Theo dấu chân Bác Hồ

- 8 thập kỷ đã qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến Tuyên Quang lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đất và người Tuyên Quang vẫn khắc ghi hình ảnh cụ già mặc áo nâu sòng, giản dị và ấm áp. Những ngày tháng Năm lịch sử, trở về những địa danh nơi Người đã từng sống, làm việc, tình cảm của những người dân Tuyên Quang với Người vẫn vẹn nguyên như ngày nào.

“Núi sông rạng rỡ tên Người…”

Tân Trào (Sơn Dương) địa danh ghi dấu ấn đậm nét về những ngày tháng sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang. Nơi đây lưu giữ những di tích, những tư liệu lịch sử vô giá về Bác Hồ và Trung ương Đảng những ngày tiền khởi nghĩa và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ lán Hang Bòng, lán Nà Nưa, đình Hồng Thái, đình Tân Trào, làng Tân Lập…

Ở Tân Trào, gần như trong nhà người dân nào, cũng có ảnh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều nhà trang trọng đặt bàn thờ Bác Hồ, cùng với bàn thờ gia tiên, như một cách nhắc nhở con cháu, về những tháng ngày gian khổ mà tự hào ấy.

Bàn thờ Bác Hồ trang trọng trong ngôi nhà ông Nguyễn Tiến Sự, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) luôn nghi ngút khói hương.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long (nay là làng Tân Lập), xã Tân Trào (Sơn Dương) vinh dự là nơi Bác Hồ ở khi Người từ Pác Bó, Cao Bằng về Tân Trào từ ngày 21-5 đến cuối tháng 5 - 1945. Bác ở đây trước khi rời lên lán Nà Nưa. Cháu ông Sự, ông Nguyễn Văn Bế kể, bàn thờ Bác Hồ được các cụ đặt từ ngày cụ Hồ mất. Mỗi lần nhìn thấy ánh mắt thân thương, trìu mến và nụ cười ấm áp của Bác, tôi luôn thấy bình an, con cháu trong nhà bảo ban nhau cố gắng làm ăn mỗi ngày để tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của Bác.

Không chỉ ở Tân Trào, nhiều nơi trên đất Tuyên Quang đã trở thành di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Làng Sảo, Lũng Tẩu, Vực Hồ, Kiên Đài, Kim Bình, Kim Quan, Hùng Lợi, Minh Thanh, Bình Yên, Mỹ Bằng, Hang Bòng... Mỗi địa danh, mỗi hình ảnh, con suối, cây rừng, ngôi nhà đều gắn với một sự kiện lịch sử, một câu chuyện về Bác Hồ và những người ưu tú của dân tộc đã chỉ ra đường lối kháng chiến đi đến thắng lợi.

Lũng Trò, thuộc thôn 5 xã Trung Trực (Yên Sơn) những ngày này như rộn ràng hơn. Nhà bia Di tích nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cuối năm 1948 đến đầu năm 1949 vừa được khánh thành, khóm hoa Bác Hồ trồng năm nào vẫn lên xanh tốt.

Bên ấm trà nóng hổi, ông Ma Phúc Quý, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Trung Trực, vẫn nhớ như in lời kể của cha mình. Cha ông là cụ Ma Phúc Nghiêm, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Trung Trực năm 1948, 1949. Cụ kể, cuối năm 1948, có 5 người lạ mặt đi vào làng, 2 người vào nhà cụ Nghiêm xin nước uống. Cụ Nghiêm vẫn nhớ, trong số 5 người, có 1 người mặc chiếc áo chàm, đầu đội chiếc nón lá. Cụ Nghiêm khi ấy được giao nhiệm vụ vận động bà con đóng góp gạo nuôi cán bộ.

