Văn bia Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc: Những giá trị lịch sử, văn chương

- Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (xã Yên Nguyên, Chiêm Hóa) có tấm bia đá đã được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2013. Nội dung bài Văn bia được viết bởi bậc danh bút Lý Thừa Ân, một Văn thần đời Lý Nhân Tông. Đây là bài văn bia công đức xuất sắc nhất thời Lý.

Giá trị lịch sử

Văn bia được khắc bằng chữ Hán kín phần thân bia bằng đá xanh nguyên khối, gồm 28 dòng, mỗi dòng từ 32 đến 44 chữ, cả thảy khoảng 1.200 chữ. Bố cục tương tự bố cục các văn bia thời Lý gồm phần viết về người dựng bia, bài ký, bài minh và cuối cùng là tác giả.

Thời nhà Lý, để bảo đảm an ninh biên giới, vua cùng các đại quan thường đích thân chỉ huy nhiều cuộc tuần tra kiểm soát vùng biên ải; tiến hành hoạt động ngoại giao kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền, chống xâm lấn biên giới, giữ gìn an ninh trật tự vùng giáp biên. Nội dung văn bia cho thấy sự kiện lịch sử đáng tự hào của xứ Tuyên thời Lý: “năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh [1074], thân phụ Thái phó chỉnh đốn vương sư, đánh sang ải Bắc. Vây thành Ung cho bõ giận; bắt tướng võ dâng tù binh. Do đó, phụ thân Thái phó được nhà vua ban chức Hữu đại liêu bàn đoàn luyện sứ. Cấy cày theo phép tỉnh điền, thóc lúa ùn ùn như núi; khách khứa ba nghìn đông đúc, cửa nhà nhộn nhịp phố phường”.

Triều đình nhà Lý còn đề ra một số chủ trương, chính sách mềm dẻo, khoan dung để thu phục các tù trưởng địa phương. Trong đó có việc tạo liên kết qua hôn nhân, gả công chúa cho các tù trưởng có thế lực để thu phục các tù trưởng. Nhà vua thông qua đó nắm đất, nắm dân miền biên ải, đồng thời thắt chặt khối đoàn kết các dân tộc, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của triều đình.

Toàn cảnh chùa Bảo Ninh Sùng Phúc.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng 2 năm 1082, (vua) gả công chúa Khâm Thánh cho Hà Di Khánh châu mục châu Vị Long…” - hoàn toàn khớp với nội dung văn bia “Cuối đông năm Nhâm Tuất [1082], vua tiễn đưa công chúa về nhà chồng ở bản châu. Nhà vua ban tiệc mừng long trọng; Thái phó sắm đủ lễ đón dâu. Ăn mặc đủ màu, dân chúng xem đông như hội; năm cung sáu viện, chị em đưa tiễn rợp đường”.

Phần nội dung văn bia còn có phần ngợi ca Thái phó Hà Hưng Tông - người có công đức lớn lao trong việc hoằng dương Phật pháp, cũng như cứu giúp chúng sinh, phù trì cơ đồ quốc gia bền vững. Đây chính là nguồn sử liệu quan trọng, cho thấy những thông tin cụ thể về gia thế, hành trạng của nhân vật lịch sử được đề cập.

Giá trị văn chương

Bài văn bia có kết cấu rất hoàn chỉnh, điển hình của văn bia thời Lý, bao gồm hai phần: tự và minh, lời văn rất điêu luyện. Trong đó, bài tự được viết bằng văn xuôi, diễn giải sự việc rất chi tiết rõ ràng và dễ hiểu. Bài minh được viết bằng giọng văn cổ kính, lại thuộc thể vận văn tứ tự nên rất cô đọng, có phần khó hiểu hơn.

