Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, với 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới).
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển…
Các quy định xử phạt cũng đã rõ trong Luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất ít người thực hiện phân loại rác tại nguồn. Một số hộ gia đình đã làm, nhưng mỗi ngày mang 3 túi rác đã phân loại ra xe rác thu gom thì đều thấy để chung, sinh chán không phân loại nữa.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, nếu thực hiện phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Việc tận dụng chất thải thành nguồn tài nguyên là giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường, đồng thời hình thành một mắt xích có lợi trong nền kinh tế tuần hoàn.
Việc đặt lộ trình từ nay đến 2025 nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để phát huy được tối đa những tác động tích cực đến môi trường, đời sống của người dân.
Tuy nhiên, vẫn rất cần ý thức ngay từ bây giờ của mỗi cá nhân. Hơn nữa, rất cần những quy định chi tiết về vấn đề này, cần những chính sách khuyến khích xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư xử lý rác với công nghệ hiện đại, để biến rác thành nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường và cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết