Nét văn hóa độc đáo trong hôn nhân của người Dao Đỏ

- Dân tộc Dao Đỏ ở Na Hang có những nét văn hóa riêng rất đặc sắc. Trong đó Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ và Hát Páo dung của người Dao đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đám cưới của người Dao đỏ.

Ngoài ra, phong tục tập quán hôn nhân trong truyền thống của người Dao Đỏ cũng là một nét văn hóa rất độc đáo so với các dân tộc khác. Người Dao có Quy tắc hôn nhân là: Ngoại hôn dòng họ, nội hôn dân tộc và hôn nhân một vợ một chồng. Tức là người trong cùng dòng họ thì không được lấy nhau. Chỉ được lấy người trong cùng ngành dân tộc Dao, và chỉ được lấy một vợ, một chồng.

Dân tộc Dao có mười hai họ, mỗi họ lại có nhiều nhánh khác nhau. Để phân biệt anh em trong dòng họ, người Dao dùng hệ thống tên đệm để phân biệt. Cùng họ và cùng dãy tên đệm là anh em ruột thịt không được kết hôn với nhau. Cùng họ nhưng khác dãy tên đệm thì không cùng ruột thịt có thể kết hôn với nhau được.

Dân tộc Dao còn có tập tục quy định trong hôn nhân là, cho phép con anh trai và con em gái, hoặc con chị gái với con em cậu có thể kết hôn với nhau. Bởi vì chị gái hay em gái đã được xuất giá lấy chồng họ khác, con cái sinh ra không mang họ mẹ do đó không cùng dòng họ, không cùng tổ tiên nên khi kết hôn tổ tiên không quở trách.

Đặc biệt người Dao còn có phong tục lấy rể kế thế. Tức là những gia đình chỉ có con gái thì sẽ tổ chức cưới và đón rể về nhà mình. khi đó người con rể sẽ đổi họ lấy theo họ của bố vợ, để trở thành con trai nối dõi tông đường của nhà gái.

Các cặp trai gái khi quyết định đi đến hôn nhân bắt buộc phải qua những đêm “cóng sình” tức là đêm tỏ tình. Thông qua đêm tỏ tình tâm sự, chàng trai và cô gái nếu thấy tâm đầu ý hợp thì về thưa với mẹ cha để chuẩn bị tiến tới hôn nhân. Việc tỏ tình của đôi trai gái bắt buộc phải ở trong nhà có đèn sáng và thực chất vẫn có sự theo dõi ngầm của bố mẹ. Có những trường hợp trong khi thấy con mình bí không hát đối đáp được, ông bố lại lên tiếng đỡ lời cho con để cuộc tỏ tình lại tiếp tục trôi chảy. Đây là phong tục và là nét văn hóa đặc sắc riêng có của người Dao.

Lễ cưới của người Dao Đỏ gọi là lễ Tơ hồng. Theo nghi lễ cổ truyền phải thực hiện đầy đủ 14 bước trong thời gian từ 1 đến 2 hoặc 3 ngày. Lễ cưới, ngoài những nghi lễ kết hôn thông thường, nó còn là dịp trình diễn trang phục truyền thống độc đáo của phụ nữ và cô dâu, gắn với những làn điệu hát páo dung mượt mà đằm thắm. Nhưng đặc sắc và sinh động nhất trong lễ cưới của người Dao Đỏ là có dàn nhạc cụ dân tộc cử hành trong suốt quá trình diễn ra lễ cưới, làm cho không khí lễ kết hôn luôn luôn sôi động, vui tươi, nhộn nhịp.

Theo tục lệ người Dao Đỏ tổ chức lễ cưới đón dâu không tổ chức tiệc mừng ở bên nhà gái mà tập trung ăn uống ở bên nhà trai. Bên nhà gái chỉ tổ chức một bữa tiệc rượu mời họ hàng bên nhà gái trước khi lên đường đưa dâu sang nhà trai.

Hát giao duyên trong lễ rước dâu.

Người Dao Đỏ thường có phong tục đưa dâu và chiều tối, vì họ quan niệm đi vào những lúc này mặt trời không nhìn thấy mặt sẽ không sợ mất vía cô dâu. Khi đến nhà chồng thường vào khoảng 4 - 9 giờ sáng ngày hôm sau. Đoàn đưa dâu đến địa điểm đã hẹn cách nhà chú rể khoảng 300 m, thì sẽ gặp đoàn nhà trai đón dâu tại đó. Theo tục lệ không đón dâu tại nhà gái.

