Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Tuyên Quang, Lễ Vu lan báo hiếu là một trong những đại lễ báo hiếu quan trọng. Đây là bốn trọng ân mà mọi người nên thực hành: Ân cha mẹ sinh thành dưỡng dục; ân tam bảo đưa đến sự an lạc và giải thoát; ân thầy cô dạy đã đem đến tri thức giúp chúng ta phát triển và thành công trong cuộc sống; ân quốc gia, xã hội đã chở che bao bọc và giữ sự bình yên trong cuộc sống.
Người dân thả đèn hoa đăng trong lễ Vu Lan tại Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp (TP Tuyên Quang). Ảnh: Quốc Việt.
Trong xã hội hiện nay, không ít người nghĩ rằng chỉ cần chu cấp cho cha mẹ đầy đủ về tiền tài vật chất là đã làm tròn đạo hiếu của người con. Nhưng họ không biết rằng với cha mẹ già thì tiền tài, vật chất đôi khi không quan trọng bằng những chính lời hỏi thăm, chia sẻ, động viên đến từ những đứa con của mình. Với người già, đời sống tinh thần quan trọng hơn đời sống vật chất. Thế nên, đừng để lối sống thực dụng xen vào tình cảm gia đình, đặc biệt là với chính cha mẹ mình. Đừng để những việc làm mang ý nghĩa thiêng liêng như tình cảm cha mẹ và con cái trở thành những việc làm mang tính hình thức, làm lấy lệ cho xong. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức cho rằng, chữ hiếu chính là lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ. Hiếu là mối quan hệ tôn ti giữa cha mẹ và con cái. Suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Con cái báo hiếu cha mẹ có nhiều cách, nhưng tựu trung không ngoài hai phương diện vật chất và tinh thần. Báo hiếu về vật chất, con cái phải chăm sóc, thờ phụng cha mẹ, làm thay các việc nặng nhọc, chăm lo miếng ăn thức uống, áo quần, chiếu giường, chỗ nghỉ ngơi, không để cho cha mẹ thiếu thốn, lo nghĩ. Báo hiếu về tinh thần là làm sao cho tinh thần của cha mẹ được sống vui, khỏe, thư thái, luôn tự hào về con cái, gia đình, dòng họ.
Hàng năm, Lễ Vu lan báo hiếu được Thiền viện Trúc lâm Chính pháp, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) long trọng tổ chức, đông đảo phật tử, nhân dân đến dự và ai cũng được gắn bông hoa hồng trên ngực áo. Các tăng ni ở đây cho biết, ai được cài bông hồng màu đỏ gắn trên ngực áo hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có mẹ, cha. Còn bông hoa mầu hồng cho những người chỉ còn mẹ hoặc còn cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm.
Vu lan là dịp đặc biệt để mọi người, nhất là giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Dung, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) tâm sự, năm nào chị cũng đưa hai con sang Thiền viện Trúc lâm Chính pháp để nghe các tăng ni thuyết pháp về Lễ Vu lan. Chị bảo, trước đây chị hơi cầu toàn, cố gắng công thành danh toại mới báo hiếu thì lúc đó mẹ chị không còn. Giờ gia đình đề huề, nghĩ về mẹ chịu cực khổ trăm phần, lòng chị lại nặng trĩu. Giá như ai cũng biết quan tâm đến cha mẹ hàng ngày, để mỗi ngày sống là mỗi ngày vui thì thiết thực biết mấy. Hôm nay chị chỉ được đeo bông hồng màu hồng vì chỉ còn cha, điều đó luôn nhắc nhở chị từng ngày.
Chương trình văn nghệ góp phần lan tỏa truyền thống tri ân, tinh thần hiếu đạo trong cộng đồng xã hội. Ảnh: Minh Huệ.
Từ một nghi thức mang màu sắc Phật giáo, Lễ Vu lan rằm tháng 7 hàng năm trở thành nét sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt, còn gọi là Tết Trung nguyên trong năm. Rằm là lúc con cháu dù đi ngược về xuôi nhưng luôn gắng trở về quê hương để sum họp gia đình. Sự hòa quyện giữ Lễ Vu lan, ngày xá tội vong nhân, rằm tháng 7 thêm ý nghĩa. Ngày này, mọi người đoàn viên, chuẩn bị đồ sính thành kính lễ dâng lên ông bà, tổ tiên. Hầu như gia đình nào cũng có mâm cỗ cúng thịnh soạn. Bà Hoàng Thị Liên, dân tộc Tày, thôn Lang Chang, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) chia sẻ, người Tày ăn rằm tháng 7 rất to. Công tác chuẩn bị từ nhiều ngày trước, nhiều gia đình đụng lợn, mổ vịt, làm bánh, bún tươi. Các con, cháu, nhất là con rể người Tày phải về từ hôm trước góp rằm. Đây là hình thức giáo dục con cháu về đạo hiếu, tôn ti trật tự, gia phong của gia đình. Các con cháu sẽ hiểu hơn về phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của cha ông. Đây là một nghi lễ tâm linh mang tính giáo dục cao được đồng bào Tày duy trì từ xưa đến nay.
Tinh thần Vu lan được mở rộng ra là ơn thầy cô, quốc gia, xã hội đã giúp mình trưởng thành. Những ngày tháng 7 này, nhiều học trò xa mái trường xưa lại tổ chức họp lớp. Nhà báo Đình Lê vừa đứng ra tổ chức họp lớp niên khóa 1989 - 1992, đúng 30 năm ngày trở về mái Trường THPT Tân Trào (TP Tuyên Quang) xúc động nói: “30 năm trôi qua thật nhanh, chúng em đã trưởng thành. Nhờ có được ngày hôm nay, chúng em luôn biết ơn thầy cô, mái trường đã trang bị tri thức, vun đắp hoài bão cho chúng em. Ra đời chúng em tiếp tục được xã hội nâng tiếp bước đi. Được sống, học tập, lao động, cống hiến trong thời kỳ hòa bình, hội nhập, phát triển chúng em thấy mình may mắn và hạnh phúc. Chúng em rất biến ơn vì điều đó”.
Vu lan còn là dịp cúng cho những vong hồn lang thang ẩn khuất đâu đó, xá tội vong nhân và gửi gắm tình cảm và hành động thực sự tới những số phận nghèo khó, không may mắn xung quanh mình. Làm từ thiện không phải cho người khác mà cũng cho chính mình. Vào ngày này nhiều người lên Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tỉnh, Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh, các nghĩa trang để thắp hương cầu siêu. Các chuyến hàng từ thiện cũng được tăng cường đến những mảnh đời khó khăn. Chị Đặng Hải Thanh ở phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) luôn có những hành động từ thiện cao đẹp. Hàng năm, chị trích một phần lợi nhuận đi làm từ thiện, nhất là vào các bệnh viện thăm, động viên, tặng quà cho các em nhỏ bị máu huyết tán. Chị làm với cái tâm thiện nguyện của mình để chia sẻ khó khăn, chứ không phải để quảng cáo thương hiệu. Nhiều lúc chị âm thầm làm một mình, chị nghĩ đây cũng là cách thực hành lòng biết ơn, đạo hiếu ở đời.
Hướng đến Vu lan năm nay, chúng ta có rất nhiều cách, nhiều hành động cụ thể để thể hiện tấm lòng với cha mẹ. Nhưng cho dù bằng cách nào đi nữa thì việc dành thời gian trò chuyện, chăm sóc người thân bằng tấm lòng chân thành mới là món quà vô giá.
Gửi phản hồi
In bài viết