Mô hình trồng cây gai xanh của người dân thôn Pác Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa).
Hạ tầng khang trang
Chúng tôi trở lại thôn Pác Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) trong một ngày tháng Tám. Đây là địa danh đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến trong hành trình Người từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào ngày 20-5-1945. Chỉ cách đây mấy năm, khi còn là một phóng viên trẻ có dịp lên với Linh Phú lần đầu tiên, tôi còn nhớ, đường vào Pác Hóp khá khó khăn, không có nhiều nhà xây khang trang như bây giờ. Ấy vậy mà lần này trở lại, Pác Hóp đã khoác lên mình một chiếc áo mới. Đường trục thôn đã được bê tông hóa gần 100%. Nhà văn hóa xã cũng đã được đầu tư xây dựng khang trang. Đồng chí Hứa Thị Thăng, Trưởng thôn Pác Hóp cho biết, trong thôn nhiều hộ đã có nhà xây, có ba công trình vệ sinh đạt chuẩn. Từ năm 2021 đến nay, từ sức dân, thôn đã làm được một số tuyến đường Thắp sáng đường quê và tuyến đường hoa. So với trước đây, Pác Hóp đã có sự đổi thay đáng kể.
Về thôn Mới, xã Minh Thanh (Sơn Dương) - nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Thanh La, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất cả nước, chúng tôi cảm nhận rõ một vùng quê vừa thanh bình nhưng cũng mang trong mình sự sôi động, đổi thay mỗi ngày. Đồng chí Nguyễn Đức Kiểu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mới, xã Minh Thanh khoe, thôn Mới giờ đã có đường bê tông nội thôn đạt tới 97%, đường liên thôn bê tông hóa 100%. Kết quả này không chỉ nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước mà còn có sự đoàn kết, đóng góp sức người, sức của và hiến đất của nhân dân. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà xây kiên cố và ba công trình vệ sinh đạt chuẩn đến nay cũng đạt 100%. Người dân ở đây rất có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Bởi vậy, thôn Mới là thôn đi đầu trong xã về tỷ lệ hộ gia đình lắp hầm bể Biogas đạt 100%.
Từ Minh Thanh, chúng tôi trở lại Tân Trào - địa danh mà mỗi lần nhắc đến hay đặt chân tới, trong mỗi người đều dâng trào một cảm xúc thiêng liêng, tự hào. Bởi nơi đây chính là trung tâm của Thủ đô Khu Giải phóng, nơi ra đời nhiều quyết sách quan trọng của Bác Hồ và trung ương Đảng để lãnh đạo thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ở xã Minh Thanh (Sơn Dương), nhiều ngôi nhà xây mọc lên khang trang.
Những năm gần đây Tân Trào đổi thay hết sức mạnh mẽ và thực chất. Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào được đầu tư xây dựng nhiều công trình, hạng mục lớn. Đến nay, Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, công trình cải tạo, nâng cấp Quảng trường Tân Trào đã đưa vào sử dụng. Công trình Bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim đang được thi công, Dự án Làng Văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại đây cũng sẽ được khởi công đúng dịp Quốc khánh 2/9/2022. Bên cạnh đó, công trình xây dựng Cầu Trắng 2 cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang ở quê hương cách mạng chính là cơ sở để người dân phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.
Cần cù, năng động phát triển kinh tế
Về với Tân Trào (Sơn Dương), từ Hang Bòng, thôn Thia đến Tân Lập chúng tôi đều bắt gặp những ngôi nhà sàn bề thế thấp thoáng trong những vườn cây ăn quả. Đồng chí Viên Quốc Chủng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, trong xã hiện đã thành lập Hợp tác xã nuôi ong chất lượng cao, 2 tổ hợp tác sản xuất chè và trồng rau an toàn. Toàn xã hiện có 13 hộ làm dịch vụ homestay, tập trung chủ yếu ở thôn Tân Lập. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay đạt 48 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, qua đánh giá, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ chiếm gần 6%.
Một tuyến đường hoa mẫu ở Làng Văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Mấy năm nay, người dân xã Minh Thanh không chỉ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng trang trại, gia trại mà còn tranh thủ đi làm thêm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh để tăng thu nhập. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hứa, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn trên 27% theo chuẩn nghèo mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm. Xã đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Trên địa bàn xã có 35 mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn thịt và trồng rừng cho hiệu quả kinh tế khá. Minh Thanh đang nỗ lực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nói về phát triển kinh tế ở Linh Phú (Chiêm Hóa), đồng chí Tái Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết, hiện nay, Linh Phú đã xây dựng sản phẩm chè Pà Thẻn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao với vùng nguyên liệu chè trồng theo hướng hữu cơ tập trung nhiều nhất ở hai thôn Pác Hóp, Khuổi Hóp. Toàn xã có 500 ha rừng trồng sản xuất đã cho khai thác. Bên cạnh đó, trong xã đã hình thành nhiều mô hình kinh tế mới, đem lại hiệu quả kinh tế như mô hình nuôi dúi theo hướng trang trại, trâu, bò nuôi nhốt, nuôi ốc nhồi và trồng cây gai xanh. Xã đã có 1 trang trại nuôi dúi được công nhận, 1 tổ hợp tác nuôi ốc nhồi được thành lập, bước đầu hình thành 7 ha cây gai xanh và 5 ha trồng cây ăn quả.
Sự vươn mình đổi thay đã khẳng định sự nỗ lực vượt khó, đoàn kết, truyền thống cách mạng chính là động lực xuyên suốt, là mạch ngầm chảy mãi trong mỗi người dân để khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường xây dựng Thủ đô Khu Giải phóng ngày càng giàu đẹp.
Gửi phản hồi
In bài viết