Với tôi, dù mấy chục năm trời đã qua đi nhưng ký ức về một cây cầu bình dị của quê hương Tuyên Quang đã từng gắn bó với cuộc đời trai trẻ của tôi cùng bạn bè khối phố Tam Cờ khiến chúng tôi không thể nào quên được. Đó là Cầu Chả với tên gọi thật nôm na, gần gũi do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19 sau khi đánh chiếm tỉnh lị Tuyên Quang. Cây cầu nhỏ bằng bê tông cốt sắt với chiều dài khoảng 6m, chiều rộng 3,5m được bắc qua con ngòi nằm trên quốc lộ 2, là cửa ngõ dẫn vào thị xã Tuyên Quang vẫn tồn tại cho đến bây giờ.
Nhớ lại những ngày xa xưa. Cầu Chả luôn là điểm nối quan trọng trong mạch máu giao thông từ phía nam tỉnh Tuyên Quang đi vào thị xã. Hàng hóa và những nhu yếu phẩm từ miền xuôi vẫn qua cây cầu này để cung ứng cho đồng bào miền núi Tuyên Quang. Những buổi sớm tinh mơ, cây cầu Chả đã tấp nập bước chân người gồng gánh cùng với xe đạp thồ, xe trâu của bà con nông dân từ các xã An Tường, An Khang, Soi Châu,... mang hoa quả, thực phẩm vào chợ Tam Cờ bày bán. Cây cầu đã nối những niềm vui trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, trong mối giao lưu thân thiết giữa những người dân vùng đồng bằng Trung du Bắc Bộ như Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ... với chiến khu Cách mạng Tuyên Quang, với đồng bào thị xã Tuyên Quang giàu truyền thống yêu nước,
anh hùng.
Trong tâm thức của người dân thị xã Tuyên Quang, cùng với Sông Lô, núi Dùm, núi Thổ Sơn, chợ Tam Cờ..., Cầu Chả là một địa danh quen thuộc, thân thiết với nhiều thế hệ con người nơi đây, kể cả những người đi xa, mỗi khi nhớ về cội nguồn quê hương yêu quý. Tuổi trẻ chúng tôi cũng vậy, cây cầu nhỏ nhắn, xinh xắn thường là nơi tụ hội bạn bè.
Cầu Chả là cây cầu thân thiết với nhiều thế hệ người Tuyên Quang.
Những buổi chiều hè, Cầu Chả rợp mát bóng tre và nhuộm đỏ một mầu hoa phượng với tiếng ve gióng giả ngân dài. Chúng tôi đứng tựa vào lan can cầu trò chuyện trong làn gió mơn man mát rượi. Những đêm trăng sáng, cây cầu là nơi gặp gỡ, hẹn hò của nam thanh nữ tú và không ít những cặp lứa đôi đã nên vợ nên chồng trong tình yêu thủy chung, hạnh phúc. Nhiều người già đã nhận xét: Cầu Chả là cầu nghĩa, cầu tình đã đem lại niềm vui, niềm tin, niềm hạnh phúc với người dân thị xã Tuyên Quang.
Không chỉ là cây cầu tình nghĩa, Cầu Chả còn là chứng tích hào hùng của những ngày nhân dân Thị xã Tuyên Quang đồng loạt nổi dậy cướp chính quyền từ tay giặc Nhật trong Cao trào Cách mạng giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Song Hào, cùng với lực lượng Cách mạng trong thị xã, các đội quân Cách mạng được vũ trang đã đồng loạt tiến vào thị xã theo nhiều hướng, trong đó có mũi tiến công qua Cầu Chả để tạo thành thế gọng kìm bao vây, tiến đánh trại lính Nhật. Ngày 17/8/1945, giặc Nhật đã phải đầu hàng, thị xã Tuyên Quang được hoàn toàn giải phóng với niềm hân hoan, vui mừng của các đoàn thể quần chúng diễu hành qua Cầu Chả để tiến vào quảng trường thị xã trong cuộc mít tinh trọng thể mừng chiến thắng.
Đất nước chưa kịp bình yên thì thực dân Pháp rồi sau này là đế quốc Mỹ lại tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược với dã tâm cướp đi quyền Độc lập Tự do của dân tộc ta. Cùng với cả nước, nhân dân Tuyên Quang đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới với ý chí “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/Chiến trường giục giã bước hành quân” như câu nói nổi tiếng của người anh hùng Lê Mã Lương. Cây Cầu Chả thân yêu của thị xã Tuyên Quang chúng tôi lại chứng kiến những cuộc lên đường đánh giặc đầy khí thế của những đoàn xe chở bộ đội rầm rập qua cầu, tiến thẳng về chiến trường phía Nam đánh giặc.
Kỳ diệu sao, cùng với con người, cây cầu Chả quê tôi cũng gan dạ, quả cảm như một người chiến sỹ anh hùng khi vượt qua bom đạn của kẻ thù vẫn hiên ngang đứng vững qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ tạo niềm tin cho quân dân thị xã Tuyên Quang chắc tay súng đánh trả những cuộc tập kích bằng không quân của máy bay quân thù, bảo vệ bầu trời, đồng bào, quê hương yêu quý. Trên thành cây cầu vẫn còn những thương tích do mảnh bom, mảnh đạn của giặc thù bắn phá nhưng cây cầu vẫn vững vàng như sức sống mãnh liệt, như ý chí cách mạng kiên cường của người dân Tuyên Quang dũng cảm, giầu truyền thống Cách mạng quang vinh.
Ngày nay, thị xã Tuyên Quang đã lên thành phố, biết bao đổi thay mới mẻ với nhiều con đường lớn, nhiều cây cầu mới to đẹp, bề thế để các phương tiện vận tải thuận tiện đi vào trung tâm thành phố. Tuy vậy, người dân Tuyên Quang chúng tôi vẫn không quên cây Cầu Chả lịch sử với hơn 100 năm tuổi. Cây cầu vẫn còn đó, gần gũi, yêu thương và xứng đáng là nhân chứng lịch sử cho sự phát triển của một Tuyên Quang giàu truyền thống yêu nước và Cách mạng; một Tuyên Quang cần cù, dũng cảm, anh hùng; một Tuyên Quang thơ mộng, đẹp giàu với tình người thiết tha, chân thành, đằm thắm.
Gửi phản hồi
In bài viết