Vượt lên nỗi đau

- Thiệt hại, mất mát do thảm họa TNGT để lại không thể nào bù đắp. Đó là hàng ngàn tổ ấm bị tổn thương bởi con mất cha, vợ mất chồng hay những trụ cột gia đình bỗng phút chốc trở thành gánh nặng cho người thân...

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho các em học sinh tại Trường Tiểu học Bình Thuận (TP Tuyên Quang).

Ám ảnh, tổn thương tinh thần

Tại nước ta, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong tai nạn thương tích. Không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm, TNGT còn để lại nhiều nỗi đau do thương tật vĩnh viễn, không còn khả năng lao động, kiệt quệ về tài sản, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho gia đình và cả xã hội. Những năm gần đây, cụm từ “thảm họa TNGT” được nhắc đến nhiều hơn để chỉ những thiệt hại, mất mát không thể nào bù đắp do TNGT mỗi ngày gây ra...

“Chúc mừng sinh nhật con gái yêu của mẹ, chúc con luôn mạnh khỏe, an nhiên. Cha sẽ luôn bên con che chở cho con, con yêu nhé”. Đó là những lời mà chị Hoàng Minh Hà, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) nhắn gửi con gái yêu trong lần sinh nhật lần thứ 12. Mới năm trước thôi, trong sinh nhật lần thứ 11 của con gái, gia đình chị còn quây quần hạnh phúc bên nhau. Thế nhưng, một ngày cuối tháng 12-2021, TNGT đã cướp đi sinh mạng người chồng, người cha hiền lành, yêu vợ thương con. “Chị không nghĩ rằng anh bị nặng như thế... Lúc đưa anh vào viện, chị vừa khóc vừa cầu xin bác sỹ cứu anh. Nhưng dù có bao nhiêu đơn vị máu được hiến cũng không thể...”. Kể từ ngày hôm ấy, chị Hà dặn mình phải mạnh mẽ hơn, vì bản thân và vì hai đứa con thơ dại.

Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ giữa núi rừng Yên Hoa (Na Hang), ông Dương Văn Hồng vẫn không thể quên cái đêm định mệnh ấy. Đêm 24-10-2021, con trai ông gặp tai nạn do đâm phải xe ô tô dừng đỗ không đúng quy định bên đường. Nỗi đau, nhớ thương cứ dai dẳng mãi khi kẻ đầu bạc phải tiễn người đầu xanh. Gia đình ông Hồng vốn thuộc hộ nghèo của xã. Ông nói trong nghẹn ngào: “Hy vọng 2 đứa con trai trưởng thành, cố gắng bảo ban nhau làm ăn để thoát cái nghèo. Mà giờ một đứa đã bỏ bố mẹ đi mãi...”.

Học sinh Trường THCS Yên Hoa (Na Hang) tham gia vẽ tranh và thuyết trình về an toàn giao thông.

Chung tay xoa dịu

Đằng sau mỗi vụ TNGT là nỗi đau đè nặng người ở lại, đó cũng là sự dằn vặt, ám ảnh về tinh thần của nhiều người tham gia giao thông khác. Trong tận cùng của đớn đau, nhiều người đã phải thốt lên câu nói “Giá như”... 

Anh Đỗ Văn Lâm, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) nhớ lại đêm mùa đông cuối năm 2020. Hôm ấy sau khi xem xong trận bóng của Đội tuyển U23 Việt Nam, anh cùng một vài người bạn rủ nhau đi uống vài chén rượu. Đường tối, trời giá rét nhiều sương, lại không còn tỉnh táo, anh đâm phải một xe tải chở gỗ trên đường về... 1 tháng cấp cứu trong Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), 1 năm nghỉ làm để hồi phục sức khỏe, hàng chục triệu đồng tiền viện phí, chỉ vì vài chén rượu, anh đã trở thành gánh nặng của gia đình và chính những người thân yêu.

Chị Lê Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội chia sẻ, hơn 20 năm cuộc đời gắn bó ở trung tâm, chị đã tiếp nhận những trường hợp trẻ mồ côi vì cha mẹ qua đời do TNGT; những đối tượng khuyết tật nặng, tổn thương nặng nề do TNGT gây ra. Mới đây nhất là trường hợp của em B.V.N sinh năm 1995. Em vào trung tâm sau khi được điều trị đa chấn thương do TNGT gây ra. Thực sự đáng thương khi trước đó, mẹ em cũng không may qua đời trong một vụ TNGT… Dù các cán bộ trung tâm hết lòng chăm sóc, thế nhưng may mắn không mỉm cười với em, từng ngày một em ăn uống kém, chân tay cũng cứ teo dần đi. Mấy tháng trước, em ra đi mãi mãi trong vòng tay của cán bộ Trung tâm Công tác xã hội. Trong giọng nói của chị nén tiếng thở dài, chỉ có giảm thiểu TNGT, mới bớt đi những trường hợp đáng thương trong xã hội như thế.

Đại diện Ban An toàn giao thông huyện Na Hang thăm hỏi, động viên gia đình khó khăn có nạn nhân tử vong do TNGT.

Nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ những mất mát đối với những gia đình có nạn nhân tử vong do TNGT, hàng năm Ban An toàn giao thông tỉnh đã phát động, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên các gia đình, đặc biệt là những hộ khó khăn, hộ ở vùng sâu, vùng xa. Các thành viên Ban An toàn giao thông cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm kêu gọi các đơn vị, tổ chức, đoàn thể nghiêm chỉnh, tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Những khẩu hiệu “Phía trước tay lái là sự sống”, “Hãy lái xe bằng cả trái tim”, “An toàn mọi lúc, hạnh phúc mọi nơi”... thật sự là những lời kêu gọi tha thiết nhắn nhủ mỗi người hãy tham gia giao thông có trách nhiệm.   

Trong Lễ Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã nói: “Hãy vì niềm xót thương những người đã mất mà hành động vì sự an toàn của những người đang sống”. Đó như lời gửi gắm đến hàng triệu người trên đất nước Việt Nam, cách xoa dịu nỗi đau tốt nhất đó là sự cẩn trọng, an toàn, văn minh khi tham gia giao thông, vì chính bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Ghi chép: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục