Tân Trào lịch sử và tình người

- Tôi đến mảnh đất Tân Trào của tỉnh Tuyên Quang, với sương sớm và lất phất mưa xuân. Chuyến đi trong thời tiết không quá lý tưởng cho hoạt động tham quan, trải nghiệm nhưng sự háo hức đã bao trùm lên tất cả. Ở đó, một Tuyên Quang hào hứng, sôi nổi và tràn đầy cảm xúc đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi.

1. Tôi ở tại địa điểm nhà ông Hoàng Trung Dân thuộc thôn Tân Lập (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương), nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945. Cứ ngỡ chỉ là một ngôi nhà có di tích xưa nhưng khi đến đó, ở đó, tôi cảm nhận và tưởng tượng một không khí hào hùng năm nào. Căn nhà sàn khi xưa giờ đã trở thành điểm du lịch được nhiều người biết tiếng, đoàn nọ nhóm kia ra vào tấp nập.

Du khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Làng Tân Lập là một điểm đến tạo thành kỷ niệm, đó là cảm nhận của nhóm du khách đến từ miền Nam. Trên mảnh đất Tân Trào này, dù quá khứ đã đi qua nhưng cảm xúc còn đọng lại mãi. Thời đại công nghệ cao, chỉ cần một chiếc điện thoại di động là đủ để lưu lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Nhưng hôm đó, trong một chiều tháng Ba, đoàn du khách không chụp ảnh nhiều mà chỉ ngắm nhìn và nghĩ suy. Ngôi làng với con đường nhỏ đơn sơ nhưng lại mang đến cho chúng tôi không khí của cả một thời kỳ lịch sử.

Tôi rảo bước đến trước cổng nhà văn hóa Tân Lập. Đây là công trình được chính những người lao động của huyện Sơn Dương chung tay đóng góp mà thành. Ngôi nhà khang trang và là nơi họp mặt của chính những người dân góp một tay bảo tồn và gìn giữ quang cảnh cũng như sự nồng hậu đón tiếp hàng đoàn du khách từ xa đến nơi đây. Cái tình và sự thân ái của bà con vẫn còn đọng lại mãi trong chúng tôi ngày ấy. Không chỉ tạo cảnh quan và điểm nhấn cho ngôi làng văn hóa lịch sử Tân Lập, nơi đây còn thể hiện tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang ngày càng gắn bó, khăng khít.

2. Tôi đến bên khu vực nơi những cây đa lịch sử vẫn còn hiện diện dáng hình. Đi quanh hỏi han, bà con ai cũng niềm nở cất tiếng chào và giới thiệu về di tích đặc biệt này. Trong câu nói của người dân, sự tự hào và tiếc nuối đan xen và chúng tôi, những người có cơ duyên đặt chân đến nơi đây cứ dạt dào cảm xúc.

Cây đa là một phần của thiên nhiên nhưng cũng chứng kiến bao sự kiện lịch sử lớn của đất nước. Người dân coi trọng và trân quý kỷ niệm cây đa ông và cây đa bà, lúc nào cũng mong muốn câu chuyện nơi đây được truyền lại cho đời sau và lan tỏa đến mọi người. Bây giờ, những cây đa thế hệ mới ngày ngày đâm chồi, phát triển khỏe mạnh, như khẳng định rằng dù thời gian đã trôi qua bao nhiêu năm nhưng tinh thần xuất quân của chiến sĩ ta còn vang vọng đến ngày nay. Khu căn cứ cách mạng Tân Trào “Thủ đô Khu Giải phóng, Trung tâm Thủ đô Kháng chiến” đã được công nhận là Khu Di tích Quốc gia và ai cũng tưởng tượng thấy không khí hào hùng khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1, quân Việt Nam Giải phóng đã xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội.

Đi tiếp nửa cây số từ cây đa Tân Trào, chúng tôi đến Đình Tân Trào. Đến đây, không khí trở nên đông đúc hơn vì các đoàn du khách đến tấp nập trong dịp cuối tuần. Nơi họp Quốc dân Đại hội năm 1945 chỉ trong một không gian nhỏ mà tinh thần còn đọng lại và đọng lại ở trong tâm trí những con người của thế kỷ hai mốt qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên. Nhiều người đến di tích này đã biết về sự kiện lịch sử đã diễn ra tại ngôi đình này cũng như những kiến thức nơi đây, nhưng được đặt chân đến, trực tiếp nhìn và chứng kiến.

Đến Tân Trào, hầu như mọi du khách đều muốn có được thứ cảm xúc trân quý của lịch sử. Câu chuyện được nghe tại lán Nà Nưa và những căn lán xung quanh như kéo tôi về vùng trời ấm áp của tinh thần giải phóng dân tộc từ nhiều năm về trước. Lán nhỏ nhắn mà tràn đầy vẻ vang. Lán hiện lên rõ ràng dấu ấn của thời gian, cũng để nhắc nhỏ người nay không bao giờ quên đất nước chúng ta đã từng có những con người như thế sống ở nơi đây.

Du khách trải nghiệm hát Then trên hồ Nà Nưa.

3. Đã lâu mới quay lại Tân Trào, nhưng cảm giác tươi mới đã vây kín trong lòng chúng tôi, và có lẽ đó cũng là cảm giác của nhiều vị khách du lịch đã đặt chân đến mảnh đất tươi đẹp này. Du lịch Tuyên Quang nói chung và Tân Trào nói riêng đang phát triển thật mạnh mẽ!

Chúng tôi ngồi trên bè, cảm nhận rõ nước sóng sánh dưới chân hòa cùng giọng hát Then vút ca, da diết. Người ca sĩ, nghệ nhân có gần hai chục năm kinh nghiệm do được thừa hưởng truyền thống gia đình từ nhỏ. Bè mảng trôi trên hồ Nà Nưa không lững lờ mà như kéo du khách chảy theo dòng lịch sử, từ thế kỷ trước cho đến ngày nay. Đến bài “đi học” thì tất cả du khách đều quen thuộc và hát theo. Rồi bè dừng lại ở điểm “check-in” bên hồ với đầy hoa lá đẹp tuyệt vời. Đó là công sức của những con người làm việc ở đây với mong muốn được tạo nên một điểm tham quan đẹp đẽ, gây ấn tượng cho du khách khi đến Tuyên Quang.

Có thể nói, một điểm đến dù được thiên nhiên ưu đãi hay có nét văn hóa độc đáo nhưng nếu không tự làm mới mình thì cũng sẽ không thu được thành công. Từ sự phát triển cơ sở hạ tầng cho đến nâng cấp về dịch vụ du lịch, Tân Trào trở thành nơi đáng đến trong cung đường Trung du và miền núi phía Bắc. Các điểm du lịch ở Tân Trào đẹp mà đời. Dù còn giản dị nhưng có bề dày lịch sử là điểm độc đáo tạo hứng thú cho du khách tìm đến tham quan. Mạng lưới giao thông đến các tuyến, điểm du lịch đã thuận tiện hơn. Đến với Tân Trào, tôi cảm nhận thấy nơi đây không đầu tư ồ ạt mà làm có trọng điểm, xây dựng hệ thống du lịch ngày một hoàn chỉnh hơn, nâng cao cả số lượng và chất lượng. Đó là việc làm cần thiết để phát triển du lịch một cách bền vững.

Cảnh đẹp thiên nhiên hay những di tích lịch sử, nếu không có bàn tay chăm sóc của người ở hiện tại thì không thể phát huy hết giá trị văn hóa và tinh thần. Một điểm đến hoàn hảo không hẳn phải là nơi thỏa mãn đầy đủ về vật chất mà quan trọng hơn là cảm xúc và phục vụ tốt cho tinh thần của du khách. Từng đoàn người đông đúc với vẻ mặt thành kính cũng đã đủ cho thấy khai thác du lịch luôn song hành và gắn bó mật thiết cùng lịch sử và văn hóa của mỗi địa phương.

Tân Trào có sự nồng hậu với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, đó là cơ sở để tin tưởng rằng điểm đến này sẽ ngày càng phát triển, là tiền đề để xây dựng các tuyến du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa đặc sắc trong tương lai.

Đinh Thành Trung (Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục