Từ nghiên cứu đến thực tiễn

- Đề tài khoa học, dự án nghiên cứu ứng dụng là kết tinh trí tuệ của các tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu khoa học. Con đường từ khi nghiên cứu, hình thành các đề tài khoa học, dự án nghiên cứu ứng dụng để đưa ra thực tiễn là một quá trình đầy gian truân đòi hỏi sự tâm huyết, trách nhiệm của người làm nghiên cứu khoa học. Làm sao để các đề tài khoa học, dự án nghiên cứu ứng dụng có tính khả thi cao và sức sống lâu dài trong đời sống xã hội là bài toán đang đặt ra hiện nay.

Mang lại giá trị trong thực tiễn

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2021 đến nay, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức nghiệm thu 19 đề tài, dự án cấp tỉnh ở các loại hình: Nông nghiệp, Khoa học, xã hội và nhân văn, Khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Trong đó, các đề tài khoa học, nghiên cứu ứng dụng về lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số. Nhiều đề tài khoa học, nghiên cứu ứng dụng đã mang lại giá trị cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Cụ thể là đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đề xuất những giải pháp mới để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra như nâng cao hiệu quả, giá trị các sản phẩm nông, lâm nghiệp, đưa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển, phát triển hạ tầng đô thị bền vững, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền trên báo chí và giáo dục… Nhiều đề tài khoa học, nghiên cứu ứng dụng sau khi được triển khai, đưa vào thực tiễn đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao; thay đổi nhận thức, cải thiện đời sống vật chất của nhân dân.

Từ đề tài Nghiên cứu phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Hóa học.

Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thay thế, thâm canh một số giống chè mới có năng suất, chất lượng cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tại tỉnh Tuyên Quang do Công ty cổ phần Chè Sông Lô chủ trì thực hiện đến nay đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong sản xuất và chế biến chè đen xuất khẩu. Dự án đã triển khai trồng một số giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu xuất khẩu của thị trường như  giống chè PH9, PH11. Hiện nay, các giống chè mới như PH9, LDP1, PH11 đã được Công ty CP Chè Sông Lô trồng rộng rãi thay thế các giống chè Trung du già cỗi với năng suất đạt từ 25 đến 30 tấn/ha/năm. Ngoài ra, công ty còn tiếp tục đưa vào trồng các giống chè mới như CNS 831, TRI5.0 trồng năm thứ 3 đã đạt năng suất từ 2,6 đến 3 tấn/ ha/năm, nếu đạt tuổi từ 8 đến 10 năm, năng suất lên tới 30 đến 35 tấn/ha/năm.

Hay như Đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” do Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì thực hiện bước đầu cũng đi vào cuộc sống một cách rõ nét. Ngay sau khi đề tài được nghiệm thu, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành được Nghị quyết số 45-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong số ít đề tài khoa học sau khi được nghiệm thu đã tham mưu ban hành được nghị quyết. Đặc biệt, nhiều nội dung trong đề tài nghiên cứu đã được đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh và báo chí làm tài liệu tham khảo, ứng dụng cho Trường Chính trị, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, có ý nghĩa quan trọng nhằm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh những đề tài này, còn phải kể đến một số đề tài ở các lĩnh vực khác cũng khá thành công khi đưa vào thực tiễn. Điển hình như Đề tài Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền trên Báo Tuyên Quang do Báo Tuyên Quang chủ trì thực hiện được đánh giá, xếp loại xuất sắc đã đề ra nhiều giải pháp mang tính căn cơ, thiết thực, khả thi để nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền trên báo in, báo điện tử của Báo Tuyên Quang, mở ra xu hướng phát triển báo chí mới, bắt kịp với xu thế làm báo hiện đại của Báo Đảng địa phương. Đề tài Phục tráng, duy trì và phát triển giống lạc L14 phục vụ sản xuất tại huyện Chiêm Hóa do UBND huyện Chiêm Hóa chủ trì thực hiện đến nay mang lại hiệu quả rõ rệt. Chỉ từ vài hecta mô hình trồng thử nghiệm ban đầu theo đề tài, đến nay, trên địa bàn xã Phúc Sơn (Lâm Bình) đã có diện tích lạc giống L14 lên tới 490 ha. Xã đã hình thành vùng chuyên canh cây lạc ở 16/16 thôn, năng suất bình quân hàng năm ước đạt từ 27 tấn đến 30 tấn/ha. Đề tài Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn (công đoàn cơ sở) trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì thực hiện cũng đã ứng dụng nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả từ đề tài vào trong thực tiễn hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp. Từ đó nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động trong doanh nghiệp.

Vẫn còn đề tài, dự án thiếu sức sống

Theo đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, bên cạnh những đề tài khoa học, dự án nghiên cứu ứng dụng mang lại giá trị trong thực tiễn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những khó khăn trong thực tiễn vẫn còn một số đề tài, dự án chưa thực sự hiệu quả, khả năng nhân rộng trong thực tiễn còn hạn chế. Nguyên nhân là do ngay từ khâu lựa chọn đề tài, dự án chưa được chặt chẽ, còn dàn trải, thiên về số lượng. Một số tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài, dự án chưa thực sự tâm huyết, chưa quan tâm tổ chức thực hiện theo Quyết định được phê duyệt thực hiện đề tài, dự án. Bên cạnh đó, sự phối hợp với các cơ quan để làm công tác tuyên truyền về các đề tài, dự án chưa thực sự thường xuyên nên hiệu quả mà một số đề tài, dự án mới chỉ dừng lại ở khâu nghiệm thu, chưa lan tỏa trong thực tiễn. Mặt khác quy mô thực hiện một số đề tài khoa học, ứng dụng còn nhỏ lẻ, kinh phí eo hẹp nên khi đưa vào thực tiễn rất khó khăn vì chưa mang tính phổ biến trên diện rộng.

Từ Đề tài Phục tráng, duy trì và phát triển giống lạc L14 phục vụ sản xuất đến nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã
Phúc Sơn (Lâm Bình) đã có thu nhập khá từ trồng lạc.

Dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo phương pháp hữu cơ tại tỉnh Tuyên Quang do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021. Dự án xây dựng hai mô hình trồng rau theo phương pháp hữu cơ với diện tích 2.000 m2, mô hình nuôi lợn thương phẩm với quy mô 60 con. Tuy nhiên đến nay, mô hình nuôi lợn thương phẩm không còn được duy trì. Chỉ còn mô hình trồng rau theo phương pháp hữu cơ được duy trì, tuy nhiên diện tích, quy mô cũng không được mở rộng, nhân rộng ra những hộ khác.

Đề tài Nghiên cứu, ứng dụng sản xuất giống cá Dầm xanh, Anh vũ bằng phương pháp sinh sản nhân tạo tại Tuyên Quang mấy năm trước do Trung tâm tư vấn, sản xuất, dịch vụ và chuyển giao công nghệ thủy sản thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 Từ Sơn (Bắc Ninh) chủ trì thực hiện đến nay cũng không thể duy trì thực hiện. Theo đồng chí Phạm Mạnh Thông, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh cho biết, khó khăn để đưa kết quả nghiên cứu sản xuất giống cá Dầm xanh, Anh vũ bằng phương pháp sinh sản nhân tạo ở Tuyên Quang có nhiều yếu tố không thể thực hiện được do nguồn nước không phù hợp, thời gian nuôi ương tương đối lâu, môi trường để nuôi ương đòi hỏi những yêu cầu cao. Do đó sau khi nghiên cứu đề tài kết thúc, Trung tâm cũng không thể duy trì được việc sản xuất hai giống cá này.

Từ thực tế trên cho thấy cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ để nâng cao chất lượng, tính khả thi và thực tiễn của các đề tài, dự án khoa học.

Coi trọng chất lượng hơn số lượng

Thời gian qua, đánh giá được việc nghiên cứu các đề tài, ứng dụng và tính thực tiễn của các đề tài, ứng dụng, Hội đồng Khoa học - Công nghệ tỉnh đã ưu tiên lựa chọn những đề tài, dự án tập trung thực hiện các khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra và có khả năng nhân rộng. Trong đó, một giải pháp được đặc biệt coi trọng đó là quan tâm đến chất lượng hơn số lượng; giảm số lượng các đề tài, dự án; tăng quy mô, kinh phí thực hiện các đề tài, dự án. Việc lựa chọn, xét duyệt danh mục các đề tài, dự án được thực hiện kỹ lưỡng, nghiêm ngặt hơn. Sở Khoa học và Công nghệ đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện các đề tài, dự án.

Từ thực tiễn nghiên cứu, tổ chức thực hiện một số đề tài, dự án, đồng chí Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho biết, việc lựa chọn, xem xét kỹ tính thực tiễn và nhân rộng của các đề tài, dự án ngay từ ban đầu trước khi phê duyệt đề tài, dự án là giải pháp cốt lõi để đảm bảo sau khi đề tài, dự án được nghiệm thu tiếp tục có sức sống lâu dài. Như vậy sẽ tránh được những đề tài, dự án viển vông, “trên trời”.

Từ đề tài Nghiên cứu, xác định một số bệnh ở cá chiên và đề xuất giải pháp phòng, trị bệnh, Trung tâm Thủy sản tỉnh đã phát triển mạnh việc nuôi ương cá chiên giống chất lượng cung ứng cho nhân dân.

Ông Ma Văn Huấn, Trưởng thôn Núi Độc, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) cho biết, thời gian qua, trong thôn, một số hộ gia đình được lựa chọn để thực hiện một số dự án nhưng đến nay cũng không thể nhân rộng và duy trì. Ông Huấn mong muốn, những đề tài, dự án trong thời gian tới cần đảm bảo tính thực tiễn, sát với đời sống của nhân dân, có khả năng nhân rộng chứ không phải khi hết đề tài, dự án thì hiệu quả của nó cũng không còn.

Theo đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Đại Thành, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh sửa đổi một số nội dung trong quy định về quản lý đề tài khoa học, dự án nghiên cứu ứng dụng để đảm bảo các tiêu chí đánh giá đề tài, dự án được lượng hóa, hạn chế đánh giá định tính, chung chung. Giải pháp xuyên suốt vẫn là chú trọng về chất lượng hơn số lượng, trong đó sẽ tham mưu với UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện đề tài, dự án tăng lên để quy mô, phạm vi, đối tượng thực hiện đề tài, dự án cũng được nâng lên, khắc phục tình trạng quy mô thực hiện nhỏ lẻ. Có như vậy, tính thực tiễn sẽ được nâng cao. Sở cũng sẽ chú trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện đề tài, dự án; nâng cao năng lực quản lý khoa học công nghệ của đội ngũ cán bộ làm công tác này ở cấp tỉnh, cấp huyện. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ phê duyệt danh mục đề tài, dự án để đảm bảo các đề tài, dự án được triển khai kịp thời, đúng thời điểm, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn đời sống.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục