Cả Tổng Bí thư và Thủ tướng đều từng nói “ai không làm, đứng sang một bên”. Hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu thay thế hoặc điều chuyển công việc những cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, thiếu trách nhiệm.
Trách nhiệm công vụ chính là hạt nhân tiêu biểu trong tập hợp các trách nhiệm. Đó chính là nhiệm vụ mà đất nước giao cho cá nhân cán bộ, công chức, viên chức theo chức trách được phân công. Trách nhiệm công vụ đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nhiệm vụ được giao đến cùng, không thể thoái thác hoặc trao lại cho ai khác, buộc người cán bộ, công chức, viên chức phải gắn mình với thực hiện công vụ cho đến khi có kết quả. Nên khi đánh giá cán bộ, công chức, viên chức mới có cụm từ “làm tròn nhiệm vụ”, “hoàn thành nhiệm vụ”, “hoàn thành tốt nhiệm vụ”, nói về việc đã thực hiện đúng, đủ, tốt nhiệm vụ theo chức trách được phân công.
“Né” trách nhiệm nên rất nhiều việc đáng lẽ phải được giải quyết ở cấp dưới, ở cấp cơ sở, nhưng lại dồn dần lên cấp trên, làm giảm hiệu quả quản trị của cả hệ thống, gây dồn ứ nhiệm vụ. Nhiều cấp có thể ra quyết định quản lý theo đúng thẩm quyền thì lại có xu hướng trở thành cấp trung gian, trung chuyển trách nhiệm, và cả hệ thống phải chờ cấp cao nhất ra quyết định quản lý thì mới thực thi được. Nhiều việc vì thế chậm được giải quyết. “Dồn việc lên trên hoặc đẩy cho bộ phận khác” đang trở thành xu hướng, bởi nó là phương án rất dễ, nhiệm vụ coi như không liên quan gì nữa tới mình. Hậu quả là công việc không được giải quyết, làm lỡ thời cơ của người dân, doanh nghiệp và lãng phí nguồn lực.
Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ rõ phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, tâm lý e dè sợ sai; kiên quyết thay thế, điều chuyển công việc khác đối với người không dám làm việc, thiếu trách nhiệm.
Việc cán bộ, công chức có tư tưởng “không làm không sai”, “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa” là vi phạm các quy định của Trung ương.
Chính vì vậy, việc thay hoặc điều chuyển cán bộ năng lực yếu, né tránh trách nhiệm được giao chính là nhiệm vụ cấp bách để khắc phục tình trạng trì trệ, đùn đẩy hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết