Những nét đẹp trong ứng xử
Tại các bản làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ gìn được những tập tục đẹp. Nếu như người Nùng có phong tục trọng vợ; người Dao, người Tày có phong tục ở rể, tục kết tồng thì hàng ngày người Mông luôn dành sự ưu ái cho người phụ nữ như: vợ chỉ làm việc nhẹ, nhắc nhở con cháu nhớ đến công lao của bà, mẹ thông qua giao tiếp hàng ngày... Đây là những mỹ tục truyền thống đặc trưng, góp phần tạo nên giá trị văn hóa tốt đẹp.
Một đám cưới được tổ chức theo nghi lễ truyền thống phù hợp nếp sống mới tại thôn Nắc Con, xã Yên Lâm (Hàm Yên).
Từ xa xưa, người Tày xứ Tuyên rất mến khách được thể hiện qua phong tục tiếp khách thân tình, chân thành tạo nên một nét đẹp văn hóa độc đáo. Ông Tống Đại Hồng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, phong tục tiếp khách của người Tày là một bản sắc văn hóa đẹp đẽ luôn được giữ gìn, tạo nên hình ảnh thân thiện, mến khách. Ngay từ khâu đón tiếp, có khi khách vừa đặt chân đến dưới sàn nhà đã có người trong nhà vội vàng ra chào đón, pha trà uống nước. Trong khi đó, phụ nữ lặng lẽ chuẩn bị bữa cơm, họ bắt gà khéo đến nỗi khách ngồi trên nhà không hay biết gì. Đồng bào có món gì là đặc sản đều đem ra đãi khách, bát cơm của khách luôn luôn đầy ắp thức ăn. Chủ nhà còn mời thêm những người cao tuổi trong họ, người uy tín trong bản đến cùng dự bữa cơm cho thêm phần long trọng.
Bà Hà Thị Xuyến, 85 tuổi, thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) chia sẻ, sáng dậy, dù mùa đông hay mùa hè, bao giờ khách cũng có một chậu nước ấm để rửa mặt, tạo cho khách cảm giác thoải mái, tự nhiên như ở nhà. Khi khách ra về bao giờ cũng được chủ nhà có quà lót tay là một gói xôi, ít thức ăn để phòng đi đường cần dùng đến.
Đối với người Nùng, tuy không thuộc chế độ mẫu hệ, thế nhưng trong hôn nhân, con gái được quyền định đoạt duyên phận của mình. Trong cuộc sống vợ chồng hàng ngày, khi quyết định một vấn đề gì thì người vợ có quyền tham gia góp ý. Trưởng thôn Lý Văn Sính, thôn Khăm Kheo, xã Công Đa (Yên Sơn) chia sẻ: “Trong gia đình người Nùng, vai trò của người phụ nữ luôn được ghi nhận. Chúng tôi rất coi trọng tiếng nói của phụ nữ trong gia đình. Chính vì thế cuộc sống gia đình luôn hòa thuận. Nhiều năm qua, trong thôn không có bạo lực gia đình, ly hôn”.
Nghệ nhân Ưu tú Hà Ngọc Cao, thôn Trung Quang, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) dạy chữ cho con cháu.
Một mỹ tục đẹp của đồng bào người Tày, người Dao đó là phong tục ở rể. Đây là một phong tục giàu tính nhân văn. Theo Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức, phong tục ở rể giải quyết được những hệ lụy xã hội phức tạp mà một số dân tộc khác đã và đang vấp phải. Đó chính là vấn đề khao khát tìm con trai nối dõi tông đường, tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Trân quý nguồn cội
Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều gia đình dân tộc Tày, Dao, Nùng, Cao Lan, Mông… những người già, người trẻ luôn biết dẫn lối tìm về giá trị cội nguồn. Đó là giữ gìn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán.
Cùng với việc nghiên cứu, sưu tầm, các nghệ nhân còn đau đáu với việc trao truyền văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Từ đó, nhiều lớp học dạy chữ, dạy hát Then, hát Cọi, Sình ca, Páo dung... ra đời đã thu hút nhiều người tham gia. Tiêu biểu như các ông: Bàn Công Hiến, thôn Cầu Mạ, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa); Nguyễn Mạnh Thẩm, thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương (Na Hang); Chu Tuần Ngân, xã Trung Minh (Yên Sơn); Lâm Văn Cầu, thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn)... Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân, nhiều người từ sự yêu thích, say mê đã ngày càng hát hay, đánh đàn giỏi.
Ông Thàm Ngọc Kiến, tổ 26, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, từ năm 2008 đến nay, ông đã dạy hát Then cho trên 400 học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Mỗi giờ lên lớp, các bài giảng được ông chuẩn bị khá công phu từ việc giới thiệu nguồn gốc Then cổ đến những lời bài hát mới. Ngoài mở lớp tại nhà, ông còn đến tận trường học, bản làng để dạy hát.
Người Nùng ở Công Đa (Yên Sơn) luôn coi trọng vai trò người phụ nữ trong gia đình.
Để giữ gìn tiếng nói giao tiếp, toàn tỉnh hiện có 50 câu lạc bộ sử dụng, giữ gìn tiếng nói dân tộc. Năm 2017, UBND xã Thái Hòa (Hàm Yên) thành lập Câu lạc bộ giữ gìn tiếng nói dân tộc Dao. Chị Lý Thị Hà, thành viên Câu lạc bộ cho biết, chị đã tự nguyện tham gia vào câu lạc bộ để được học hỏi, nâng cao vốn tiếng Dao, nhờ vậy chị hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống và những nét đẹp của văn hóa dân tộc mình. Chị không chỉ học cho bản thân mà còn tích lũy để dạy cho con em mình biết tiếng nói của dân tộc Dao.
Bên cạnh đó, có nhiều người trẻ đã có cách làm sáng tạo giúp thế hệ trẻ thêm yêu quý văn hóa dân tộc. Đó là anh Bàn Kim Duy, thôn Minh Lợi, xã Trung Minh (Yên Sơn) miệt mài thiết kế nhập trên 10.000 bộ chữ Nôm Dao vào máy tính. Đó là Bàn Văn Nam, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) nỗ lực thành lập Câu lạc bộ văn hóa Trung Hà, khôi phục làn điệu múa dân tộc, kỹ thuật thêu thùa, chấm hoa văn của người Dao. Ngoài ra, anh còn biết kết hợp quảng bá văn hóa và phát triển du lịch.
Trân quý nguồn cội, gìn giữ cảnh sắc quê hương, núi rừng. Từ hàng trăm năm nay, đồng bào Tày, Dao, Cao Lan… có những phong tục, hương ước để giữ rừng. Đó là bà con người Dao Quần trắng tổ dân phố Hòn Lau, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) và thôn Văn Nham, xã Hùng Đức (Hàm Yên) thường tổ chức Lễ Cầu làng. Bên cạnh cầu mong Thành Hoàng làng che chở, bảo vệ dân làng thì bà con còn làm lễ dâng lên thần rừng. Đặc biệt, trong tháng có lễ Cầu làng tuyệt đối không chặt cây, nhà nào có việc muốn chặt cây trong vườn cũng phải chặt trước hoặc sau tháng có lễ. Còn người Nùng ở thôn Ngòi Trườn, xã Minh Thanh (Sơn Dương) duy trì lễ cúng thần rừng vào ngày 30 tháng Giêng.
Đây là những phong tục đẹp về giữ rừng của đồng bào, góp phần giữ tốt những cánh rừng phòng hộ, phát triển kinh tế rừng. Tuyên Quang hiện có tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%, là 1 trong số ít tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước.
Xây dựng nếp sống văn minh
Trong tiến trình phát triển xã hội, để văn hóa dân tộc thiểu số hòa nhập chứ không hòa tan, với sự vào cuộc quyết liệt, các địa phương đã có những cách làm hay trong việc bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn nét đẹp văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình chia sẻ, trong những năm qua, UBND huyện Lâm Bình có nhiều giải pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Huyện đã tổ chức các hội nghị có sự tham gia của những người có hiểu biết, uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các thầy cúng, thầy mo, bí thư chi bộ, trưởng các thôn, bản trên địa bàn huyện.
Gia đình ông Hoàng Văn Tân, thôn Nà Thom, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) có 3 đời làm thầy cúng. Ông chia sẻ khi được tham gia cuộc họp, được cán bộ tuyên truyền, ông hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Ông cùng những người uy tín, thầy cúng người Tày tích cực tham gia đưa ra phương án để cắt giảm một số nghi lễ. Cụ thể như: giảm thời gian làm “ma tươi”, “ma khô” từ 3 ngày 2 đêm xuống còn 1 ngày 1 đêm, khuyến khích làm “ma tươi” và “ma khô” cùng một thời điểm. Trong đám tang bỏ các nghi lễ như “cấp nhàng” cho con rể, bỏ nghi lễ “lùng tà” đối gia đình thông gia, bước đọc văn tế chỉ thực hiện với con đẻ người đã mất…
Ông Hoàng Văn Tân, thôn Nà Thom, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) truyền nghề cho thế hệ sau.
Những thầy cúng, người có uy tín, trưởng thôn, trưởng bản trở thành “cầu nối” để thực hiện phong trào một cách hiệu quả. Tùy theo thực tế, các địa phương, thôn bản từng bước xây dựng hương ước, quy ước, cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Ông Phàn Văn Tiến, người Dao tại xã Thổ Bình (Lâm Bình) tổ chức đám cưới cho con trai. Ông chia sẻ, thực hiện hương ước, quy ước của thôn, đám cưới được tổ chức 1 ngày 1 đêm, cắt giảm thủ tục rườm rà, lễ vật đơn giản, không nặng tính hình thức, đảm bảo sự ấm cúng, vui vẻ cho các con.
Trên địa bàn Hàm Yên, nhiều nơi vẫn tồn tại tục lệ đám cưới kéo dài nhiều ngày gây ảnh hưởng an ninh trật tự và tốn kém tiền bạc, thời gian. Trong những năm qua, Huyện đoàn Hàm Yên đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn vận động lực lượng đoàn viên, thanh niên thực hiện mô hình “Đám cưới văn minh, tiết kiệm”.
Đám cưới của Hoàng Văn Tiến, Nguyễn Kim Tuyến ở thôn Xuân Mai, xã Hùng Đức được tổ chức theo đúng mô hình “Đám cưới văn minh, tiết kiệm”. Cô dâu Kim Tuyến chia sẻ: “Đám cưới của chúng em đã diễn ra trong thời gian khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, số lượng khách mời gọn nhẹ, chỉ là những người trong họ hàng hai bên và một số bạn bè thân thiết... Những ngày chuẩn bị cho đám cưới, hai vợ chồng em cũng không còn phải lo lắng nhiều về khâu chuẩn bị, mời khách, đặt mâm cỗ... bởi đều đơn giản, gọn nhẹ.
Trong tiến trình phát triển xã hội, để văn hóa dân tộc thiểu số hòa nhập chứ không hòa tan, các địa phương, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hay trong việc bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo nên hình ảnh thân thiện và ấn tượng đẹp về con người, mảnh đất Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết