Từ nhiều năm nay, câu chuyện về sân chơi cho trẻ em chưa khi nào bớt “nóng”. Đặc biệt, mỗi dịp hè đến, những điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em ở cả thành thị và nông thôn luôn trong tình trạng “quá tải”. Đây là câu hỏi lớn đặt ra đối với các cấp các ngành, địa phương trong việc xây dựng và thi hành các thiết chế đảm bảo quyền vui chơi, giải trí của trẻ em.
Sân chơi của trẻ em không chỉ là khuôn viên, điểm vui chơi cho trẻ chạy nhảy, chơi đồ chơi, trò chơi mà sân chơi cho trẻ em bao gồm nhiều yếu tố nhằm phát triển văn hóa, tinh thần của trẻ thông qua vui chơi, giải trí. Đó là sân chơi ngoài trời, sân chơi trong nhà, thư viện, câu lạc bộ, rạp chiếu phim dành cho trẻ em... Tuy nhiên hiện nay, tất cả sân chơi cho trẻ em nói chung theo nghĩa rộng và điểm vui chơi, khuôn viên vui chơi cụ thể đều đang thiếu.
Trẻ em thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) chơi đu tại điểm vui chơi trong thôn. Ảnh: Bích ngọc
Hệ lụy mà chúng ta có thể thấy rõ nhất của việc thiếu điểm vui chơi cho trẻ, đó là vấn đề tai nạn thương tích ở trẻ em. Tại nhiều địa phương, trẻ em tự phát tạo ra những điểm vui chơi ở lòng đường, ven đường quốc lộ, bên sông suối. Đây là những khu vực rình rập nhiều mối nguy hiểm, mất an toàn cho trẻ. Mỗi năm, cứ đến kỳ nghỉ hè, tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em lại gia tăng do vui chơi không an toàn, không có sự giám sát của người lớn; đặc biệt là tai nạn đuối nước. Thiếu điểm vui chơi giải trí an toàn, trẻ em cũng sa vào các tụ điểm về game, Internet, trò chơi bạo lực, tình dục, đe dọa an ninh xã hội, gia tăng tội phạm trẻ em...
Đã đến lúc cần phải có những quy định rõ hơn nội dung về quyền được vui chơi, giải trí của trẻ em, một trẻ em nếu tính theo đầu người thì cần bao nhiêu m2 để vui chơi, giải trí. Đồng thời, quy định lại việc khi xây dựng các khu dân cư, nhà cao tầng, khu đô thị, cần dành đất xây dựng khu vui chơi, các câu lạc bộ, thư viện cho trẻ em ra sao. Các văn bản của Nhà nước cũng cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội về vấn đề này.
Tháng 6 hàng năm là Tháng hành động vì trẻ em, với khẩu hiệu “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”, “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào công tác bảo đảm các quyền của trẻ, trong đó có học tập, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí. Đảm bảo các quyền cho trẻ cũng là bước chuẩn bị về tâm lý, sự năng động và thích nghi cho một xã hội công nghiệp phát triển và văn minh trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết