Toàn cảnh Làng văn hóa thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang).
Hiện nay tại tỉnh Tuyên Quang nhiều làng văn hóa đã kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương); Làng văn hóa thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú (Yên Sơn) và Làng văn hóa thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, Làng văn hóa thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình), làng văn hóa thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang)... Mỗi làng văn hóa đều mang những nét đẹp riêng, đặc sắc cả về phong cảnh lẫn văn hóa con người.
Ở Làng văn hóa du lịch thôn Khâu Tràng, ngoài những ngôi nhà gỗ lợp mái ngói âm dương đã trở thành biểu tượng, thì nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Dao Tiền vẫn được đồng bào nơi đây gìn giữ và bảo tồn. Như nghệ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong, lễ cấp sắc của người Dao Tiền, nghề thêu trang phục truyền thống...
Đồng chí Đặng Văn Sam, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Hiện nay, thôn Khâu Tràng có 9 homestay phục vụ cùng lúc gần 400 du khách có nhu cầu lưu trú, ăn uống, sinh hoạt tại các hộ gia đình. Du khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống, các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương do chính bà con trong thôn trực tiếp sản xuất như: lợn tên lửa, gà đồi, gà đen, thịt treo gác bếp, thịt ướp chua, rau trái vụ theo mùa được sản xuất theo hướng hữu cơ.
Để bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân UBND xã cũng tích cực tổ chức các hoạt động như khôi phục nghề thêu truyền thống qua hoạt động thi thêu thùa; tuyên truyền trong các buổi họp thôn bản về giữ gìn, phát triển nét đặc sắc truyền thống của dân tộc mình.
Làng văn hóa Tân Lập nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), với gần 100% người dân tộc Tày sinh sống.
Không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, ngày nay, làng Tân Lập còn lưu giữ được những tinh hoa văn hóa của dân tộc Tày trong những ngôi nhà sàn truyền thống và những làn điệu then, cọi mê đắm lòng người. Lợi thế về bản sắc văn hóa truyền thống, giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên… là yếu tố thuận lợi để khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.
Du khách trải nghiệm làm cốm tại Làng văn hóa thôn Nà Tông.
Nằm ở huyện vùng cao nên làng văn hóa thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) có được vẻ hữu tình với núi cao bao bọc, nước suối chảy róc rách như một bức tranh thủy mặc. Chính vì có ưu thế điều kiện về địa lý nên Nà Tông có sắc thái riêng không giống với bất cứ một bản vùng cao nào khác.
Với lối kiến trúc nhà sàn độc đáo cùng với các tua du lịch kết nối hợp lý, homestay nơi đây thực sự hấp dẫn khách du lịch. Có đến hơn 60% đồng bào Tày sinh sống vì vậy, các ngôi nhà homestay vẫn giữ vẹn nguyên bản sắc truyền thống của người Tày. Trải nghiệm homestay Nà Tông, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành của đất trời vùng cao, được thưởng thức những làn điệu dân ca Tày độc đáo như then, cọi, lượn mà còn cùng bà con dệt những vuông thổ cẩm làm nên bản sắc riêng có của đồng bào nơi đây.
Chị Nguyễn Quỳnh Nga, du khách Hà Nội, chia sẻ: “Tôi từng nghe đến trên mảnh đất vùng cao của huyện Lâm Bình có rất nhiều ngôi nhà sàn cổ. Đặc biệt ở làng văn hóa Nà Tông các ngôi nhà sàn của người dân tộc Tày vẫn giữ nguyên bản sắc truyền thống của dân tộc. Đến nay tôi mới có dịp để trải nghiệm, tôi thật sự như lạc vào trong những mẩu truyện, những thước phim như đã từng xem. Kiến trúc nhà sàn tạo nên không khí mát mẻ, rất dễ ngủ, thích hợp cho những ai muốn được thư giãn. Tôi thấy người dân nơi đây vẫn còn giữ gìn được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Nơi đây là một nơi trải nghiệm, nghỉ dưỡng lý tưởng nhất mà tôi đã từng đến”.
Việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống của mỗi dân tộc tại các làng văn hóa trong tỉnh đang mở ra cơ hội phát triển du lịch rất lớn. Nhiều nét văn hóa tinh hoa, đẹp đẽ nhất của các dân tộc đều có thể tìm thấy tại các làng văn hóa nói trên, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá của bất cứ ai muốn trở về với nguồn cội.
Gửi phản hồi
In bài viết