Nét đẹp trang phục truyền thống

-Mùa xuân về cũng là lúc trên các bản làng, phụ nữ người Mông, người Dao, người Tày… rộn ràng khâu vá, thêu dệt những tấm thổ cẩm đẹp, những bộ trang phục truyền thống lộng lẫy, rực rỡ sắc màu để đón mùa xuân mới. Với phụ nữ người dân tộc thiểu số, trang phục truyền thống không chỉ tôn lên vẻ đẹp hình thể của họ mà còn là một phần của cội nguồn văn hóa đáng tự hào.

Phụ nữ Tày

Hình ảnh phụ nữ Tày bên khung cửi dệt nên những bộ trang phục truyền thống đã trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo, tượng trưng cho sự cần cù, khéo léo của phụ nữ trên các bản làng vùng cao.

Trẻ em dân tộc Tày.

Trang phục dân tộc Tày không cầu cầu kỳ trong cách lựa chọn màu sắc hay các họa tiết. Màu chủ đạo là màu chàm, một loại màu được nhuộm từ nguyên liệu cây rừng tự nhiên. Điểm nổi bật trên trang phục là yếu tố tạo hình thon gọn, thanh thoát tôn lên được nét đẹp dịu dàng nữ tính của người phụ nữ.

Phụ nữ Dao Đỏ

Để có được bộ trang phục truyền thống đẹp, ưng ý mặc vào dịp lễ, Tết, phụ nữ Dao Đỏ phải ngồi thêu mất vài tháng, thậm chí cả năm. Họ tranh thủ vào những lúc nông nhàn để thêu lên những hoa văn, họa tiết trên từng phần của bộ trang phục. Nét nổi bật, ấn tượng thu hút mọi ánh nhìn là những quả bông len màu đỏ rực chạy dọc theo mép áo.

Trang phục của phụ nữ Dao Đỏ nổi bật với những quả bông len.

Theo quan niệm của người Dao Đỏ, màu đỏ là màu của ánh sáng mặt trời biểu tượng cho uy lực, tượng trưng cho khát vọng chinh phục thiên nhiên, hướng tới sự no ấm, hạnh phúc. 

Phụ nữ Cao Lan

Trang phục truyền thống luôn là một phần quan trọng đối với những người phụ nữ dân tộc Cao Lan. Bởi vậy, bộ trang phục truyền thống luôn được người phụ nữ nâng niu, chăm chút và được mặc nhiều vào các dịp lễ cưới, ngày hội làng, ngày Tết.

Phụ nữ Cao Lan duyên dáng, nền nã trong trang phục truyền thống.

So với các dân tộc khác, trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Cao Lan mộc mạc, đơn giản, song cũng có rất nhiều nét đặc trưng riêng đó là sự kết hợp giữa hai màu chủ đạo đen, đỏ. Những nếp gấp của váy, dây thắt lưng nhiều màu tạo nên nét đẹp, duyên dáng của người phụ nữ Cao Lan.

Phụ nữ Mông

Trang phục của người Mông thường được làm bằng vải lanh, thêu hoa văn phong phú, nổi bật, màu sắc rực rỡ. Đặc biệt là chiếc váy của người phụ nữ dân tộc Mông luôn được nhiều người ưa thích.

Trong chiếc váy của người phụ nữ gần như thể hiện được toàn bộ sự tài hoa, khéo léo, cầu kỳ trong từng đường kim, mũi chỉ với từng nét hoa văn họa tiết tinh tế. Chiếc váy xòe, xếp ly với từng nếp gấp nhẹ nhàng, mềm mại uyển chuyển như những bông hoa rực rỡ khoe sắc giữa đại ngàn.

Phụ nữ Pà Thẻn

Dân tộc Pà Thẻn sinh sống chủ yếu ở Hà Giang, Tuyên Quang, dân số dưới 10 nghìn người. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang người Pà Thẻn sống chủ yếu ở xã Hồng Quang (Lâm Bình) và xã Tri Phú (Chiêm Hóa). Nét độc đáo trong trang phục phụ nữ Pà Thẻn được biểu hiện lối tạo dáng áo dài, cách dùng màu tạo nên một phong cách riêng.

Hoa văn trên bộ trang phục được sử dụng hai phương pháp là ghép vải và thêu chỉ màu. Xen giữa hoa văn thêu tay là mảng hoa văn dệt với nhiều màu sắc, trong đó màu đỏ là chủ yếu, tạo nên sự rực rỡ, bắt mắt và đặc trưng của bộ trang phục.

Cảnh Trực

Tin cùng chuyên mục