Rồng trong Lễ hội Thành Tuyên

- Lễ hội Thành Tuyên diễn ra vào dịp Tết Trung thu với những mô hình đèn khổng lồ đã trở thành lễ hội độc đáo, riêng có của Tuyên Quang. Đặc biệt, 12 con giáp bước vào Lễ hội Thành Tuyên trong trí tưởng tượng, sức sáng tạo của Nhân dân thật sống động và kỳ ảo. Trong đó, linh vật Rồng là con giáp xuất hiện nhiều nhất mà nếu thống kê, qua gần 20 năm tổ chức lễ hội, mô hình Rồng chưa bao giờ vắng bóng trong bất kỳ một mùa lễ hội nào.

Hiện ra từ huyền thoại

Trong 12 con giáp, Rồng là con vật đứng thứ 5 trong hàng ngũ 12 con giáp, nổi bật bởi tính cách ngang tàn, kiêu ngạo, mạnh mẽ. Trong Tứ linh “long, lân, quy, phượng”, Rồng là con vật đứng đầu tiên, thể hiện quyền lực, quyền lãnh đạo tối cao. Trong truyền thuyết, Rồng là con của trời, có thể hô mưa, gọi gió, mang đến cho mùa màng, cây cối xanh tốt, ban phát sự tốt lành cho trần gian. Với nhiều ý nghĩa như vậy, nên Rồng được Nhân dân xứ Tuyên mô phỏng thành mô hình đèn Trung thu khổng lồ và sống động.

Mô hình Cá chép hóa rồng nổi bật trong Lễ hội Thành Tuyên.

Điểm lại các mùa Lễ hội thành Tuyên chúng ta thấy mỗi năm mô hình Rồng lại mang sắc thái riêng, gắn với câu chuyện lịch sử, truyện cổ tích, truyền thuyết hay mong muốn ước vọng của Nhân dân như: Rồng Vàng đất Việt, Việt Nam - dòng máu Lạc Hồng, Song long trảy hội, Cá chép hóa rồng, Rồng vàng huyền thoại, Rồng Phượng trảy hội; Mẹ con nhà Rồng trảy hội…

Với truyền thống lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, Rồng được coi là linh vật gắn với sự phát triển nền văn minh lúa nước. Trong Lễ hội thành Tuyên năm 2023, mô hình Rồng vàng huyền thoại của Nhân dân tổ 6, phường Tân Quang đã đoạt giải Nhất. Trước đó, cũng khai thác về chủ đề Rồng, năm 2022, Nhân dân tổ 6 đã thực hiện mô hình Cá chép vượt vũ môn hóa Rồng. Mô hình hoàn thiện là công sức của cả cộng đồng, từ việc lên ý tưởng, xây dựng chủ đề, thiết kế từng chi tiết và huy động công sức của bà con Nhân dân để thực hiện. Mô hình Rồng vàng huyền thoại có chiều dài xe là 9 m, Rồng có chiều dài 13 m, chiều cao là 4,5 m. Với ý tưởng sáng tạo, tầm vóc của con Rồng được làm bề thế đã mang đến cho Lễ hội Thành Tuyên một mô hình rực rỡ và lung linh. Thông qua mô hình thể hiện niềm tự hào về dòng giống con Rồng, cháu Tiên và là lời nhắc nhở tới các thế hệ thanh, thiếu niên hãy cố gắng học tập, vươn lên để xứng đáng với lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc.

Mô hình Rồng nổi bật trong Lễ hội Thành Tuyên.

Tự hào về cội nguồn dân tộc, trong Lễ hội Thành Tuyên, Nhân dân tổ 2, phường Minh Xuân tham gia với mô hình “Rồng vàng đất Việt”, thể hiện cho sức mạnh, ý chí quật cường của dân tộc, cầu mong cho đất nước luôn được thanh bình và thịnh vượng. Mô hình “Việt Nam - dòng máu Lạc Hồng” của Nhân dân tổ dân phố 1, phường Tân Quang xuất hiện trong Lễ hội Thành Tuyên đã thực sự gây bất ngờ cho du khách. Hình tượng rồng, chim lạc và bản đồ Việt Nam thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng đất nước hùng mạnh, phồn vinh và hạnh phúc. Cũng lấy cảm hứng từ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên, Nhân dân tổ dân phố 9, phường An Tường đã hoàn thiện mô hình “Rồng vàng trảy hội trăng rằm” vô cùng lộng lẫy sắc màu, mang đậm ý nghĩa lịch sử và giáo dục truyền thống.

Khát vọng Phồn thịnh

Dù bước ra từ truyền thuyết, hay truyện cổ tích thì Rồng trong trí tưởng tượng của Nhân dân xứ Tuyên đều vô cùng sống động. Với trẻ em, Rồng thật gần gũi, thân thiện bước ra từ truyền thuyết lịch sử, từ truyện cổ tích đầy sống động; với người lớn, Rồng lại gửi gắm bao ước vọng về một cuộc sống luôn thái bình, thịnh vượng. Mô hình Hoàn trả gươm thần của tổ 25, phường Minh Xuân là minh chứng sinh động về ý nghĩa đó. Mô hình mô phỏng truyền thuyết về người anh hùng dân tộc Lê Lợi sau khi lãnh đạo Nhân dân đánh tan giặc ngoại xâm giành lại giang sơn đất nước, ông đã cưỡi thuyền rồng trên hồ Tả Vọng và hoàn trả gươm thần cho Rùa vàng. Qua mô hình Nhân dân muốn gửi đến thế hệ trẻ Việt Nam hãy phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta để lại; tích cực học tập, lao động và bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Rồng chở bao mong ước, khát vọng về cuộc sống phồn thịnh của Nhân dân.

Trong Lễ hội Thành Tuyên, niềm vui của trẻ nhỏ cũng là khát vọng của người lớn. Chính vì thế, mô hình Cá chép hóa rồng xuất hiện nhiều năm trong Lễ hội Thành Tuyên nhưng chưa mô hình nào lặp lại mô hình nào. Dưới bàn tay tài hoa và sự sáng tạo của Nhân dân, mô hình cá chép hóa Rồng vừa chân thực, vừa quyền uy. Trong văn hóa phương Đông, cá chép hóa rồng là đại diện cho sự nỗ lực, phấn đấu và may mắn.  Do đó mà hình ảnh cá chép hóa Rồng với người phương Đông mang ý nghĩa thể hiện sự kiên trì, thắng lợi, bình an trong cuộc sống và thành công trong học tập, công việc.

Muôn hình vạn trạng - đó là hình ảnh Rồng trong Lễ hội Thành Tuyên. Đó là mô hình Rồng phun lửa đầy kỳ bí; Rồng phun châu nhả ngọc quyền uy,… Thân thuộc hơn cả có lẽ là mô hình “Mẹ con nhà Rồng đi trảy hội” của tổ dân phố 21, phường Tân Quang. Trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, rồng luôn đứng ở một vị trí quan trọng, mang ý nghĩa thiêng liêng, cao quý, sức sống vĩnh hằng. Với hình ảnh mẹ con nhà rồng trong Đêm hội Trung thu, rồng lại trở nên gần gũi, thân thiết, thể hiện mong muốn đời thường của con người, đó là được sống trong ấm no và hạnh phúc.

Điểm lại một số mô hình đèn Trung thu mang chủ đề Rồng, chúng ta thấy điểm chung là các mô hình đều được Nhân dân mô phỏng đầy nghệ thuật, sáng tạo và thể hiện được sức mạnh của loài Rồng. Năm Giáp Thìn 2024 hứa hẹn sẽ bùng nổ những mô hình đèn Trung thu rực rỡ, lung linh trên đường phố. Mỗi tuyến đường Rồng đi qua đều chở những mong ước, khát vọng về cuộc sống ấm no, phồn thịnh cho mỗi gia đình, mỗi làng quê.

Đức Hải

Tin cùng chuyên mục