Tuyển chọn ngay trên ghế nhà trường
Tuy mới 11 tuổi, em Trần Thiên Bảo, Đội trưởng Đội bóng đá nhi đồng của tỉnh đang là “viên ngọc sáng” của bóng đá trẻ tỉnh nhà. Nhà ở Vinh Quang (Chiêm Hóa), trưởng thành từ giải bóng đá quần chúng, năm 2020, em Bảo được đưa về Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh bồi dưỡng và huấn luyện. Tố chất có sẵn, cộng với niềm đam mê cháy bỏng với môn thể thao vua, Bảo nhanh chóng được giữ băng đội trưởng, với vai trò tiền vệ trung tâm, em có những đường bóng sắc nét, lối chơi mang đậm tính nghệ thuật, kiến tạo được nhiều đường bóng cho đồng đội ghi bàn.
Em Bảo chia sẻ: Bản thân em lúc mới xa gia đình cũng buồn, nhưng được thầy cô giáo tại Trung tâm thường xuyên quan tâm, chăm sóc nên em cảm thấy yên tâm. Đặc biệt khi xuống thành phố, ngoài giờ học bóng đá em còn được thầy cô kèm về học văn hóa, năm nay, em học lớp 5, trường THCS Bình Thuận và vẫn luôn là một trong những học sinh có thành tích học tập tốt của nhà trường. Trong giải Bóng đá thiếu niên và nhi đồng năm nay, em được bình chọn là cầu thủ nhi đồng xuất sắc nhất giải đấu.
Khuôn mặt tươi rói, tính cách cởi mở là những cảm nhận ban đầu về em Trần Quốc Toản, vận động viên đội tuyển Wushu, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục, thể thao tỉnh. Chàng trai trẻ sinh năm 1997 ở xã An Khang (TP Tuyên Quang) sớm bộc lộ tài năng về môn Wushu. Gia đình em không ai theo nghiệp thể thao, nên việc quyết định gắn bó với môn Wushu của Trần Quốc Toản được xem là khá mạnh dạn. Toản kể, năm 2012, em được chọn học bồi dưỡng môn Wushu, ngày đó, sáng đi học chiều em đạp xe gần 10 km lên Trung tâm để học.
Giải Pencak Silat các CLB được tổ chức hàng năm giúp tìm kiếm các vận động viên tiềm năng để đào tạo.
Thuận lợi lớn nhất của em trong thực hiện ước mơ trở thành một vận động viên Wushu chuyên nghiệp là nhận được sự hướng dẫn tận tình của các huấn luyện viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Sau 5 tháng luyện tập, từ tháng 8 đến 12-2012, em đã giành chiếc Huy chương Đồng đầu tiên tại giải vô địch Wushu trẻ Quốc gia tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Giải thưởng đầu tiên ấy đã tạo động lực để Toản tiếp tục phấn đấu tập luyện, cùng với sự dìu dắt của huấn luyện viên em đã trưởng thành về kỹ thuật cũng như bản lĩnh và liên tiếp giành được các Huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong các giải thi đấu quốc gia.
Còn em Lý Thị Na, vận động viên đua thuyền Canoeing của tỉnh cho biết: Nhà em tại xã Trung Yên (Sơn Dương), trong gia đình thuộc diện khó khăn. Lên cấp 2, em học tại trường PTDT nội trú ATK Sơn Dương. Với lợi thế về chiều cao và năng khiếu điền kinh, em đã giành được nhiều thành tích cao trong các giải thi đấu của nhà trường. Năm 2018, sau khi được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) tỉnh phát hiện, gửi đi đào tạo đua thuyền
Canoeing tại Hà Nội, Na dần trưởng thành và mang về những thành tích đáng tự hào. Sau 1 năm tập luyện, nhờ sự chăm chỉ, không ngại khó ngại khổ, ngay trong lần đầu xuất quân tại Giải đua thuyền Canoeing trẻ vô địch quốc gia 2019 được tổ chức tại Hà Nội, em đã giành Huy chương Đồng. Tại Giải đua thuyền Canoeing trẻ vô địch quốc gia 2020 được tổ chức tại Hà Nội, Lý Thị Na đã có những bứt phá ngoạn mục, giành được 4 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Đồng ở 5 nội dung đua thuyền Canoeing. Đây cũng là lần đầu tiên bộ môn đua thuyền Canoeing của tỉnh Tuyên Quang giành được nhiều huy chương như vậy.
