Vật dân tộc “Đãi cát tìm vàng”

- Vật dân tộc là một trong những bộ môn “sinh sau đẻ muộn” của Thể thao Tuyên Quang. Thế nhưng, không vì thế mà thành tích của môn thể thao này kém cạnh. Hành trình “đãi cát tìm vàng” của huấn luyện viên môn vật đã góp phần tạo ra trái ngọt, để vật dân tộc Tuyên Quang tự tin, sánh bước với các tỉnh và vươn tầm thế giới.

Từ niềm đam mê

Sàn tập của thầy trò Huấn luyện viên Trần Văn Thắng nằm trên tầng cao nhất của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Tuyên Quang. Trên mặt sàn là tấm bạt phủ lớp đệm đã sờn rách, lớp vận động viên trẻ đang ở độ tuổi 12 đến 17 tuổi say mê tập luyện. Các em đa phần là học sinh xa nhà.

Điều kiện tập luyện của các vận động viên môn vật tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao còn nhiều khó khăn.

Vận động viên Đinh Tuấn Vũ, sinh năm 2009 quê ở Yên Nguyên (Chiêm Hóa) về Trung tâm từ hơn 1 năm nay. Như các vận động viên khác, Vũ tròn lẳn và chắc nịch - một trong những yếu tố đầu tiên lọt vào mắt xanh của các huấn luyện viên. Vũ kể, khi được Huấn luyện viên phát hiện và đưa về Trung tâm tập luyện, đêm nào con cũng khóc. Nhưng nhờ có các thầy động viên, anh em vận động viên xa nhà ở tập thể cũng đông nên con cố gắng rèn luyện.

Ở Trung tâm, Vũ và Phạm Xuân Thành, quê ở Tân Tiến (Yên Sơn) là một trong những vận động viên nhỏ tuổi nhất. Những bài tập khó khiến các em chuột rút, chấn thương, đau mỏi người… là chuyện thường ngày ở huyện. Nhưng Thành bảo, chưa khi nào mình nghĩ đến chuyện bỏ cuộc về nhà. Ước mơ lớn nhất của Thành là được vào đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia, mang vinh quang về cho quê hương.

Quá trình tìm kiếm vận động viên cho môn vật được các thầy tập trung vào các điều kiện như độ dẻo, sức mạnh của tay, bật xa… Hầu hết các vận động viên đều được phát hiện từ phong trào và đưa về trung tâm để đào tạo, huấn luyện. May mắn, rất nhiều vận động viên đã trưởng thành và để lại dấu ấn trên nền thể thao nước nhà.

Vận động viên môn vật thi đấu tại Bắc Giang.

Vận động viên Nguyễn Công Hiếu là một trong những vận động viên có thành tích thi đấu xuất sắc nhất của đội tuyển vật Tuyên Quang. Riêng năm 2018, Hiếu đã giành được 1 Huy chương Vàng nội dung vật tự do, hạng cân 80 kg; 1 Huy chương Bạc nội dung vật cổ điển, hạng cân 82 kg và 1 Huy chương Đồng nội dung vật bãi biển, hạng cân trên 70 kg tại Giải vô địch Vật trẻ Đông Nam Á vào tháng 4. Sau đó, tại Giải vô địch các lứa tuổi trẻ Vật cổ điển, Vật tự do toàn quốc năm 2018 được tổ chức tại Tuyên Quang một lần nữa em đã đem vinh quang về cho thể thao tỉnh nhà với 1 tấm Huy chương Vàng. Tại Giải Vật vô địch Đông Nam Á (tháng 11-2018) em đã giành được 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. Năm 2021, Nguyễn Công Hiếu được bình chọn là một trong 10 công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang.

Bất cập

Theo cuốn sổ nhật ký của Huấn luyện viên Trần Văn Thắng, thì từ năm 2014, hầu như năm nào môn vật cũng có huy chương. Trong đó, nhiều giải khu vực như giải vô địch trẻ Đông Nam Á, đoàn vận động viên Tuyên Quang đều giành được thứ hạng cao. Như Giải vô địch trẻ Đông Nam Á tại Thái Lan tháng 4-2018 giành được 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng; Giải vô địch Đông Nam Á tại Phi-lip-pin tháng 8-2018 giành được 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc; Giải vô địch và vô địch trẻ Đông Nam Á tại Thái Lan tháng 9-2019 giành được 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc. Đoàn Tuyên Quang hiện có 2 vận động viên được thi đấu trong đội tuyển quốc gia là vận động viên Nguyễn Công Hiếu - thi đấu tại Đội tuyển vật quốc gia và vận động viên Trần Văn Luyện, thi đấu trong Đội tuyển trẻ vật quốc gia.

Vận động viên Trần Văn Luyện, đoàn Tuyên Quang giành Huy chương Vàng tại Giải vô địch các lứa tuổi trẻ vật cổ điển, vật tự do Quốc gia năm 2022 tổ chức tại Bắc Giang.

Tuyên Quang hiện có 16 vận động viên tập luyện, thi đấu trong môn vật, trong đó đa phần ở độ tuổi còn rất trẻ. Để bảo tồn, phát triển môn vật dân tộc hiện nay, những người làm công tác quản lý, đào tạo và các vận động viên chuyên nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Huấn luyện viên Trần Văn Thắng, hiện nay ở Tuyên Quang, vận động viên môn vật cũng như nhiều môn thể thao khác chỉ được hưởng chế độ dinh dưỡng, còn lại không có mức hỗ trợ nào khác. Trong khi một số tỉnh lân cận, ngoài chế độ dinh dưỡng, vận động viên được hưởng thêm tiền công, tiền đẳng cấp…

Chính điều này không thu hút được vận động viên theo nghề lâu dài. Theo anh Thắng, hầu hết vận động viên ở trung tâm và theo nghề đến năm 18 tuổi là dừng. Trong khi ở vận động viên, ngoài 18 tuổi mới thực sự là độ tuổi “chín” cả về sức khỏe, kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu. Để có thể thu hút được các vận động viên theo nghề lâu dài, yên tâm cống hiến, theo Huấn luyện viên Trần Văn Thắng, cần thiết phải xây dựng cơ chế hỗ trợ thiết thực, phù hợp, có như vậy những lớp vận động viên môn vật nói riêng và các môn thể thao thành tích cao khác nói chung mới không rơi vào tình trạng “chảy máu tài năng” như hiện nay.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục