Dành 7 ngày viết quyết tâm thư
Trong ký ức thời thanh xuân của ông Phạm Đình Chi, hội viên Hội Cựu TNXP xã Tứ Quận (Yên Sơn) thì 7 ngày viết đơn xin thề mãi là kỷ niệm không quên. Nhận nhiệm vụ đặc biệt vào năm 1961, khi tuổi ngoài đôi mươi, ông vô cùng háo hức xách ba lô lên đường để lại con thơ và người vợ hiền nơi quê nhà. Ông chia sẻ: Ngày đó, cứ bảo đi là đi, dù chưa biết nhiệm vụ là gì. Sau khi hành quân từ quê nhà Thái Bình, ông và đồng đội dừng chân Tuần Giáo (Điện Biên). 7 ngày sau đó, mọi người được nghỉ ngơi và thực hiện duy nhất một nhiệm vụ là viết quyết tâm thư. Mỗi ngày viết một quyết tâm thư với cùng một nội dung, tối đến gửi cho chỉ huy. Cứ thế, lặp lại trong 7 ngày. Ông còn nhớ như in dòng chữ: “Khi ra đi lòng tôi bao lưu luyến, nhưng nghĩ đến ngày mai tôi quyết tâm vững bước lên đường…”.
Đoàn quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào thăm lại chiến trường xưa (tháng 2-2023).
Qua 7 ngày viết quyết tâm thư, thấm nhuấn về tư tưởng và hành động, mọi người được hành quân sang nước bạn Lào, đóng quân tại D5, thượng Lào để mở tuyến đường Phongsaly. Lúc này, ông và đồng đội mới biết đó chính là nhiệm vụ quốc tế đặc biệt của TNXP. Mưa rừng, sốt rét, biệt kích… luôn trực chờ nên các ông được chăm sóc đặc biệt. Ngày nào ông cũng được phát 4 viên thuốc sốt rét và uống dưới sự giám sát của lực lượng quân y. Ấy vậy, vẫn có người không thoát được cơn sốt rét, mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân bên nước bạn Lào. Nói đến đây giọng ông chùng xuống. Đôi mắt của người cựu TNXP đã 85 tuổi đỏ hoe, rịn ra những giọt nước mắt chua xót và cay đắng.
Hơn một năm làm nhiệm vụ mở đường Phongsaly đã tôi luyện lên những người TNXP dũng cảm, can trường. Những khó khăn, nghiệt ngã nơi chiến trường đã xây nên tình bạn, tình đồng đội bền chặt, keo sơn. Để rồi, khi trở về quê nhà, ông Chi luôn đau đáu phải làm gì đó cho những cựu TNXP. Vì thế, trên cương vị là Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Sơn (từ năm 2013 đến 2021), ông đã cùng tập thể hội làm nhiều việc nghĩa tình: xây dựng Quỹ nghĩa tình đồng đội, giải quyết chế độ chính sách cho hội viên; thăm hỏi, giúp đỡ, động viên hội viên khó khăn, đau yếu. Đến nay, dù đã thôi giữ cương vị là Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Sơn, ông vẫn đau đáu với việc chăm lo đời sống cho hội viên, giải quyết chế độ chính sách cho hội viên. Những hồ sơ còn đang chờ giải quyết liên quan đến cựu TNXP khiến ông mãi day dứt.
Tiếng hát át tiếng bom
Nhắc về quãng thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân, bà Lê Thị Hồng Lợi, hội viên Cựu TNXP phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) luôn khẳng định, đó là kỷ niệm phá đá, lấp bom mở đường từ Nghệ An trở vào, những năm 60 - 70. Bà bảo, ngày ấy tuổi trẻ nhiệt huyết lắm. Ai cũng háo hức viết đơn tình nguyện tham gia chiến trường, bất chất hiểm nguy. Vì thế, khi làm nhiệm vụ đào đá, lấp hố bom mở đường Trường Sơn, các TNXP ở Tiểu đoàn 471 đều hừng hực khí thế. Ai cũng nằm lòng khẩu hiệu: Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm. Và huyền thoại về sự hy sinh của 11 cô gái, 2 chàng trai TNXP của Tiểu đội 2 - “Tiểu đội thép” của Đại đội Thanh niên xung phong 317 ở Truông Bồn, Đô Lương, tỉnh Nghệ An là sự khẳng định về lời thề sắt son của TNXP thời ấy.
Bà Trần Thị Thính, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Tứ Quận (Yên Sơn) chia sẻ về kỷ niệm chương đạt được thời TNXP.
Bà nói trong rưng rưng: Chiến tranh là thế. Đó là nỗi đau, là mất mát không thể bù đắp. Nhưng những TNXP vẫn hết sức lạc quan, lấy tiếng hát át tiếng bom. Tối về, ngủ dưới hầm, các chị lại cất cao tiếng hát, xua tan những gian khổ, khó khăn sau những giờ lao động căng thẳng, mệt mỏi và hiểm nguy. Bà thấy mình vô cùng may mắn khi vẹn nguyên trở về, xây dựng cuộc sống mới. Vì vậy, bà tích cực phát triển kinh tế. Gia đình bà luôn duy trì nuôi lợn, nuôi gà và chăm sóc hơn 6 sào ruộng. Dù không phải chăn nuôi quy mô lớn nhưng với bà, còn sức còn cống hiến, đó chính là nhiệt huyết, là khí thế của TNXP.
