Hai lần vinh dự được Bác chọn làm căn cứ địa cách mạng
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, mảnh đất Tuyên Quang là địa danh ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trong một thời gian dài. Lòng dân cách mạng hòa quyện trong thế hình núi sông hiểm trở, cơ động, tiến công, phòng ngự đều thuận lợi đã đưa mảnh đất Tuyên Quang trở thành an toàn khu tuyệt đối tin cậy của cách mạng cả nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chọn làm Thủ đô Khu Giải phóng, căn cứ cách mạng lãnh đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay Nhân dân. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị toàn quốc của Đảng phát lệnh Tổng khởi nghĩa, Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Việt Nam nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Nhiều hoạt động chính trị, văn hóa lớn của tỉnh được tổ chức bên cụm Tượng đài Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang (Quảng trường Nguyễn Tất Thành).
Với tầm nhìn chiến lược về cách mạng và dự báo thiên tài về cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tiếp tục củng cố, xây dựng căn cứ cách mạng Tuyên Quang. Từ cuối năm 1946, Trung ương Đảng chủ trương xây dựng An toàn khu, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, trong đó ba huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa được lựa chọn làm trung tâm.
Ngày 2/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các cơ quan đầu não kháng chiến về tới Làng Sảo, xã Hợp Thành (Sơn Dương). Một lần nữa, lịch sử giao phó cho mảnh đất Tuyên Quang sứ mệnh là Thủ đô Kháng chiến, căn cứ cách mạng vững chắc của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Nhân dân Tuyên Quang cùng với Nhân dân cả nước lại bước vào cuộc đấu tranh cam go, gian khổ, trường kỳ của dân tộc. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
Nói về những sự kiện lịch sử trên mảnh đất Tuyên Quang gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: Tuyên Quang - cái nôi của cách mạng, nơi bảo tồn, phát huy giá trị các di tích tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là nơi góp phần hun đúc nên một con người - Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam.
Khắc ghi lời Bác
Hiện thực mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ghi nhớ lời dạy của Người, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các tổ chức đảng đã coi việc lãnh đạo và làm theo Bác là việc làm tự giác, thường xuyên. Thực tế đã xuất hiện hàng nghìn mô hình tiêu biểu từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở “làm theo” Bác.
Các em học sinh trường THCS Tân Trào tham quan, tìm hiểu các kỷ vật lịch sử tại Bảo tàng Tân Trào (Sơn Dương).
Giai đoạn 2021 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ lựa chọn nội dung làm theo Bác là “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng tỉnh Tuyên Quang có nền hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả; môi trường xanh - sạch - đẹp; kinh tế phát triển nhanh, bền vững”. Cụ thể hóa việc làm theo Bác của toàn khóa, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng chuyên đề học tập sát thực tiễn. Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn chuyên đề học tập và làm theo Bác là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững”. Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Tuyên Quang đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” để học tập và làm theo Bác. Năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn chuyên đề học và làm theo Bác là “Xây dựng và phát triển văn hóa, góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”.
Từ việc cụ thể hóa nội dung học tập và làm theo Bác của các cấp ủy trong tỉnh đã tạo ra phong trào thi đua yêu nước sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển hợp lý cả về chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường. Chỉ trong quý I năm 2024, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm GRDP đạt 8,6%, xếp thứ 2/14 tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ theo hướng hiện đại. Nhiều dự án, công trình trọng điểm về kết nối giao thông đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cải cách hành chính của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính tỉnh đạt 88,46%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 3,12%, tăng 16 bậc so với năm 2022. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Tuyên Quang năm 2023 đạt 82,83%, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,11% so với năm 2022).
Tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên đã phát huy tinh thần nêu gương trong những việc mới, việc khó, thực hiện hiệu quả quy định giao việc đột phá, đổi mới, đi đầu trong thực hiện tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã thực hiện lời dạy của Bác thực hiện nghiêm túc tinh thần tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, triển khai sâu rộng đợt sinh hoạt “tự soi, tự sửa”, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Làm theo tư tưởng, phong cách của Bác gần Dân, trọng Dân, học Dân, giúp Dân, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên đã tăng cường xuống cơ sở, thực hiện nhiều hoạt động “ba cùng” ý nghĩa với Nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tích cực đối thoại, đổi mới hoạt động tiếp công dân, nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, nguyện vọng chính đáng, tăng cường và củng cố niềm tin của Nhân dân.
Những kết quả nổi bật ấy đã khẳng định tinh thần đoàn kết, quyết tâm học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. Tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác chính là ngọn lửa sáng dẫn đường, chỉ lối để Tuyên Quang vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết