Tăng tính chuyên nghiệp

- Tài nguyên xứ Tuyên rất đa dạng và phong phú. Mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân tộc lại có những nét đặc trưng về tự nhiên và văn hóa khác nhau. Để phát huy tiềm năng thế mạnh về du lịch, tăng tính chuyên nghiệp cho hoạt động du lịch cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu. Dưới đây là một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số du lịch

Ông Nguyễn Trung Hiếu

Giám đốc VNPT Tuyên Quang

Du lịch thông minh hiện đang là xu hướng phổ biến, được khách hàng ưa chuộng và đón nhận rất tích cực. Bằng việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, bản đồ số du lịch, tra cứu thông tin du lịch; dịch vụ lưu trú, ẩm thực, mua sắm, giải trí, các dịch vụ tiện ích hệ thống giúp du khách lên kế hoạch, đặt phòng nhanh chóng, định vị điểm đến và dẫn đường thông minh qua bản đồ tương tác.  Đặc biệt, việc ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động: APP Tuyenquang tourism còn giúp cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp các công cụ thống kê, báo cáo, quản lý thông tin từ người dùng và doanh nghiệp; quản lý phản hồi, góp ý của du khách về giá cả, chất lượng dịch vụ du lịch; phân tích, dự báo xu hướng phát triển du lịch trong tương lai để có giải pháp phát triển. So với cách làm truyền thống thì ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số du lịch đã mở ra những cách thức quảng bá mới, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tìm hiểu tất cả thông tin cần thiết về du lịch.


Xây dựng hệ thống tham quan thực tế ảo

Đồng chí Lê Thanh Sơn

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thực hiện Đề án “Xây dựng hệ thống Du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Tuyên Quang đã duy trì hiệu quả Cổng thông tin du lịch thông minh, quảng bá thông tin du lịch Tuyên Quang tại địa chỉ https://Mytuyenquang.vn và app “TuyenQuang tourism” dành cho thiết bị di động tích hợp bản đồ số du lịch.

Để phục vụ khách du lịch tham quan, ngành Du lịch tỉnh đã phối hợp với các đơn vị xây dựng và đưa vào sử dụng được 19 điểm tham quan thực tế ảo (VR360) các điểm du lịch của tỉnh, trong đó có 13 điểm trên địa bàn huyện Na Hang, Lâm Bình và 6 điểm trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Tại các điểm du lịch này, khi du khách đến tham quan chỉ cần quét mã QR trên điện thoại thông minh, khách tham quan có thể tham quan bằng công nghệ 3D. Với 3 chế độ xem, góc nhìn 3D đa chiều xoay 360o, hình ảnh các điểm du lịch hiện ra sắc nét, chi tiết, có giọng đọc giới thiệu thuyết minh về lịch sử, kiến trúc, giá trị của các điểm du lịch này bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trải nghiệm thực tế ảo VR360 cung cấp một cái nhìn đầy đủ và chi tiết hơn về các điểm du lịch hấp dẫn của Tuyên Quang. Thêm vào đó, trải nghiệm qua VR 360 cho phép du khách dự đoán trước về khí hậu, tình trạng giao thông, địa hình...


Nâng cao nhận thức về số hóa di sản

TS. Hà Thúy Mai

Trưởng khoa Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Tân Trào

Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu với tất cả lĩnh vực, số hóa di sản giúp lưu giữ bền vững, toàn diện di sản, thuận lợi trong công tác quản lý, nghiên cứu, giúp di sản đến gần hơn với cộng đồng, kể cả những người ở xa. Để số hóa di sản cần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số đối với nhà quản lý, người làm công tác chuyên môn, cộng đồng để cùng có kiến thức về số hóa di sản dẫn đến cùng đồng thuận chung tay xây dựng số hóa di sản. Cần sử dụng những nhân lực chuyên trách về  công nghệ trực tiếp thực hiện số hóa di sản cùng sự phối hợp chặt chẽ với người làm công tác chuyên môn và nhà quản lý. Thực hiện số hóa di sản giúp đưa dữ  liệu văn hóa vào cuộc sống, giúp cộng đồng tiếp cận dễ dàng với di sản, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.


Bảo tồn, phát huy giá trị của di sản qua môi trường số

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Đại Hồng,

Chi hội văn nghệ dân gian Tuyên Quang

Nhiều năm qua,  tôi tích cực nghiên cứu, tạo ra từ điển tiếng Tày trên không gian mạng. Tôi thấy rất thuận lợi, nhanh chóng hiệu quả, giúp cho nhiều người tiếp cận hơn với văn hóa Tày, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó việc bảo tồn di sản Tuyên Quang qua môi trường số vô cùng cần thiết, mang lại nhiều lợi ích cho việc bảo tồn và truyền đạt di sản văn hóa. Đây được coi là xu hướng tất yếu nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ... Thực tế theo dòng chảy thời gian, nhiều phong tục tập quán, di sản phi vật thể dần mai một do đó, việc số hóa sẽ giúp gìn giữ di sản và không bị lãng quên, còn mãi với thời gian.

Do đó thời gian qua, Chi hội văn nghệ dân gian Tuyên Quang thường xuyên vận động các hội viên tích cực nghiên cứu, tìm hiểu thực hiện bảo tồn tác phẩm nghiên cứu về di sản văn hóa Tuyên Quang.


Thực sự tiện ích

Chị Phùng Ngọc Hằng

Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội)

Tôi rất mừng trong 1 lần tìm kiếm thông tin du lịch Tuyên Quang đã truy cập Cổng du lịch thông minh của tỉnh tại link: https://Mytuyenquang.vn và app “TuyenQuang tourism” có tích hợp bản đồ số du lịch. Kho dữ liệu du lịch thông minh rất đa dạng, cung cấp thông tin về các khu, điểm du lịch; doanh nghiệp lữ hành; nhà hàng; cơ sở lưu trú du lịch; hiển thị vị trí của các cây ATM… đồng thời cập nhật cả các sự kiện văn hóa nổi bật tại điểm đến, thông tin hỗ trợ giao thông, thời tiết, các điểm vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch, điểm mua sắm... giúp người dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin, đặt dịch vụ, mua sắm trực tuyến. Tôi nghĩ việc số hóa dữ liệu du lịch như vậy rất tiện ích, tạo cảm giác chu đáo, chuyên nghiệp và thân thiện khi khách đến trải nghiệm du lịch xứ Tuyên.

Tin cùng chuyên mục