Tiếng hát át tiếng bom không chỉ xua đi tiếng bom rơi, đạn nổ của đế quốc Mỹ mà còn kết nối bao tâm hồn của lứa tuổi thanh xuân. Bà Phạm Thúy Mơ, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Tuyên Quang nhớ lại, ngày đó bà là Bí thư Đoàn của đơn vị nên phụ trách thêm mảng văn hóa văn nghệ. Tiếng hát của những nữ TNXP cất lên lúc bấy giờ có lẽ là nốt nhạc đẹp nhất trong cận kề sự sống và cái chết. Vì thế, các bà nhận được rất nhiều thư tay của bộ đội. Tuổi trẻ tinh nghịch, các bà cùng nhau đọc thư tay, rồi chọn ra bức thư viết đẹp nhất, hay nhất đọc đi, đọc lại. Chuyện tình đẹp của bà Phạm Thúy Mơ, TNXP đơn vị C359 - N39, bảo vệ tuyến đường ở miền Tây Quảng Bình với ông Phạm Văn Bồng, Đại đội C5N25 chính là cái kết đẹp sau những bức thư tình đầy ắp kỷ niệm ấy.
Còn đó những trăn trở
Trong các tổ chức hội, thì hội Cựu TNXP là tổ chức mà số lượng hội viên ngày một già đi. Nhìn con số hội viên cựu TNXP toàn tỉnh: 1.661 hội viên cựu TNXP, 99 hội viên già yếu không vận động được, 31 hội viên đã qua đời khiến chúng ta không khỏi day dứt. Vì thế, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; giải quyết chế độ chính sách cho hội viên là hoạt động mà các tổ chức hội đã và đang thực hiện.
Hiện nay toàn tỉnh có 94 hội, chi hội cơ sở. Với vai trò là nhân chứng lịch sử, các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các chế độ chính sách cho TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Đến nay, hầu hết các cấp hội đã hoàn thành việc phối hợp rà soát, thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng chế độ, chính sách cho hội viên cựu TNXP. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, hội đã rà soát và thẩm định hồ sơ cho 25 trường hợp đề nghị được hưởng chế độ chính sách. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hồ sơ chưa được giải quyết.
Bà Trần Thị Thính, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Tứ Quận (Yên Sơn) cho biết: Toàn hội có 15 hội viên thì vẫn còn hồ sơ của 4 hội viên liên quan đến chế độ chính sách chưa giải quyết xong. Các hội viên đều đã được nhận kỷ niệm chương TNXP, giờ tuổi cao, sức yếu, họ có nguyện vọng hưởng chế độ một lần. Vẫn biết các thủ tục liên quan đến giải quyết chế độ chính sách cho TNXP khá phức tạp, liên quan đến nhân chứng lịch sử nhưng bà vẫn mong muốn hồ sơ được giải quyết sớm nhất có thể, để động viên và bù đắp phần nào về tinh thần cho cựu TNXP.
Ngôi nhà khang trang của gia đình bà Trần Thị Thính, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Tứ Quận (Yên Sơn).
Hội Cựu TNXP thành phố Tuyên Quang cũng đang phối hợp giải quyết hồ sơ liên quan đến chế độ chính sách cho cựu TNXP. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có 16 trường hợp được hưởng chế độ chính sách theo quy định, còn 3 trường hợp đang phải kê khai lại hồ sơ.
Cùng với nhiệm vụ nhân chứng lịch sử, các cơ sở hội duy trì hiệu quả phong trào Làm kinh tế giỏi vì nghĩa tình đồng đội. Toàn hội có 33 mô hình hội viên làm kinh tế giỏi, trong đó có 16 mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, tạo việc làm cho hàng chục con, cháu, người thân cựu TNXP. Tiêu biểu như mô hình kinh doanh tổng hợp của hội viên Tô Thị Thêm, xã An Khang (TP Tuyên Quang) tạo việc làm cho 7 lao động địa phương; mô hình trồng trọt, kinh doanh tổng hợp của các hội viên Nguyễn Văn Dũng, xã Thái Long; gia đình hội viên Mai Thị Quý, xã Lưỡng Vượng... Các cựu TNXP làm kinh tế giỏi còn đóng góp ủng hộ quỹ hội, góp phần tích cực trong việc xóa hộ nghèo trong cựu TNXP. Toàn tỉnh hiện có 91/91 hội, chi hội xã, phường, thị trấn xây dựng được “Quỹ nghĩa tình đồng đội” với tổng số tiền trên 830 triệu đồng, bình quân trên 500 nghìn đồng/hội viên. Trong 6 tháng đầu năm, Hội Cựu TNXP tỉnh đã tiếp nhận 90 suất quà tặng cho các gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trích “Quỹ nghĩa tình đồng đội” tặng 31 suất quà cho hội viên nghèo; các huyện hội, thành hội thăm hỏi trên 150 hội viên ốm đau, mừng thọ cho 45 hội viên... Những suất quà tuy nhỏ, nhưng đã kịp thời động viên, khích lệ tinh thần vươn lên rất lớn đối với hội viên khó khăn.
Nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30-4-1975 - 30-4-2023), Hội Cựu TNXP tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức cho đoàn cán bộ hội hành trình trở lại thăm chiến trường xưa. Đoàn đã dâng hương tại Truông Bồn - Nghệ An, Ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh, Thành Cổ, nghĩa trang Trường Sơn - Quảng Trị. Chuyến đi đã để lại ý nghĩa thiết thực đối với cán bộ, hội viên, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP anh hùng cho cán bộ, hội viên.
Gửi phản hồi
In bài viết