Sản phẩm lưu niệm cũng là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến hiệu quả. Sản phẩm lưu niệm thường mang đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, tôn vinh các giá trị văn hóa. Mỗi sản phẩm thường biểu đạt phong cách sinh hoạt, con người, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, biểu tượng vùng miền, tín ngưỡng tâm linh… Thông qua đó, du khách phần nào thấy được hình ảnh con người, địa phương và bản sắc văn hóa nơi tạo ra sản phẩm.
Với việc thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, song sản phẩm lưu niệm du lịch của tỉnh ta chưa được đánh giá cao, vẫn còn nghèo về số lượng, chủng loại, chưa đáp ứng được thị trường du lịch.
Trong những năm gần đây, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch, nhất là khảo sát để đưa một số làng nghề vào các chương trình tour, tuyến du lịch. Mặt khác, thông qua các hoạt động khảo sát, các đơn vị lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh bước đầu chú trọng đến vấn đề xây dựng, chào bán các tour liên kết đến các làng nghề truyền thống, giới thiệu sản phẩm lưu niệm đặc trưng khi đến với xứ Tuyên.
Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm phù hợp làm quà lưu niệm, với giá cả hợp lý, các đơn vị tiêu thụ cũng cần phối hợp với các nhà sản xuất chuyên nghiệp nhằm bảo đảm yếu tố chính xác, mỹ thuật, bền vững và tiện lợi. Đồng thời, đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho các mặt hàng lưu niệm này. Đặc biệt, cần chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đồ lưu niệm... Có như vậy, sản phẩm hàng lưu niệm của tỉnh mới sớm xây dựng được hình ảnh, dấu ấn riêng và phục vụ du khách một cách rộng rãi, góp phần tạo nên thương hiệu và định vị du lịch của tỉnh trong lòng du khách.
Gửi phản hồi
In bài viết