Tín hiệu từ những hội sách
Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, hàng năm các tỉnh, thành đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng, trong đó tổ chức các hội sách là hoạt động thực tế thu hút nhiều người tham gia. Đó là địa điểm mà nhà xuất bản, bạn đọc và tác giả gặp gỡ nhau, là nơi người trẻ, người già, không phân biệt tuổi tác, địa vị, ngành nghề cùng sống chậm lại, chìm vào không gian sách và lựa chọn cho mình một “người bạn mới” để gắn bó, đồng hành. Tại nhiều thành phố lớn, cùng với những gian hàng trưng bày và giới thiệu sách, nhiều hoạt động như giao lưu giữa bạn đọc và tác giả, giao lưu giữa dịch giả, nhà xuất bản và bạn đọc, ký tặng sách… cũng góp phần tạo nên thành công trong những ngày hội.
Những hội sách thu hút nhiều độc giả, đặc biệt là những độc giả trẻ có thể được coi là tín hiệu vui cho sự phát triển của văn hóa đọc trong giới trẻ cũng như cộng đồng. Trở về quê hương đúng vào tuần lễ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam đang diễn ra, em Nguyễn Kiên Trung, tổ 17, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) hiện đang là sinh viên năm thứ nhất, Trường Học viện Tài chính (Hà Nội) tranh thủ cùng bạn đến nhà sách lựa chọn cho mình cuốn sách yêu thích.
Thư viện xanh Trường Tiểu học và THCS Phú Thịnh được xây dựng nhằm tạo không gian đọc sách cho các em học sinh.
Em chia sẻ, các hội sách thường có nhiều chương trình tặng quà, giảm giá, khuyến mãi nên thu hút đông đảo các bạn học sinh, sinh viên. Tuy nhiên đó không phải là điều kiện tiên quyết, các bạn phải thật sự thấy việc đọc sách là cần thiết, yêu thích việc đọc thì mới có thể chìm vào những không gian đọc và tự khám phá niềm yêu thích của bản thân mình.
Để xây dựng văn hóa đọc
Những hội chợ sách, hội chợ sách cũ, đường sách Tết, hội sách chào Hè hay những ngày hội đọc sách được tổ chức trong các trường học đều hướng đến mục tiêu tạo niềm cảm hứng, khơi dậy động lực cho người đọc sách. Đây được coi là bước đầu tiên đưa sách - nơi khởi nguồn tri thức đến gần hơn với độc giả.
Em Trần Hồng Minh, lớp 12A, Trường THPT Chuyên chia sẻ, nếu như trước đây chúng em đã từng ước ở Tuyên Quang có hội sách thì giờ đây mỗi năm có từ 2 - 3 lần các công ty sách, nhà xuất bản tổ chức hội sách tại Tuyên Quang. Tại đây, chúng em đã được tiếp cận với nhiều đầu sách mới, nhiều thể loại, được lựa chọn những cuốn sách cần thiết và phù hợp với bản thân để mở mang thêm kiến thức.
Các trường học cũng là nơi thể hiện rõ nhất chức năng, sức mạnh của văn hóa đọc và là nơi nuôi dưỡng tình yêu sách với thế hệ trẻ. Hiểu được điều đó, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, đầu tư, xây dựng thư viện, thư viện xanh, khuyến khích việc đọc bằng việc bố trí những giờ đọc sách, phát động tuần lễ đọc sách, thi giới thiệu sách trong các hoạt động ngoài giờ…
Chia sẻ thêm về việc đọc trong nhà trường, thầy giáo Trương Hữu Việt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phú Thịnh, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) cho biết, nếu như những năm trước đây điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, các em học sinh chưa được tiếp cận với nhiều sách mới thì giờ đây nhà trường đã được quan tâm đầu tư thư viện. Nguồn sách cũng được xã hội hóa để làm phong phú và giúp các em học sinh có nhiều lựa chọn cho việc đọc của mình.
Học sinh Trường THCS Khuôn Hà, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) hào hứng với các cuốn sách mới do Báo Tuyên Quang gửi tặng.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng văn hóa đọc chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt trong thời đại 4.0, khi nhiều người trẻ bị cuốn theo những thú vui giải trí mới ngắn hạn như các trò chơi điện tử, video clip ngắn… Đọc sách cần phải được tạo dựng như một thói quen cần được “lây lan”. Khi trong một gia đình, nếu bố mẹ đọc sách, con cái cũng sẽ đọc sách.
Trong lớp học, thầy cô, bạn bè đọc sách thì bản thân các bạn trẻ có động lực để đọc sách. Đã qua rồi một thời các bạn trẻ hết giờ học đi thật nhanh ra bưu điện gần nhất để mua cuốn Hoa học trò hay chờ một tập truyện mới ra, lần lượt đọc và chuyền tay nhau… Khơi dậy được sự khao khát tìm kiếm thông tin, mong muốn được mở mang kiến thức và nuôi dưỡng tâm hồn qua sách là trách nhiệm của cả cộng đồng nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa đọc.
Truyền thông cũng là một trong những kênh quan trọng trong giới thiệu sách, qua đó giúp bạn đọc tìm được những cuốn sách phù hợp với nhu cầu của bản thân. Những năm qua, Báo Tuyên Quang duy trì chuyên mục giới thiệu sách, đa dạng hóa việc đưa thông tin đến với độc giả. Sách không chỉ được giới thiệu qua các bài viết, hình ảnh mà còn được giới thiệu qua các video, podcast với nhiều dòng sách như truyện thiếu nhi, sách trinh thám, sách văn học… Đây cũng là cách vừa quảng bá, vừa thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.
Có một câu nói nổi tiếng: “Không có nổi hai người từng đọc một cuốn sách y hệt nhau” để nói rằng mỗi người bằng vốn sống, tư duy, cảm nhận của mình sẽ có thông tin, cảm xúc, suy nghĩ khác nhau khi đọc một cuốn sách. Không chỉ giúp mở mang kiến thức, nuôi dưỡng toàn diện cho tâm hồn, sách còn là “kim chỉ nam” dẫn đường trên mọi hành trình của cuộc đời.
Gửi phản hồi
In bài viết