Thành Tuyên mùa thu mới

- Những ngày mùa thu tháng Tám, thành phố Tuyên Quang như đẹp hơn, tươi mới và tràn đầy sức sống. Sau 77 năm được giải phóng, thành phố đang vươn mình xây dựng nhịp sống mới, trở thành trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của tỉnh Tuyên Quang.

Nhớ mùa thu cách mạng

Trong ngôi nhà xây nhỏ xinh nằm nép mình trên sườn đồi, với hàng hoa tường vi và dâm bụt đang nở rực ngoài sân, chúng tôi được nghe ông Dương Phú Quý (sinh năm 1925), ở thôn Thúc Thủy, xã An Khang (TP Tuyên Quang) kể lại những ký ức đầy hào hùng của lịch sử - những ngày thu cách mạng tháng Tám - 1945, thị xã Tuyên Quang được giải phóng.

Ông Quý năm nay 97 tuổi, 72 năm tuổi Đảng, mái tóc trắng như cước. Ông kể, năm 1944, ông bắt đầu theo Việt Minh. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ở mỗi khu phố của Tuyên Quang chúng lập ra các Bảo An binh và Bảo An điếm do những người Việt thân Nhật cai quản. Tháng 5-1945, khi đang hoạt động ở thị xã thì ông bị lộ và được lệnh rút về Chiến khu, ở Trung đội Nhượng (có hơn 30 người), đóng quân ở Bình Ca, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương). Khi về chiến khu, thấy tình hình chiến khu đang thiếu muối ăn, thiếu súng, ông bàn với trung đội đưa 1 tiểu đội đi trộm muối và súng của Đội Bảo An binh vào lúc chập choạng tối.

Nhờ thông thuộc địa hình, móc nối được với những người Việt làm cho Nhật nhưng có tấm lòng yêu nước (như ông Phúc, chỉ huy Bảo An binh (trước là lính khố xanh), ông Cả Thuyết, chỉ huy Bảo An điếm). Đồng thời, làm tốt công tác địch vận, ông Phú được ông Phúc, ông cả Thuyết, lực lượng bốc vác thuê ở bến sông giúp đỡ. Ông còn được cô Được, cô Lập, cô Thiện (là phiên dịch của Nhật) là ba người phụ nữ đẹp lúc bấy giờ đứng gác, hỗ trợ kìm chế chân địch ở cổng thành của Pháp nơi hiến binh Nhật đóng, được ông Hường thợ chữa khóa nổi tiếng ở phố Tam Cờ giúp đỡ. Nhờ đó, quân ta phá được khóa, lấy trộm được 20 tấn muối, 10 khẩu súng trường của Nhật ở kho Xã Tắc (phía sau Bách Hóa cũ) giao cho ông Khắc Hùng, Phó Chủ tịch thị xã, Chỉ huy Đội Thuyền sắt lấy thuyền sắt từ ở bến sông đối diện khu vực Bách Hóa cũ chở vào chiến khu.

Ông Dương Phú Quý say sưa kể về những chiến công của ông và đồng đội trong mùa thu cách mạng Tháng 8-1945

Với những hoạt động sôi nổi ở Trung đội Nhượng và những chiến công ấy, ông Quý được Thượng tướng Song Hào, phụ trách Phân khu ủy Nguyễn Huệ giao cho nhiệm vụ phụ trách Ban trừ gian. Ngày 16-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Tuyên Quang được thành lập do đồng chí Song Hào làm Chủ tịch, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Đúng 2 giờ sáng ngày 17-8-1945, lệnh khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Tuyên Quang được Thượng tướng Song Hào phát đi. Ông được giao thực hiện nhiệm vụ an ninh. Biến Bảo An điếm của Nhật trở thành cơ sở canh giữ khu phố cho Việt Minh. Sau đó, ông cùng đồng đội nhận mật lệnh trừ gian “tiền trảm hậu tấu”, cắt đứt đường, phá cầu, chặn sự liên lạc của quân địch, không để Quốc dân đảng tổ chức được cơ sở tại Tuyên Quang, đặc biệt là ở khu vực ven sông thị xã. Đến ngày 21-8-1945, Nhật đã đầu hàng, quân ta giành chính quyền, thị xã Tuyên Quang được giải phóng, ông thực hiện nhiệm vụ cho lương thực, cho xăng, cho quân đội hỗ trợ quân Nhật rút lui. Đồng thời, nhận nhiệm vụ đi thông báo cho nhân dân về mít tinh mừng thị xã được giải phóng.