Bồi dưỡng kịp thời để nâng cao vị thế thể thao tỉnh nhà
Là người có nhiều tâm huyết với thể thao, đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ: Việc phát triển những môn thể thao mũi nhọn của tỉnh nhà trong năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Qua các kỳ Đại hội thể dục thể thao của tỉnh và các giải thi đấu thường niên do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã sớm phát hiện và tuyển chọn được nhiều vận động viên (VĐV) có tố chất thể thao, sau đó được huấn luyện trở thành những hạt nhân nòng cốt của thể thao thành tích cao.
Giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng phát hiện nhiều cầu thủ xuất sắc cho đội tuyển bóng đá của tỉnh.
Mặc dù hiện nay, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh vẫn đang duy trì 6 đội tuyển năng khiếu tập trung 30 vận động viên gồm: Pencak silat, vovinam, bóng bàn, bóng đá, cầu lông và điền kinh. Đồng thời duy trì thêm 9 đội trẻ là hạt nhân để đào tạo thi đấu chuyên nghiệp với 64 vận động viên và các đội tuyển của tỉnh ở nhiều môn phối hợp khác. Đồng chí Đồng Dương Mười, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Trung tâm cũng yêu cầu Ban huấn luyện các đội tuyển chủ động lên kế hoạch, phương án tập luyện sớm nên các vận động viên thuộc các đội tuyển có nhiều thời gian hoàn thiện kỹ năng chuyên môn, chiến thuật thi đấu, tạo tâm lý chủ động và thoải mái cho bản thân. Cán bộ và học viên tại Trung tâm đều đồng lòng, vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất, quyết tâm đạt thêm nhiều thành tích cao hơn nữa trong tương lai.
Huấn luyện viên Lâm Văn Hưng, Phó trưởng phòng Huấn luyện, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT là người có nhiều năm đi tuyển chọn các vận động viên ở các bộ môn đua thuyền cho biết: Điều đầu tiên là phải có chiều cao, vì vậy, hành trình đi tìm “hạt giống vàng” cho môn này, anh thường tập trung vào những em có chiều cao tốt, sải tay dài... Tuy nhiên, để chọn được những em có năng khiếu không phải dễ, mà chọn được các em có năng khiếu đã khó, thuyết phục bản thân các em và gia đình lại càng khó hơn, vì vậy, đòi hỏi người thầy không những nắm vững kỹ năng chuyên môn mà còn cần có kiến thức xã hội sâu rộng để hiểu được tâm lý các em. Tuy vậy, thuận lợi của tỉnh có nhiều nhưng cũng phải nói đến những khó khăn, mà xuất phát chủ yếu từ phía gia đình chưa thực sự “mặn mà” với công tác đào tạo vận động viên năng khiếu, không cho con em mình đi huấn luyện thể thao mặc dù có những em có tố chất, có khả năng mà chỉ chú trọng vào học tập văn hóa, dẫn đến khó khăn cho nguồn tuyển chọn vận động viên.
Thể thao thành tích cao của tỉnh đang có bước chuyển mình mạnh mẽ để hướng tới chuyên nghiệp hóa. Phương án thực hiện ngay lúc này là cần đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn kinh phí để tổ chức nhiều hơn các giải đấu cho đối tượng học sinh. Qua đó phát hiện các vận động viên có năng khiếu, có chế độ đãi ngộ tương xứng đối với vận động viên để các em yên tâm theo nghiệp thể thao lâu dài. Đồng thời cần đẩy mạnh phát triển thể thao học đường để tạo nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao.
Gửi phản hồi
In bài viết