Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững

- Du lịch cộng đồng là loại hình hướng đến sự phát triển bền vững, mang lại giá trị cộng đồng cao. Tuyên Quang có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch cộng đồng. Thực tế, đã có những mô hình du lịch cộng đồng được triển khai tại một số địa phương, tuy nhiên đến nay du lịch cộng đồng tại Tuyên Quang vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Phóng viên Báo Tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) về nguyên nhân và giải pháp cần tập trung triển khai để du lịch cộng đồng của Tuyên Quang bứt phá.

Ông Phạm Hải Quỳnh.

Phóng viên: Xin ông cho biết, hiện nay, du lịch cộng đồng đang có xu hướng phát triển và thay đổi như thế nào?

Ông Phạm Hải Quỳnh: Từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam đã có những động thái trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. 2 năm diễn ra dịch bệnh dù có những khó khăn nhưng cũng có những cơ hội được tạo ra để du lịch cộng đồng tái cấu trúc. Sau dịch, nhu cầu của khách du lịch cũng có sự thay đổi, thiên về gần gũi thiên nhiên, đi theo nhóm nhỏ, theo gia đình đến các vùng miền để trải nghiệm và thưởng lãm những giá trị văn hóa đặc sắc. Đây chính là điều kiện thuận lợi để du lịch cộng đồng phát triển. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng được triển khai thành công và tạo thành sản phẩm mới cho bức tranh tổng quan của du lịch Việt Nam.  

Du khách trải nghiệm làm bánh trứng kiến tại homestay Lâm Bình.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ cái khó khi tham gia làm du lịch cộng đồng, và tiêu chí nào để có thể làm du lịch cộng đồng? Theo ông, để phát triển du lịch cộng đồng có hiệu quả cần phát huy những điều gì?

Ông Phạm Hải Quỳnh: Khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ngoài việc lựa chọn, khai thác giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị vùng miền thì việc lựa chọn khai thác còn được gắn kết với giá trị cảnh quan thiên nhiên của vùng miền đó, từ đó sẽ phân định được nguồn khách chủ chốt và nguồn khách hướng tới.

Cái khó khi tham gia làm du lịch cộng đồng chính là chữ “cộng đồng”. Muốn phát triển được du lịch cộng đồng thì cần nhìn nhận rõ nhất giá trị của cộng đồng. Từ đó lựa chọn ra giá trị để khai thác và tạo sản phẩm du lịch. Song hành với việc đó, chính là giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng, để phát triển bền vững cũng như định hướng cộng đồng làm du lịch bài bản.

Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam đã tư vấn rất nhiều những mô hình du lịch cộng đồng. Mặc dù doanh thu từ du lịch cộng đồng chưa cao, nhưng đã mở ra một hướng phát triển trong việc xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch cộng đồng, người dân sẽ trực tiếp tham gia và thu lợi. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, những giá trị vật chất và văn hóa truyền thống để phục vụ du lịch. Các hoạt động mà du khách đến đây được khám phá rất bình dị, mộc mạc trong cuộc sống thường nhật nhưng lại rất sinh động. Du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con nông dân như xay lúa, giã gạo, úp cá, hay tham quan ngôi chùa cổ của làng, xem múa rối nước...

Du khách trải nghiệm hoạt động giã gạo tại Làng văn hóa du lịch Tân Lập (Sơn Dương).

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại Tuyên Quang?

Ông Phạm Hải Quỳnh: Tuyên Quang được biết đến là một địa phương có rất nhiều những giá trị từ cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa đồng bào... cũng như nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Với du lịch cộng đồng đã có những mô hình homestay được xây dựng để đón khách, nhưng đây là những mô hình đơn lẻ theo mô hình lưu trú chứ chưa thật sự là homestay, ngoài ra những mô hình này đa phần không còn giữ được giá trị văn hóa bản địa, vì vậy làm mất đi giá trị quý giá vốn có của Tuyên Quang, chưa thật sự đưa được cộng đồng vào khai thác và cũng chính vì vậy những giá trị vốn có của cộng đồng chưa được khai thác triệt để.

Homestay Bản Né Thanh Tương (Na Hang).