Trong dòng ký ức hào hùng, ông Ma Văn Dần (sinh năm 1926), tổ 2, phường An Tường (TP Tuyên Quang), cán bộ tiền khởi nghĩa, người tham gia giành chính quyền năm 1945 ở thị xã Tuyên Quang từ tay Nhật kể, sau khi nhận được lệnh chuẩn bị tổng khởi nghĩa của đồng chí Song Hào, ông cùng đồng đội di chuyển từ huyện Yên Bình (Yên Bái) về Yên Sơn, sẵn sàng nhận lệnh tiến công giải phóng thị xã. Ông đã cùng đồng đội nhận nhiệm vụ cắt đứt đường, phá cầu, chặn sự liên lạc của quân địch. Lúc bấy giờ, nhân dân xuống đường đông nghịt, biểu tình thị uy, trợ lực cho cuộc tiến công. Tiếng reo hò của nhân dân biểu tình vang như sấm dậy lẫn tiếng súng trận làm rung chuyển cả thị xã. Trước sự tiến công mãnh liệt của quân và dân ta, đến sáng ngày 21-8, thị xã Tuyên Quang được giải phóng. 

Hân hoan niềm vui

77 năm trôi qua nhưng những ký ức về những ngày mùa thu cách mạng tháng Tám vẫn còn vẹn nguyên trong lớp lớp cháu con quê hương Thành Tuyên yêu dấu. Những con phố được đặt tên gắn với mốc thời gian, với tên của những người anh hùng đã làm nên lịch sử như: Đường Song Hào, đường 17/8, đường Chiến thắng sông Lô... Hôm nay, trên chặng đường phát triển mới của thành phố, những con đường, góc phố này càng được mở rộng to đẹp hơn. Nhất là đường 17/8, một trong những trục đường chính của thành phố đã được tỉnh đầu tư xây dựng cụm công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc trong tỉnh và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Ông Ma Văn Dần kể lại ngày giải phóng thị xã Tuyên Quang cho các ĐVTN phường An Tường. Ảnh: Quang Hòa

Cùng với đó, các tuyến đường ven hồ Tân Quang gồm: Nguyễn Văn Linh, Đinh Tiên Hoàng, Hà Huy Tập đã được đầu tư cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp trở thành Tuyến phố đi bộ, với nhiều hoạt động sôi nổi, thú vị cho nhân dân và du khách vào các tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần. Dọc đường Chiến thắng sông Lô, một Công viên cây xanh với biểu tượng 6 bông hoa sen kết nối với nhau cũng sắp được hoàn thành.

Cùng với phát triển hạ tầng giao thông, thành phố đã và đang tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa, phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ. Nhiều lễ hội được khôi phục và bảo tồn. Đặc biệt là Lễ hội Thành Tuyên ngày càng được quan tâm đầu tư và trở thành nét văn hóa đặc sắc, một lễ hội trung thu độc đáo, lớn nhất cả nước, với nhiều kỷ lục đã được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận. 

Một mùa thu mới lại về trên thành phố trẻ, khắc ghi những ký ức hào hùng của mùa thu cách mạng tháng Tám, những người con Thành Tuyên sẽ luôn đoàn kết, nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa thành phố Tuyên Quang trở thành đô thị loại I vào năm 2030.

Ghi chép: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục