Ngoài ra, du lịch cộng đồng còn góp phần thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo, tạo ra sinh kế đồng thời khuyến khích vai trò của người dân bản địa trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương.
Tuy nhiên, du lịch cộng đồng ở Tuyên Quang hiện đang được đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, cần có một chiến lược phát triển dài hạn bài bản, rõ ràng và cụ thể hơn. Trong đó, cần có cơ chế chính sách cụ thể từ phía nhà nước để khơi dậy sức dân làm du lịch cộng đồng. Có cơ chế, chính sách tạo cơ hội để người dân, các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành có thể cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, đầu tư hạ tầng du lịch, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho người dân nhưng phải đảm bảo các yếu tố giữ gìn cảnh quan môi trường, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa.
Mỗi địa phương cần xây dựng phương án lựa chọn loại hình sản phẩm để làm định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Để làm được điều đó, cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt...
Các cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương phải không ngừng nâng cao công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhằm phối kết hợp khai thác tốt các điểm du lịch tại địa phương, giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng thì du lịch cộng đồng mới phát triển đúng hướng và bền vững. Và chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, lúc đó du lịch cộng đồng mới phát triển bền vững, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết