Nâng tầm thể thao thành tích cao

- Đối với mỗi quốc gia hay mỗi địa phương, thể thao thành tích cao (TTTTC) được coi là xương sống, là trụ cột của nền thể thao. Vị thế thể thao của Tuyên Quang đã dần được khẳng định, trong đó TTTTC đã có nhiều tiến bộ về đào tạo, huấn luyện, thi đấu, đồng thời gặt hái được thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thể thao thành tích cao của tỉnh cũng đối mặt với nhiều thách thức để vươn lên chinh phục đỉnh cao.

Cầu thủ bóng đá Quang Hải với các cầu thủ nhí của đội tuyển bóng đá nhi đồng Tuyên Quang.

Những thành công bước đầu

Tuyên Quang có nhiều điều kiện và yếu tố về con người để phát triển TTTTC. Đó là tinh thần giàu nghị lực, yêu thích các môn thể thao cùng với phong trào thể thao phát triển rộng khắp, sôi nổi ở nhiều nơi. Nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của thể thao khá cao. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển TTTTC, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên TTTTC theo 3 tuyến: Tuyến đội tuyển tỉnh gồm 15 vận động viên, đội tuyển trẻ gồm 68 vận động viên, đội tuyển năng khiếu gồm 30 vận động viên. Toàn tỉnh hiện có 35 vận động viên đạt đẳng cấp, trong đó có 9 vận động viên đạt đẳng cấp kiện tướng, 26 vận động viên đạt cấp 1 quốc gia.

Tỉnh  tập trung đầu tư các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh là các môn thể thao thi đấu đối kháng cá nhân gồm: Wushu, Pencak Silat, Võ Cổ truyền, Vovinam, Kick Boxing, Muay. Tỉnh đã phát triển 2 môn thể thao tập thể gồm: Đua thuyền, bóng đá nhi đồng và 3 môn thể thao phong trào gồm: Điền kinh, cầu lông, bóng bàn... Hiện nay, tỉnh đang tập trung huấn luyện, đào tạo vận động viên TTTTC ở 4 môn trọng điểm là: Pencak Silat, Wushu, Đua thuyền và Vật.

Vận động viên Đinh Thị Hảo (thứ 3 từ phải sang), xuất sắc giành 3 Huy chương vàng môn đua thuyền Rowing tại Sea games 31.

Trong những năm qua, để thúc đẩy sự phát triển của TTTTC, tỉnh đã tổ chức nhiều giải đấu lớn và được chọn là nơi tổ chức các giải thi đấu thể thao toàn quốc. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2022, tỉnh tổ chức thành công 10 giải thể thao cấp tỉnh, đăng cai 1 giải thể thao toàn quốc. Đồng thời, các vận động viên TTTTC của tỉnh đã tham gia 14 giải thể thao toàn quốc đoạt 81 huy chương tại các giải thi đấu khu vực và toàn quốc, trong đó có 9 huy chương Vàng, 22 huy chương Bạc, 50 huy chương Đồng. Riêng tại Sea games 31, các vận động viên thuộc tỉnh Tuyên Quang đoạt 9 huy chương, trong đó 6 huy chương Vàng, 2  huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng.

Một trong những thành tích phải kể đến của TTTTC tỉnh thời gian qua là, Tuyên Quang đã cung cấp khá nhiều vận động viên tài năng cho các đội tuyển quốc gia. Điển hình như vận động viên Lương Xuân Trường, Nguyễn Thành Chung của Đội tuyển bóng đá quốc gia; môn Wushu có vận động viên Ngô Văn Sỹ, Đinh Quốc Toản; môn Đua thuyền có vận động viên Đoàn Thị Huyền, Đoàn Thị Thảo, Lý Thị Na; môn Vật có vận động viên Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Công Hiếu, Phạm Thành Duy; môn Pencak Silat có các vận động viên Bàn Văn Thanh, Vương Quốc Bảo... Những vận động viên này đã góp phần làm rạng danh TTTTC của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành tích của TTTTC của tỉnh đạt được vẫn chưa thực sự nổi bật. Đây là bài toán khó đặt ra cho ngành thể thao cũng như cấp ủy, chính quyền trong tỉnh.

Thiếu cơ sở vật chất và cơ chế khuyến khích

Theo báo cáo đánh giá của Phòng Quản lý Thể dục thể thao thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nếu so với TTTTC của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước thì TTTTC của tỉnh vẫn xếp ở thứ hạng trung bình. Nguyên nhân chính mà TTTTC của tỉnh chưa gặt hái được nhiều thành công nổi bật và chinh phục được đỉnh cao là do thiếu thốn về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách khuyến khích, đãi ngộ, thu hút giữ chân vận động viên xuất sắc; chưa có chế độ đãi ngộ khi vận động viên đạt huy chương, đẳng cấp quốc gia.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà thi đấu thể dục thể thao tiêu chuẩn, chưa có nhà tập đa năng, bể bơi, sân bóng đá, sân điền kinh phục vụ việc tập luyện thi đấu của các vận động viên TTTTC... Các trang thiết bị thể dục thể thao cho các môn hiện rất thiếu, không đáp ứng nhu cầu tập luyện. Quá trình hoạt động của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh gặp nhiều khó khăn do công trình nhà làm việc có nhiều hạng mục đã xuống cấp, không an toàn cho sử dụng và hoạt động. Thiết kế, kiến trúc công trình này khi xây dựng để phục vụ hoạt động của thanh, thiếu nhi, vì vậy công năng sử dụng không phù hợp, khó khăn trong tổ chức các hoạt động nghiệp vụ thể dục, thể thao.

Các vận động viên thi đấu nâng hạng môn võ Vovinam lần thứ nhất năm 2020.

Bên cạnh đó, các hoạt động thể dục thể thao như: Đại hội Thể dục thể thao, các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh, đăng cai các giải thể thao toàn quốc... chủ yếu phải tổ chức tại Nhà thi đấu đa năng của Trung tâm Văn hóa, thể thao Thanh, thiếu nhi tỉnh. Thế nhưng công năng sử dụng không phù hợp cho tổ chức thi đấu một số môn thể thao thành tích cao được xác định là trọng điểm, có thế mạnh của tỉnh.

Kiện tướng, Huấn luyện viên Đội tuyển môn Pencak Silat của tỉnh Đặng Quốc Tuân cho biết, do không có sân bãi để tập luyện nên đội tuyển thường tận dụng khoảng trống của trung tâm để luyện tập, diện tích rất nhỏ hẹp nên hạn chế tầm di chuyển, mức bật nhảy của vận động viên, do đó rất khó khăn để nâng cao chất lượng huấn luyện.

Đồng chí Đồng Dương Mười, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh cho biết, vì thiếu thốn về thiết chế, cơ sở vật chất để huấn luyện TTTTC nên nhiều năm qua, Trung tâm phải phối hợp với các đơn vị tỉnh bạn và thành phố Hà Nội để gửi vận động viên đi tập luyện, nhất là vận động viên ở các môn đua thuyền, bơi, bóng đá. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phải thuê hoặc mượn sân để vận động viên tập luyện.

Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết chế thể thao cấp tỉnh, các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với vận động viên, huấn luyện viên TTTTC của tỉnh chưa tương xứng để thu hút và giữ chân những vận động viên, huấn luyện viên tài năng, xuất sắc. Hiện nay, vận động viên và huấn luyện viên mới chỉ được hưởng chế độ dinh dưỡng hàng tháng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 10 năm 2019 của HĐND tỉnh quy định về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao và mức chi cho các giải thi đấu thể thao. Theo Nghị quyết này, các vận động viên, huấn luyện viên được hưởng theo hai mức dinh dưỡng là mức dinh dưỡng thi đấu và mức dinh dưỡng huấn luyện chia theo đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu. Trong khi đó, ở nhiều địa phương, vận động viên còn được hỗ trợ tiền công, tiền đẳng cấp. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho nhiều vận động viên chưa muốn cống hiến lâu dài cho TTTTC của tỉnh.

Giải pháp đồng bộ

Thiếu về cơ sở vật chất và cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút huấn luyện viên, vận động viên tài năng chính là nguyên nhân chính để TTTTC của tỉnh vẫn chưa thể bứt phá lên tầm cao mới. Những hạn chế này cũng đã được tỉnh nhận thấy và có định hướng trong thời gian tới. Song các giải pháp đưa ra cần khả thi để sớm triển khai thực hiện theo từng lộ trình cụ thể.

Ngày 6/10/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 396 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu liên hợp thể thao tỉnh Tuyên Quang với tổng diện tích 29,78 ha. Năm 2022, UBND tỉnh đã đưa vào Kế hoạch đầu tư công là 450 triệu đồng để chuẩn bị xây dựng nhà thi đấu đa năng, nhà làm việc, khu nội trú cho vận động viên và chủ trương xây dựng hạng mục công trình đường giao thông và san nền mặt bằng sân vận động thuộc Khu Liên hợp thể thao tỉnh Tuyên Quang.

Trận thi đấu môn bóng đá thiếu niên Giải bóng đá Thiếu niên và nhi đồng năm 2022.

Bên cạnh đó, các hạng mục khác của Khu liên hợp, tỉnh cũng đang có chủ trương kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhằm từng bước hoàn thiện về cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu phát triển của TTTTC. Về cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với huấn luyện viên, vận động viên, UBND tỉnh đang xây dựng Quy định chế độ khen thưởng cho huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao; xây dựng về chế độ dinh dưỡng, chế độ chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên trong các giải thi đấu thể thao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Quản lý Thể dục - Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, hai yếu tố thiết chế thể thao và chính sách đãi ngộ đối với huấn luyện viên, vận động viên vẫn là điều kiện quan trọng, cốt lõi nhất để TTTTC phát triển, bứt phá mạnh mẽ. Do đó, tỉnh cần quan tâm thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới để vận động viên, huấn luyện viên yên tâm cống hiến cho nền thể thao nói chung của tỉnh.

Bài Thủy Châu - ảnh Lê Duy

Tin cùng chuyên mục