Mở đầu là phần luận về Phật pháp khá sâu sắc bằng thể văn biền ngẫu, với những từ ngữ bóng bẩy, súc tích, hàm ý sâu xa khiến người đọc như trôi trong không gian nhiệm màu của đạo Phật, tâm hồn và ý nghĩ cũng trở nên thuần khiết:“Ôi! Cái chân không trong lặng, giấu hình khi trời đất chưa chia, cái diệu hữu nảy sinh, bao trùm trước hữu hình vận động. Sáng thì gạt bỏ cái “không”, vì cơ vi chẳng phải là không; mê thì bám lấy cái “có”, coi mầu nhiệm cũng là không có. Xa nghĩ đức Phật tổ xa, trí tuệ của người xem xét tất cả không sót một ai. Cho nên người: Giấu kín cái “thực”, làm rõ cái “quyền”, để gọi bảo cái đạo “thường”, “vui” mãi mãi, từ cái “không” đi vào cái “có”, để giúp cho sự hồi hướng giải thoát đời đời. Khéo mở ra muôn vạn pháp môn; để dạy bảo muôn nghìn thế giới...”.

Tiếp đó là phần kể về thân thế sự nghiệp của người lập chùa, rất rõ ràng, tỉ mỉ, mang sắc thái đầy tự hào: “Kính thay Thái phó Hà Hưng Tông, thủy tổ là người ở xóm Ca Nông, hương Thạch Bách, huyện Hà, thuộc Đông Đô, châu Ung Cao tổ là Hà Đắc Trọng, xa nghe giáo hóa của vương triều, dời gót xin làm thần thứ. Từ đó gìn giữ an toàn châu Vị Long vậy. Dân đã ấm no; người đời tôn trưởng…”

Những dòng viết về chùa kết hợp miêu tả hình thế núi sông thắng cảnh, quy mô kiến trúc, ca ngợi chính tích công nghiệp của Thái phó Hà Hưng Long được thể hiện bằng văn bút tài hoa, đậm chất văn học: Đẽo gỗ rừng chan chát, chuyển quang sọt rộn ràng, xà uốn cong cong ngỡ cầu vồng bắc nhịp; mái hiên xòe cánh như chim chóc tung bay. Nhà trắng bao quanh, Tam ma địa gần gũi; tượng vàng đặt giữa. Ngũ tịnh thiên khác nào Trầm hương nghi ngút, bốc tới trời mây, chuông khánh nhịp nhàng, vang lừng hang động. Hoa thông xanh tốt, chiếm mãi gió từ, cờ phướn quy y, bỏ xa nhà lửa...”. Lời văn biền ngẫu xen tản văn, vô cùng điêu luyện chuẩn mực, câu chữ đẹp đẽ, giàu hình tượng, đối ngẫu chỉnh tề, lại chủ ý đưa vào rất nhiều điển cố Phật giáo nên toát lên vẻ thanh cao, trang trọng.

Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.  

Bài minh trên văn bia này gồm 32 câu; tóm lược lại toàn bộ bài ký trước đó, được trình bày dưới dạng văn vần, mỗi câu 4 chữ. Tuy là sự “trình bày lại” bài ký, nhưng lại khá lớp lang, có vần điệu, khiến người đọc dễ hiểu, dễ nhớ:

Định thể nào không,
Diệu dụng đâu có,
“Không”, “có” chớ lìa,
“Quả”, “nhân” khôn xóa. 
Không yên trung đạo,
Biết chọn bên nào,
Tỏ  “quyền” dấu “thực”,
Đôi đằng tính sao ? 
Rằng xa Phật tổ,
Dắt dạy quần sinh,
Không vướng không mắc,
Có  duyên có tình.
Lớn thay họ Hà,
Rỡ ràng tiếng tốt,
Tiên tổ qua đời,
Cháu con nối gót... 

Có thể thấy, nội dung văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúckhá dài, nhưng các đoạn được tiếp nối khá linh hoạt, lôi cuốn. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá đây là một giai phẩm văn chương, ngang hàng với những bài văn bia tuyệt tác thời Lý như Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh và Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh của Thiền sư Pháp Bảo, Đại Việt Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên linh tháp bi của Nguyễn Công Bật, Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh của Nguyễn Công Diễm...

Bên cạnh đó, văn bia còn mang giá trị nhiều mặt trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội đương thời, nhất là về tiểu sử nhân vật; đồng thời khẳng định sự tôn sùng Phật giáo của triều đình, khẳng định chủ quyền quốc gia trên vùng đất phên dậu Tuyên Quang thời văn minh Đại Việt - Lý Trần.

Sơn Vũ

Tin cùng chuyên mục