Phóng viên: Theo ông, Tuyên Quang  cần làm gì để du lịch cộng đồng phát triển trong thời gian tới?  

Ông Phạm Hải Quỳnh: Một địa phương muốn phát triển du lịch cộng đồng thì cần trả lời được những câu hỏi sau: Chính quyền các cấp đã thật sự quan tâm, thật sự muốn vì cộng đồng để hoàn thành những mô hình du lịch cộng đồng đạt chuẩn? Cộng đồng đã sẵn sàng làm du lịch chưa và quyền lợi, nguồn lợi của cộng đồng ở đây là gì? Sinh kế của địa phương đã thật sự phát triển để đảm bảo nguồn lợi, quyền lợi để bà con chuyển đổi dần từ sinh kế truyền thống sang dần với du lịch? Sự hiểu biết thật sự về du lịch cộng đồng và cách đưa cộng đồng vào an toàn và hiệu quả đã có chưa?...

Nếu Tuyên Quang làm được những vấn đề trên dựa trên giá trị văn hóa bản địa thì Tuyên Quang sẽ là tỉnh thành đi sau nhưng lại có nhiều mô hình cộng đồng đạt chuẩn, thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng và được phát triển bởi cộng đồng.

Phóng viên: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống gắn với phát triển dịch vụ du lịch Homestay.

Thực hiện: Lý Thu


Đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, 

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình

Huyện Lâm Bình hội tụ được nhiều yếu tố để hình thành các loại hình, sản phẩm du lịch thế mạnh, đặc biệt loại hình du lịch cộng đồng (hiện nay trên địa bàn huyện đã có hơn 50 hộ gia đình làm dịch vụ du lịch homestay). Để phát triển du lịch cộng đồng theo đúng hướng, thời gian tới, huyện Lâm Bình sẽ tiếp tục đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; chú trọng thực hiện công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực về du lịch; bảo tồn hệ thống di tích lịch sử, phát triển văn hóa kết hợp với khôi phục làng nghề truyền thống. Đồng thời, tăng cường quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch để thu hút du khách đến với địa phương, góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương.


Thúc đẩy du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp

Đồng chí Lê Thanh Sơn,

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thời gian qua, việc phát triển du lịch cộng đồng tại một số nơi trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư bài bản; sản phẩm cho du lịch cộng đồng còn đơn điệu, chưa tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách… Để tăng cường chất lượng, quản lý hoạt động du lịch cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm du lịch cộng đồng phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh; hướng dẫn các điểm du lịch thành lập ban quản lý để thực hiện công tác quản lý, điều hành, điều tiết các hoạt động. Sở thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, thuyết minh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, giao tiếp cho những người phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng; thiết lập sự liên kết kinh tế giữa các chủ thể kinh doanh với các điểm du lịch cộng đồng; thiết lập các tour du lịch trải nghiệm giữa các loại hình du lịch cộng đồng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị du lịch khép kín, chuyên nghiệp và hiện đại.


Mong được trải nghiệm nhiều hơn

Chị Vũ Thị Kim Liên, du khách Hà Nội

Thời gian vừa qua, tôi thấy trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nở rộ dịch vụ homestay. Qua trải nghiệm ở một số homestay tôi thấy được sự gần gũi, thân thiện, nhiều homestay có sự đầu tư phòng ở hiện đại hơn, tiện nghi hơn. Lựa chọn dừng chân tại homestay, du khách không chỉ đơn thuần đến để lưu trú mà còn được tham quan, trải nghiệm và thưởng thức những sắc màu văn hóa của người dân bản địa. Tuy nhiên tôi thấy để thu hút khách ngày càng nhiều, các homestay cần chú trọng việc tổ chức, làm phong phú, đa dạng thêm các dịch vụ trải nghiệm hơn như: đi cấy, đi gặt, hái rau, bắt cá, tôm, nấu ăn, ngâm chân thảo dược, nhảy sạp, đốt lửa trại, biểu diễn, giao lưu văn nghệ các dân tộc hoặc tận hưởng không khí trong lành của làng quê bằng cách đạp xe trên những con đường làng mộc mạc... để đem đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Tin cùng chuyên mục