Nghĩ về chuyện phóng sinh

- Theo phong tục của người Việt, ngày Vu lan thường đi kèm với nghi thức phóng sinh. Nhiều người tâm niệm giải thoát cho chúng sinh cũng chính là cầu lấy sức khỏe, may mắn, niềm vui cho cha mẹ.

Người dân phóng sinh ốc tại Hồ công viên Tân Quang (TP Tuyên Quang).

Ngay đầu chợ Phan Thiết (TP Tuyên Quang), tại những gian hàng bán đồ tươi sống, nhiều tiểu thương cũng tranh thủ bán thêm ốc, cá, lươn phục vụ nhu cầu phóng sinh của người dân dịp Lễ vu lan. Chị Hồ Thị Niềm, một người bán cá ở đây cho biết, nhiều người dân có nhu cầu đặt hàng trước nên chị và nhiều tiểu thương khác thường chuẩn bị theo đơn đặt hàng. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các loại ốc và cá nhỏ. Các mặt hàng này đã có khách đặt từ những ngày đầu tháng Bảy âm lịch.

Theo tài liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phóng sinh tức là cứu mạng sống, ban cho sự tự do, giúp một chúng sinh trở về với đời sống thực sự của chúng. Về nghĩa bóng là phóng thích tâm tham, đố kỵ... ra khỏi con người. Người dân thường phóng sinh vào các dịp rằm, lễ lớn trong năm, trong đó tập trung vào 6 dịp chính là Tết Thượng nguyên (14 tháng Giêng), Đại lễ Phật đản (12-4 âm lịch), Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Ngày lễ Vu lan (15-7 âm lịch), Ngày vía Đức phật A di đà (17-11 âm lịch) và dịp trước tất niên.

Ông Lê Xuân Điện, Tổ trưởng Tổ Quản lý Chùa Linh Thông, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết, các nghi thức phóng sinh vẫn được chùa thực hiện từ nhiều năm nay. Nhưng cũng như việc đốt vàng mã, đốt hương khói, nhà chùa không khuyến khích phật tử, người dân thực hiện.

Vì theo ông Điện, việc phóng sinh xuất phát từ tâm nhằm cứu vớt các sinh linh, không thể dùng việc phóng sinh để đổi lấy may, vụ lợi mong cầu giàu sang. Phóng sinh chỉ nên thực hiện khi trên đường gặp con cá, con chim hay bất cứ con vật gì bị bắt, người dân chuộc về và thả ngay. Trong khi đó, việc mua bán các con vật như chim, cá, ốc... đương nhiên từ cầu sẽ sinh ra cung. Con vật đang từ tự do, được bắt, bẫy về phục vụ nhu cầu của người dân thì đã đi theo một hướng khác. Cũng không nên phóng sinh theo kiểu hùa theo số đông, không có thiện niệm khi thực hiện sẽ sai với bản chất của phóng sinh.

Phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Lô. Ảnh: Quang Hòa.

Đạo Phật quan niệm phóng sinh là tùy duyên, nghĩa là thấy động vật gặp nạn thì cứu. Không ít người cho rằng, không chỉ phóng sinh ốc, cá, chim… mà bỏ cả tiền triệu mua những động vật quý hiếm thực hiện phóng sinh mới tốt. Ông Lê Xuân Điện cho rằng, đây là điều không đúng. Thay vì dùng tiền mua cá, mua chim phóng sinh, nhà chùa luôn khuyến khích phật tử, người dân chú tâm đến việc làm thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Có thể nhân công đức này mà hồi hướng cho người mất.

Trên thực tế, quan niệm phóng sinh của người dân cũng đang dần thay đổi. Các gian hàng bán đồ phóng sinh ở chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) những ngày cận lễ vu lan vẫn khá vắng vẻ. Chị Nguyễn Thị Tú, một tiểu thương tại đây cho biết, so với trước đây lượng khách giảm đi rất nhiều. Người dân mua chọn lọc hơn, chủ yếu mua ốc, lươn, cua. Chim phóng sinh giờ ít người mua hơn nên chị cũng như nhiều người bán đồ phóng sinh không sẵn hàng, chỉ khi có khách hàng đặt mới chuẩn bị.

Những ngày này, gian hàng nhỏ ngay tại nhà của chị Nguyễn Thị Hồng, tổ 11, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) bắt đầu có đủ các loại lươn, cá, ốc... Vốn là một phật tử, việc chuẩn bị đồ lễ phóng sinh với chị Hồng như một cái duyên. Chị Hồng cho biết, so với những năm trước thì vài năm gần đây, việc mua đồ phóng sinh của người dân có phần giảm bớt. Một phần vì dịch bệnh Covid-19, kinh tế có nhiều khó khăn, một phần vì người dân đã hiểu đúng về nghi thức này. Chị Nguyễn Thị Hồng không buồn vì thu  nhập giảm sút mà ngược lại cảm thấy may mắn. Vì trong quá trình chuẩn bị hàng, cũng có con chết, như vậy lại phạm phải sát sinh - điều mà Đạo Phật rất kiêng kỵ.  

Dạo qua một vòng mạng xã hội những ngày tổ chức phóng sinh, dư luận khá bức xúc trước hình ảnh nhiều người phóng sinh phía trước, thì ngay lập tức xuất hiện “đội quân” dùng các phương tiện đánh bắt để bắt lại số động vật vừa thả; hay chuyện chú chim phóng sinh bị nhốt lâu ngày, chưa kịp bay về trời đã thiệt mạng...

Tiến sĩ Trần Lệ Thanh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào cho rằng, phóng sinh phải đi kèm với ý thức bảo vệ môi trường mới là thực hiện chuẩn. Theo đó, khi thực hiện phóng sinh mùa Vu lan báo hiếu, mọi người cần lưu ý tìm tìm hiểu về tập tính của loài vật mà bạn định thả. Nên tìm nơi vắng vẻ hoặc không có người săn bắt để đảm bảo khi thả ra, các loại động vật đều có thể sinh sống được. Chẳng hạn, phóng sinh cá chờ cá bơi khuất rồi về chứ không cầm cả túi nilong vứt ra ao, hồ, sông, suối.

Phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng... Tuy nhiên, phóng sinh đúng cách, không để những nghi lễ, phong tục đẹp bị “thương mại hóa” là điều cần thiết, để một mùa vu lan thực sự là một dịp thể hiện truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.

Nguyễn Đạt

Tin cùng chuyên mục