Phân loại rác thải nhựa tại hộ gia đình
Vài năm trở lại đây, các tuyến đường trên địa bàn xã Thái Hòa (Hàm Yên) đã không còn tình trạng vứt rác thải nhựa bừa bãi ra lề đường. Toàn xã có 6 thôn nằm ven đường, có quốc lộ đi qua ký cam kết với đơn vị thu gom rác thải để thu gom rác với gần 500 hộ tham gia. Đối với những thôn ở xa, đời sống nhân dân còn khó khăn, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội xã vận động nhân dân xây dựng lò xử lý rác thải. Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh tuyên truyền miệng, phân công phụ trách theo nhóm hộ gia đình để tuyên truyền việc phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ, rác thải nhựa ngay từ hộ gia đình, tuyên truyền nhân dân xây dựng lò xử lý rác thải. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, thôn hỗ trợ ngày công lao động. Đến nay, toàn xã có 140 hộ dân có lò xử lý rác thải được xây kiên cố. Tại tất cả các thôn của xã, nhân dân đều xây dựng 1 lò xử lý rác thải được đặt tại nhà văn hóa của thôn. Đồng chí Đinh Thị Kim Thoa, Trưởng thôn Ninh Tuyên cho biết, Ninh Tuyên là thôn có 100% số hộ dân đã xây dựng lò xử lý rác thải tại hộ gia đình. Mỗi lò xử lý rác thải mi ni tại gia đình được đầu tư từ 500 đến 700 nghìn đồng nhưng cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên rất nhiều.
Nhân dân tổ 17, phường An Tường thu gom, phân loại rác thải nhựa trên đồng ruộng.
Tại phường An Tường (TP Tuyên Quang) đã có hàng trăm hộ gia đình tự giác xây dựng bể xử lý rác thải, bể ủ rác thải hữu cơ. Rác thải nhựa được các hộ gia đình thu gom theo quý rồi mang đến nhà văn hóa của tổ dân phố để Chi hội Phụ nữ bán lấy tiền gây quỹ hội. Đồng chí Nguyễn Thị Phấn, Chủ tịch Hội LHPN phường An Tường cho biết, phân loại rác thải và thu gom rác thải nhựa ngay từ hộ gia đình đã trở thành phong trào giữa các chi hội, 100% gia đình các hội viên ngay từ đầu năm đã ký cam kết thu gom rác thải nhựa. An Tường hiện đang là điểm sáng trong huy động sức dân để phòng, chống rác thải nhựa với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể. Nhờ đó đã huy động mạnh mẽ sức dân và nguồn xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường. Năm 2021, MTTQ phường còn huy động được trên 45 triệu đồng từ các đảng viên tổ đảng 213 để hỗ trợ 1.364 cặp xô đựng rác, 250 túi vải thân thiện cấp phát cho 682 hộ gia đình.
Một ngày của gia đình ông Âu Đức Triệu, tổ 7, phường An Tường kết thúc bằng việc thu gom các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình và phân loại rác vào hai chiếc xô khác nhau. Ông cho biết, việc làm này của gia đình đã trở thành nền nếp để giữ cho khuôn viên nhà cửa và ngõ xóm luôn sạch sẽ. Được cán bộ xã, thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động nên gia đình ông nhận thức rõ ý nghĩa của phân loại rác thải, chống rác thải nhựa. Bởi vậy, rác thải nhựa được gia đình ông thu gom vào bao tải để đến quý mang đến tập kết tại nhà văn hóa thôn để thôn bán gây quỹ. Các loại rác còn lại, gia đình ông cho vào bể xử lý rác thải.
Có thể nói, khi nhận thức của người dân được nâng lên đã góp phần làm thay đổi và hình thành ý thức chung tay bảo vệ môi trường.
Các em học sinh Trường Tiểu học An Tường tận dụng vỏ chai nhựa để làm chậu hoa trong khuôn viên nhà trường. Ảnh: Cảnh Trực.
Tự quản bảo vệ môi trường
Mô hình tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa là một trong những mô hình phát huy hiệu quả, khơi dậy được sức dân trong bảo vệ môi trường ở cơ sở. Từ 28 mô hình điểm ở các huyện, thành phố về thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 2.180 tổ tự quản với 1.796 nhóm tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa. Các tổ tự quản đã xây dựng được trên 5.000 bể xử lý rác thải và ủ rác hữu cơ. Các thành viên trong tổ tự quản được phân công phụ trách theo nhóm hộ gia đình, thường xuyên vận động, nhắc nhở nhân dân thu gom rác thải, nhất là rác thải nhựa, không xả rác bừa bãi và có phương án xử lý rác thải phù hợp. Các tổ tự quản còn thường xuyên thực hiện giám sát, phát hiện và ngăn chặn việc xả rác thải ra công cộng, góp phần xây dựng các tuyến đường xanh - sạch - đẹp.
Tuyến đường thôn Đồng Bèn 1, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) luôn xanh - sạch - đẹp.
Phấn đấu xây dựng xã về đích nông thôn mới trong năm nay, nên xã Thượng Ấm (Sơn Dương) đã tập trung cao độ khơi dậy sức dân để bảo vệ môi trường. Toàn xã có 13/13 thôn đã có tổ tự quản thu gom rác thải và chống rác thải nhựa. Nhiều tổ tự quản huy động được sức dân xây dựng bể xử lý rác thải tập trung, bể xử lý rác thải ngay tại gia đình và bể chứa vỏ thuốc bao bì thực vật. Đồng chí Nguyễn Thị Mão, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Hồng Tiến cho biết, tổ tự quản của thôn hiện nay đang phụ trách 5 nhóm hộ gia đình. Tổ tự quản đã vận động các hộ gia đình thu gom rác thải ngay tại nhà và xây dựng 50 bể ủ rác hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng. Bởi vậy đã không còn tình trạng rác thải nhựa không được thu gom vứt bừa bãi xung quanh nhà và ra đường như trước đây. Thôn còn huy động nhân dân đóng góp xây dựng bể xử lý rác thải tập trung tại nhà văn hóa thôn. Vào thứ 6 hàng tuần, tổ tự quản cùng các hộ gia đình trong thôn tổ chức vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom và xử lý rác thải tại bể xử lý rác thải tập trung của thôn.
Theo đồng chí Nguyễn Thúy Tình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thượng Ấm, nhờ sự tham gia tích cực của nhân dân, các tổ tự quản, tình trạng vứt rác bừa bãi ra suối, ven đường... đã được hạn chế. Tỷ lệ rác thải nhựa được phân loại, thu gom tại hộ gia đình đã được nâng lên. Toàn xã đã xây dựng được 6 tuyến đường xanh - sạch - đẹp, nói không với rác thải.
Bảo vệ môi trường chính là trách nhiệm của mỗi người dân. Bởi vậy, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp, nhất là cấp cơ sở cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác xử lý, phân loại rác thải, chống rác thải nhựa ngay từ hộ gia đình, khơi dậy sức dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Gửi phản hồi
In bài viết