Phong tục đón tết người Tày

- Từ 26, 27 tháng Chạp, các gia đình đã bắt đầu gói bánh. Bánh chưng của người Tày dài hai đầu gấp vuông. Bánh chưng của người Nùng ngắn hai đầu gấp gù. Ngoài bánh chưng các gia đình còn làm bánh tro, chè lam, bánh khảo… Ngày Tết ngoài thịt gà, các gia đình còn mổ lợn để lấy thịt ăn Tết. Thịt lợn thường được chế biến thành lạp xường, thịt chao để ăn dần.

Chiều 30 Tết nhà nào cũng mổ gà cúng tất niên. Các con đã ra ở riêng đều về ăn cơm tất niên cùng bố mẹ. Ngày mồng Một Tết, đàn ông đi chúc Tết các gia đình trong bản. Theo phong tục thì phụ nữ ngày mồng một Tết không ra khỏi nhà, ngày mồng hai họ mới đi chúc Tết hàng xóm. Cũng từ ngày mồng hai trở đi, mọi người đi Tết bên ngoại. Đồ lễ Tết họ ngoại thường là gà sống thiến và các loại bánh.

Từ ngày mồng 4 Tết các làng, bản luân phiên tổ chức hội “lồng tông”. Nghi lễ của hội là cúng thần Nông, vị thần cai quản ruộng đồng, mùa màng, làng bản, gia súc… để mong thần Nông phù hộ mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, bình an. Phần lễ do ông chủ hội ( Pú mo) điều khiển. Hội thường được tổ chức ở trung tâm của làng, bản, nơi có cánh đồng rộng, khô ráo, sạch sẽ. Trên một đám ruộng gọi là “Nà lồng tông”, các gia đình tập trung bày các mâm cỗ cúng thần. Mâm cỗ được xếp thành nhiều tầng, trong đó có gà thiến luộc, đĩa xôi trắng hoặc xôi ngũ sắc, bánh chưng và các loại bánh khác gói giấy xanh, đỏ, tím, vàng. Ông Pú mo khấn đọc bài mo mời các thần linh về dự lễ.

Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi tung còn, đánh yến, đánh bàm, bắn nỏ… Nam nữ thanh niên Tày, Nùng còn hát then, hát cọi, hát sli, lượn trong ngày hội lồng tông. Đây là hình thức dân ca độc đáo, lúc đầu họ tụ tập hát lượn khá đông, sau đó họ tách dần từng đôi say sưa hát giao duyên để gửi gắm tâm tình.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục