Doanh nghiệp đổi mới công nghệ: Cần thêm các dự án hỗ trợ

- Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 mới được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 1-2022, với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%-20%/năm; năng suất lao động của doanh nghiệp sau đổi mới công nghệ tăng ít nhất 1,5-2 lần khi chưa đổi mới công nghệ... Đây được xem là đòn bẩy đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khi số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đa số.

Còn ít dự án hỗ trợ

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, qua điều tra, khảo sát thực trạng sử dụng máy móc, công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngành nhận thấy, máy móc, công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp tương đối lạc hậu, trong khi đó, khả năng thay thế, đổi mới dây chuyền lại không thường xuyên được thực hiện do vấn đề kinh phí.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm hỗ trợ, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp, như Chương trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 31/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐND ngày 1-8-2019 quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 01/2014/QĐ-UBND ngày 22/04/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về điều kiện, thủ tục, trình tự thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang...

Nhà máy sản xuất gạch tuynel chất lượng cao Viên Châu - Tuyên Quang, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại vào vận hành sản xuất. Ảnh: Hải Hương.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Lành, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ, số lượng các doanh nghiệp được hỗ trợ đến thời điểm này vẫn rất nhỏ. Từ năm 2015 đến nay, có 4 doanh nghiệp được hỗ trợ theo Nghị quyết 31 với tổng số tiền trên 1,15 tỷ đồng. Bao gồm: Công ty TNHH MTV Tuấn Hưng (Sơn Dương), Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Viên Châu (TP Tuyên Quang) được hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất gạch không nung; Doanh nghiệp tư nhân Hưng Hà (TP Tuyên Quang) được hỗ trợ công nghệ sản xuất tôn 3 lớp cách nhiệt; Công ty TNHH 27-7 (Sơn Dương) được hỗ trợ công nghệ sản xuất bột đá...

Ngoài ra, từ nguồn vốn chương trình khuyến công, hàng năm cũng có một số doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới dây chuyền, thiết bị sản xuất, chủ yếu là các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp...

Cơ hội để sản phẩm vươn xa

Dây chuyền vò chè và sấy chè bằng máy thay cho phương pháp thủ công được Công ty cổ phần Chè Sông Lô đầu tư đã giúp doanh nghiệp này chế biến sâu và nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với việc duy trì, mở rộng thị trường. Sản phẩm tạo ra được tiêu thụ và ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới như Anh, Đức, Hà Lan, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc...

Công ty cổ phần Chè Sông Lô đầu tư dây chuyền sản xuất chè xuất khẩu.

Sau nhiều lần đầu tư, nhà máy chế biến chè của Công ty cổ phần Chè Sông Lô đáp ứng tiêu chuẩn ISO 9001-2000 và vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP. Hệ thống máy vò chè của Liên Xô trước đây đã được thay thế bằng hệ thống máy vò hiện đại của Srilanka, nhờ đó rút ngắn được thời gian vò chè, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm điện tiêu thụ, từ đó rút ngắn thời gian tạo ra sản phẩm. Công suất sản xuất của doanh nghiệp hiện đã đạt trên 120 tấn chè búp tươi/ngày. Doanh nghiệp cũng đã sử dụng các hệ thống băng tải, cẩu, máy đảo chè héo, máy thu chè héo, cùng đó đầu tư máy sao chè, máy đóng túi chân không, máy tách cẫng, hệ thống silo bảo quản chè nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Song song với quá trình đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện dự án đầu tư mới, trồng lại toàn bộ diện tích chè đã già cỗi, năng suất chất lượng thấp bằng những giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Sản xuất chè theo hướng hữu cơ, cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm mới, có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Ông Ngô Đức Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô khẳng định, ngoài các sản phẩm chè đen xuất khẩu, công ty có thêm sản phẩm chè đặc sản KIA-Tăng đang được bạn hàng trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp về “Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030” sản phẩm chè của Công ty cổ phần Chè Sông Lô đủ các tiêu chuẩn thực hiện, xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.

Thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ vừa hoàn thành sơ tuyển, lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện tham dự giải thưởng Chất lượng quốc gia. Công ty TNHH MTV Cơ khí - Hóa chất 13 hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng và sản xuất kinh tế với các sản phẩm mũi khoan khai thác, máy cưa thép, thuốc nổ công nghiệp, quả cầu chữa cháy... đáp ứng tốt các nhu cầu tham gia giải thưởng.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đến thời điểm này, Tuyên Quang mới có 4 doanh nghiệp tham dự giải thưởng Chất lượng quốc gia. Một trong những hạn chế khiến các doanh nghiệp chưa tự tin đưa sản phẩm của mình “vươn ra biển lớn” chính là vấn đề dây chuyền, công nghệ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ vừa làm việc với UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn để tiếp tục rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp thủ tục, trình tự, hồ sơ... để được hỗ trợ khi có nhu cầu. 6 tháng đầu năm, đã có 3 doanh nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.

Mới đây nhất, ngày 19-4-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Qua đó, nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất, chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đây được xem là một trong những đòn bẩy, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục