Vì một cuộc sống không khói thuốc

- Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được ban hành từ tháng 6 năm 2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5-2013. Sau 10 năm thực thi, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng, công sở, bệnh viện vẫn chưa chấm dứt. Thiếu lực lượng kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nhưng lại chưa có trường hợp nào bị xử phạt... khiến mục tiêu xây dựng một cuộc sống không khói thuốc lá khó trở thành hiện thực.

Những rào cản

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15-11-2020 (thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ) đã tăng mức xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm gấp gần 2 lần, từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, thay vì mức 100.000 - 300.000 đồng như trước.

Trên thực tế, không khó để bắt gặp hình ảnh người hút thuốc lá nơi công cộng. Từ nhà chờ xe buýt, quán nước, quán cà phê, đến các cửa hàng ăn uống... Mặc dù Nghị định 117 đã quy định, thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá thuộc nhiều cơ quan, lực lượng căn cứ theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách như Chủ tịch UBND các địa phương; Thanh tra các ngành: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Công an nhân dân, Quản lý thị trường… Tuy nhiên, trên thực tế, câu chuyện ai là người xử phạt các trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng, sau 10 năm, vẫn không ai... nhận trách nhiệm chính. Và 10 năm nay, vẫn chưa có một trường hợp nào hút thuốc lá nơi công cộng ở Tuyên Quang bị xử phạt.

Văn phòng làm việc xanh, không khói thuốc lá tại Công ty TNHH Acacia woodcraft Việt Nam
(Cụm công nghiệp Thắng Quân, huyện Yên Sơn).

Chánh Thanh tra Sở Y tế Đặng Quang Nhì cho biết, để xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm, riêng lực lượng Thanh tra y tế không thể làm được, mà cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lực lượng Công an... Đặc biệt, người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá phải nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, hành vi hút thuốc xảy ra nhanh, các lực lượng chức năng khó khăn trong việc xác định vi phạm nếu không có các thiết bị nghiệp vụ được phép sử dụng làm cơ sở cho việc xử phạt.

Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, hút thuốc lá từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người, không phải một sớm một chiều là có thể thay đổi được. Tại các điểm di tích, các khu du lịch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đều có các biển cấm hút thuốc lá được đặt tại những nơi dễ nhìn thấy nhất để du khách biết và thực hiện. Theo ông Tùng, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện vẫn dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chứ chưa xử phạt.

Thuốc lá, mặc dù là mặt hàng gây nghiện, nhưng lại được bày bán cùng với nhiều loại hàng hóa thiết yếu, việc tìm mua không hề khó khăn khiến cho việc quản lý, kiểm soát mặt hàng này gặp khó. Việc xử phạt về thuốc lá cũng chỉ dừng lại ở xử phạt hành vi kinh doanh, buôn bán thuốc lá nhập khẩu. Theo Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang, năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường ra quân kiểm tra nguồn gốc của mặt hàng thuốc lá, kiểm tra các điều kiện kinh doanh mặt hàng thuốc lá, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Qua kiểm tra, phát hiện 15 vụ kinh doanh thuốc lá nhập lậu, tổng số tiền thu phạt vi phạm hành chính là 169,5 triệu đồng, thu giữ gần 1,5 nghìn bao thuốc lá điếu nhập lậu.

Việc quản lý, xử phạt hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, theo đại diện Cục Quản lý thị trường, đến nay chưa có trường hợp nào bị xử phạt. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là việc thiếu lực lượng kiểm tra, xác minh độ tuổi để xử phạt vi phạm.

Tăng cường truyền thông, hướng dẫn

Để thực sự có một môi trường không khói thuốc, nhiều mô hình đã được triển khai áp dụng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối về hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, nâng cao ý thức của người dân về tác hại của khói thuốc. Theo đó, một loạt các mô hình, hoạt động đã được triển khai. Trong đó không thể không nhắc đến mô hình “môi trường không khói thuốc”. Mô hình này đã được 100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện.

Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh tìm hiểu tác hại của thuốc lá.

Các cơ quan đã bổ sung tiêu chí “cấm hút thuốc” vào nội quy nơi làm việc; đội ngũ y bác sĩ trong khám chữa bệnh cho bệnh nhân cũng lồng ghép tuyên truyền về tác hại của thuốc lá.

Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã cấp phát 2.000 biển mê-ka, 30.000 tờ gấp tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá, 1.000 áp phích tuyên truyền, 50 pano khổ vừa và 5 pano cỡ lớn cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phát động phong trào Văn phòng làm việc xanh, gắn với việc tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức lao động xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá.

Đồng chí Vũ Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Sở Y tế cho biết: Trong 2 năm qua, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng công tác phối hợp tuyên truyền tác hại của thuốc lá vẫn được đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thường xuyên, định kỳ như phối hợp Liên đoàn Lao động, Tỉnh đoàn phát động “Ngày không khói thuốc” trong đoàn viên, thanh niên, công nhân viên chức lao động và tổ chức hội thi về phòng chống tác hại thuốc lá. Trong đó, đặc biệt phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về cách nhận biết và tác hại của thuốc lá điện tử. Vì theo ông Thành, hiện đối tượng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng. Việc tuyên truyền tại các trường học sẽ giúp gia tăng số người giám sát, kiểm soát, để học sinh “không có cơ hội” sử dụng.

