Khai thác giá trị văn hóa

- Du lịch cộng đồng (DLCĐ) hiện đang là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích bền vững cho các địa phương và quốc gia. Hình thức du lịch này không chỉ giúp người dân có sinh kế ổn định mà còn bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. 

Tuyên Quang với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa ẩm thực, tập tính người dân thân thiện cởi mở... đã và đang thu hút du khách với loại hình du lịch này.

Tuy nhiên các điểm homestay cũng đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là các sản phẩm du lịch na ná nhau không có sức hấp dẫn, bản sắc văn hóa của địa phương bị lai tạp, nhiều nét hay, riêng biệt vùng miền có nguy cơ mai một. Bà con làm homestay thiếu kinh nghiệm và thiếu kiến thức quản lý, chưa thực sự chuyên nghiệp. Cá biệt, vẫn còn hiện tượng chụp giật, ép giá...

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng làm du lịch theo phong trào, chưa quan tâm nhiều đến việc giữ gìn môi trường tự nhiên và văn hóa, cách bố trí, sắp xếp vật dụng phòng nghỉ; đầu bếp chưa đáp ứng đủ tiêu chí, chuẩn.

Những hạt sạn đó khiến không thu hút được khách du lịch lưu lại lâu và sẽ quay trở lại.

Du lịch cộng đồng được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa bản địa. Do vậy, để phát triển bền vững DLCĐ, bên cạnh những vấn đề về nhận thức, về chính sách hỗ trợ, quan tâm cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực... thì cần chú ý nhiều đến nội dung văn hóa trong hoạt động này. Cần khắc phục các hạn chế đã nêu trên bằng cách “làm giàu” các tài nguyên DLCĐ như các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, các phong tục tập quán tốt đẹp, bản sắc văn hóa đặc sắc để thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông và khách du lịch.

Chính việc gìn giữ, thực hành và lan tỏa các giá trị văn hóa bản địa là chìa khóa để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, từ đó gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân.

Thái An

Tin cùng chuyên mục