Vào ngày cưới nhà trai phải làm lễ cúng tổ tiên trước khi đi đón dâu, cầu mong phù hộ cho lễ cưới diễn ra an toàn, cầu cho cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc. Bên nhà trai cử đoàn đi đón dâu khoảng 10 đến 15 người gồm những người đã có gia đình, có con cháu, gia đình thuận hòa ăn nên làm ra và một số chàng trai cô gái là người có đạo đức tốt học hành chăm ngoan. Đến giờ đẹp thầy cúng phát tín hiệu đón dâu vào cửa làm lễ “Quá hồng tồm kèng”,  cô dâu qua cửa chính có vắt dải lụa hồng trong tiếng nhạc rền vang rộn ràng.

Một người trưởng bếp là đàn ông và một người nấu cơm là đàn bà cầm hai đầu khăn đỏ giăng ngang trước của chính, trước mặt cô dâu và nâng dần lên 3 lần: Lần 1 nâng ở tầm thấp “quá mìn sư” cách nền nhà khoảng 50 cm. Lần thứ 2  hai người nâng khăn cao đến giữa cửa “Hiang mìn sư”, thầy cúng lại đọc bài chú Hiang mìn sư. Lần 3 hai người nâng hẳn lên đến trên cửa rồi quàng rải vải đỏ lên trên cửa chính, thầy cúng lại đọc bài chú “Siang mìn sư”.

Sau đó cô dâu được dẫn vào nhà đứng trên chiếu hoa đã giải sẵn trước bàn thờ tổ tiên để tiến hành lễ bái gia tiên hai bái, vào bếp lò bái 2 bái. Sau đó quay về đứng vào chiếu trước bàn thờ để làm lễ  “Thin Tinh” nhập khẩu cô dâu vào họ nhà trai. Tiếp theo là lễ cúng của nhà gái tại nhà trai “Siang chà phin” và lễ  “ Hìn tíu” tiệc mừng.

Tiệc mừng trong lễ cưới của người Dao theo truyền thống bao gồm toàn bộ họ mạc và khách mời của cả nhà trai và nhà gái cùng dự tiệc tại nhà trai. Trong bữa tiệc luôn luôn có hòa tấu nhạc kèn với nhiều làn điệu nghe du dương, réo rắt, rộn ràng làm cho không khí bữa tiệc thật vui mừng nhộn nhịp.

Tiếp theo là lễ “Pướm sái chám sết” tức là lễ hóa giải xung khắc vợ chồng. Lễ “Quá Hồng” tức là lễ quàng vải đỏ cho cô dâu và chú rể. Lễ “Quá piang”  là lễ cài hoa cho cô dâu chú rể. Sau các nghi lễ trên đôi trai gái bắt buộc phải tiến hành làm lễ “Cáp tíu” tức là lễ kết rượu. Tiếp theo là lễ  bái đường hay là lễ bái tổ tiên, sau đó là lễ dạy dâu rể, thầy cúng căn dặn hai vợ chồng theo lời khuyên răn trong bài thơ mẫu.

Toàn bộ nghi lễ đã hoàn tất. Thầy cúng làm thủ tục cuối cùng là hóa tiền vàng để chuyển về âm gian dâng hiến các thần linh.

Phần cuối cùng là thủ tục tiễn nhà gái ra về. Khi nhà gái chuẩn bị bước ra cửa chính, nhà trai chọn những trai thanh gái lịch cầm sẵn rượu đứng xếp thành hai hàng dọc theo đường ra để mời rượu họ hàng nhà gái trước khi ra về trong điệu nhạc rộn ràng, lưu luyến, bổng trầm tha thiết.

Âm nhạc trong lễ cưới truyền thống của người Dao Đỏ ở Na Hang là một nét văn hóa hết sức đặc sắc và độc đáo. Cuộc sống dẫu còn vất vả khó khăn nhưng âm nhạc đã làm cho lễ cưới nói riêng và đời sống văn hóa nói chung của dân tộc Dao Đỏ phong phú, làm vơi đi những mệt nhọc trong lao động sản xuất. Qua đó giúp họ yêu đời, yêu cuộc sống và thương yêu nhau hơn trong tình làng nghĩa xóm, gia đình dòng họ và cộng đồng dân tộc Dao.

Tống Đại Hồng

Tin cùng chuyên mục