Để không “đánh trống bỏ dùi”

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là một trong 4 nước có tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất châu Á. Do đó, cùng với việc tăng cường tuyên truyền tác hại thuốc lá, cần đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Để tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá; đặc biệt công tác giáo dục thuyết phục, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định cấm thuốc lá nơi công cộng. Đồng thời vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên ký cam kết không hút thuốc lá.

Đi kèm với đó là việc triển khai nghiêm túc, quyết liệt chế tài trong Luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật phòng, chống tác hại thuốc lá; nghiên cứu sửa đổi một số quy định cứng nhắc về xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, theo đó cho phép cơ quan chức năng lập biên bản và xử phạt tại chỗ các hành vi vi phạm để người dân “không dám, không thể” hút thuốc lá nơi công cộng.

Mới đây, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi cho phép các địa điểm công cộng nếu có điều kiện có thể sử dụng công cụ ghi hình, lắp camera để giám sát, nhắc nhở và phạt “nguội” các trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng. Ngoài ra, các lực lượng chức năng có thể phát hiện hành vi vi phạm qua các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hoặc công nghệ giám sát để tiến hành xử phạt người vi phạm.
Đồng chí Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch UBND phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho rằng, để việc xử phạt tại cơ sở có hiệu quả hơn, cần thiết phải bố trí kinh phí để các phường thành lập các tổ kiểm tra, xử lý theo quy định. Vì theo đồng chí Việt Anh, hiện khối lượng công việc tại phường tương đối nhiều, những cán bộ tư pháp, văn hóa... ngoài công việc chính, phải kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khác. Khi được cấp kinh phí, trách nhiệm thực thi công vụ sẽ tăng lên, ngoài việc duy trì tổ kiểm tra, các địa phương sẽ trang bị thêm máy ảnh và các thiết bị nghiệp vụ để phục vụ công tác kiểm tra, xử phạt.

Để Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thực sự có hiệu quả, thì ngoài công tác tuyên truyền, cần sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc hơn từ các cơ quan, chính quyền địa phương. Có như vậy, việc thực thi Luật mới không rơi vào tình cảnh “đánh trống bỏ dùi”.

Ông Hoàng Văn Hùng
Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh

Với trách nhiệm được giao, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh nắm chắc địa bàn thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, trọng tâm là địa bàn đông dân cư, địa điểm bán thuốc lá... phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá. Cùng với đó, đơn vị cũng yêu cầu chủ của 1.500 cơ sở đăng ký kinh doanh thuốc lá ký cam kết không tham gia buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, đặc biệt là không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi... Nếu phát hiện sai phạm về kinh doanh thuốc lá, lực lượng sẽ xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.


Luật sư Vũ Trung Kiên
Giám đốc Công ty Luật TNHH Vũ Kiên

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá mới chỉ cấm hút thuốc tại một số địa điểm như bệnh viện, trường học; cấm bán thuốc lá xung quanh trường học; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; cấm người dưới 18 tuổi sử dụng và cấm bán thuốc lá cho trẻ em. Trong khi chưa có các quy định pháp luật về không hút thuốc lá tại một số địa điểm trẻ em có thể bị phơi nhiễm như sân chơi ngoài trời, xe ô tô riêng, trong nhà riêng, ngay bên ngoài trường học... thì công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở người hút thuốc lá tại các nơi này còn hạn chế. Cùng với đó, ngay tại những nơi đã có quy định hạn chế, thậm chí là cấm hút thuốc lá thì nhiều hành vi vi phạm vẫn diễn ra mà chưa bị xử lý. Do vậy, cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá nói riêng.


Bác sỹ Nguyễn Ngọc Lợi
Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi tỉnh

Hút thuốc lá thụ động cũng có thể gây ung thư, tỷ lệ tăng nguy cơ ung thư ở người hút thuốc thụ động không thua kém người trực tiếp hút thuốc. Khói thuốc tỏa ra người hút hít vào độc hại gấp 26 lần. Vì vậy, người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Trong những năm qua, đã có nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh đối với các bệnh về viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản... Qua khai thác tiền sử bệnh thì thấy rằng bản thân người bệnh không hút thuốc lá, thuốc lào nhưng trong gia đình có chồng, con hút thuốc và mỗi khi hít phải khói thuốc thì xuất hiện những cơn ho, tức ngực, khó thở; đặc biệt ở những bệnh nhân bị hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính làm cho tần suất khởi phát tăng lên.


Anh Bùi Xuân Lập
Thôn Thắng Lợi, xã Hào Phú (Sơn Dương)

Là một người thường xuyên mắc các bệnh viêm đường hô hấp, tôi rất nhạy cảm với môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt là khói thuốc lá. Để xây dựng môi trường sống xanh sạch, lành mạnh, không khói thuốc, cần có thêm giải pháp như tăng mức phạt để răn đe, áp dụng hình thức phạt nguội qua camera giám sát nơi công cộng. Bên cạnh đó, đối với những hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, quảng cáo thuốc lá... cũng cần có chế tài xử phạt chặt chẽ, nghiêm minh hơn.

 

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục