỏe mạnh tập luyện để sẵn sàng thi đấu ở hội xuân. Đua thuyền hấp dẫn người xem ở chỗ, mọi người đứng ở hai bên bờ sông hò reo, cổ vũ các đội rất sôi động. Các đội thực hiện chặng đua hai lượt, mỗi lượt 2,5 km để chọn ra đội cán đích đầu tiên.
Ngoài đua thuyền, nhiều địa phương trong tỉnh còn tổ chức đua bè mảng những ngày đầu xuân như Yên Lập (Chiêm Hóa), Đà Vị (Na Hang)...
Đánh quay
Đánh quay (đánh cù) là trò chơi dân gian của người Mông ở nhiều địa phương trong tỉnh như Yên Lâm (Hàm Yên), Hùng Lợi (Yên Sơn), Đông Thọ (Sơn Dương) và nhiều xã của huyện Na Hang, Lâm Bình. Sự độc đáo của đánh quay là người chơi tự làm cho mình một con quay bằng gỗ tốt, có độ dẻo cao. Gỗ được đẽo nhẵn, tạo ra một hình tròn, đầu có khấc để người chơi cuốn dây vào con quay để quay. Con quay nào quay tít hơn, lâu hơn chứng tỏ người đó khéo tay và có độ thẩm mỹ cao. Người già, người trẻ, thiếu nữ trong bản váy áo thướt tha xem các chàng trai đánh quay. Từ những cuộc chơi đó, không ít người bén duyên nhau, thành vợ thành chồng.
Xuân đến trên các bản làng quê hương Tuyên Quang rộn rã với những trò chơi dân gian giàu bản sắc văn hóa các dân tộc. Bạn hãy chọn cho mình một chuyến hành trình đầu xuân và Tuyên Quang chắc chắn sẽ mang lại cho bạn những điều thú vị từ những hội xuân với các trò chơi dân gian lý thú.
Gửi phản hồi
In bài viết