Trong thời gian Bác ở và làm việc tại Lũng Trò, cán bộ và nhân dân địa phương đều không biết cụ già thường mặc áo chàm của người dân tộc Tày, đi đôi dép cao su, đội chiếc nón lá, không quản ngày đêm hăng say làm việc, phong cách giản dị thanh cao là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà chỉ biết đây là Việt Minh. Một lòng theo cách mạng, người dân nơi đây tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “ba không”, không qua lại Lũng Trò để giữ bí mật, bảo vệ cán bộ. Tuy chỉ có 21 ngày làm việc ở Trung Trực nhưng khi ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến. Người đã viết thư thăm hỏi, động viên, khích lệ nhân dân hăng hái thi đua ái quốc để huy động sức mạnh vật chất và tinh thần của khối đại đoàn kết dân tộc vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cho đến nay, người dân xã Trung Trực vẫn giữ trọn tình yêu lớn lao với vị Cha già dân tộc. Ông Nguyễn Thanh Hùng, người dân ở gần Di tích cũng là người chăm sóc cây hoa Bác Hồ không khỏi tự hào, khi Bia di tích vừa được xây dựng lại và trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ ở Trung Trực nói riêng và các xã lân cận nói chung.

Bia di tích nơi Bác Hồ ở Lũng Trò, nay thuộc thôn 5, xã Trung Trực (Yên Sơn) được xây dựng, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tự hào đi lên

Đến Tân Trào những ngày này, một xã trung tâm rộn ràng và ngập tràn màu sắc khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào Hà Văn Tiệp khẳng định, tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Tân Trào đều gắn với những việc làm cụ thể. Đặc biệt, năm 2024, với mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao, Tân Trào đang nỗ lực hoàn thành từng phần việc, với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thia Đỗ Thị Hậu dẫn khách thăm những ruộng dưa chuột, ruộng ớt trĩu quả khoe: Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang giúp đời sống bà con thôn Thia được nâng lên từng ngày. Trong đó, phát huy vai trò đảng viên đi trước, những đảng viên ở thôn là những người tích cực trong việc đưa những giống cây trồng vào trước, rồi vận động bà con làm theo. Như nhà chị Hậu, 5 sào ớt mỗi vụ cũng cho thu nhập 15 - 20 triệu đồng. Hay như nhà đảng viên Nguyễn Thị Ngần, Nguyễn Dương Trung mỗi vụ thu 70 - 80 triệu đồng từ tiền trồng dưa chuột...

Kim Bình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Đại hội II của Đảng cũng đang nỗ lực từng bước về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Học tập tấm gương, đạo đức của Người, mọi phần việc đều lấy dân làm gốc, Kim Bình đoàn kết, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, nỗ lực sản xuất, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. Đến nay Hội Nông dân xã đã thành lập được 3 tổ hội nông dân nghề nghiệp, gồm: Tổ chăn nuôi ốc, tổ trồng gấc và tổ chăn nuôi lợn đen thả đồi, mỗi tổ có từ 11 - 20 thành viên tham gia. Hội Phụ nữ xã ra mắt mô hình “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” tại chi hội phụ nữ thôn Kim Quang để tuyên truyền về việc thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, “5 có, 3 sạch”; hướng dẫn hội viên thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm Sumitri; đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” gắn với Phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thông qua nhiều việc làm thiết thực của hội viên Hội Phụ nữ như: Tổ chức trồng tuyến đường hoa mẫu dài 120 m, xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê” tại thôn Kim Quang, thành lập các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng hầm bể Biogas gắn với giảm nghèo.

Không chỉ vậy, Kim Bình hình thành các mô hình sản xuất lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết của xã, như: mô hình trồng chanh leo liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn NaFoods; mô hình trồng chuối tiêu liên kết với Công ty cổ phần Cát Tường; sản phẩm gấc được bao tiêu bởi Công ty TNHH Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Kim Bình…

Tự hào có Bác từ ngày đầu cách mạng và những năm trường kỳ kháng chiến, mỗi mảnh đất, con người xứ Tuyên luôn tự nhắc nhở mình, nỗ lực, quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững  trong khu vực miền núi phía Bắc, như một cách hiện thực hóa lời dạy của Người: Xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Nguyễn Đạt

Tin cùng chuyên mục